Tập Lái
28/3/19
34
16
16
30
Trên cung đường đèo Hải Vân khúc khuỷa dài hơn 20km, hễ khi nào nghe có vụ TNGT là vợ chồng ông Dạn bà Vang lại cấp tốc có mặt hỗ trợ.
"Say" cứu nạn
Ấm lòng câu chuyện vợ chồng hàng nước 30 năm cứu nạn trên đèo Hải Vân

Mặt trời lên đỉnh đầu, cung đường đèo Hải Vân dần thưa xe cộ qua lại, ông ông Phạm Dạn (SN 1965) lấy xe máy chở bà Đặng Thị Vang (SN 1966, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) từ quán nước về hướng Nam. Gặp mấy hòn đá rơi vãi, bà Vang nhặt bỏ sang một bên đường. “Đường dốc khúc khuỷu, nhiều xe máy qua đèo vấp phải đá tai nạn như chơi. Ở đây từng xảy ra nhiều vụ tai nạn như thế rồi”, bà Vang nói trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt nhặt những hòn đá. Ông Dạn đứng bên đường, đôi mắt lướt các hướng để cảnh giới xe cộ cho vợ.

Dọc đến gần hết con đèo, hai vợ chồng ông bà mới quay trở lại quán nước, tiếp tục công việc thường ngày. Bà Vang bảo, “công việc” nhặt đá xuất phát từ một vụ tai nạn xảy ra hơn chục năm trước. Khi đó, một người đàn ông đi xe máy từ hướng tỉnh Thừa Thiên - Huế vào Đà Nẵng vấp phải một hòn đá giữa đường khiến cả người và xe ngã nhào. “Đúng lúc một chiếc xe bồn phía sau chạy tới cán qua người...”. Bà Vang lặng thinh, mắt nhìn ra xa. “Nếu lúc đó mình phát hiện hòn đá sớm hơn có lẽ đã không xảy ra chuyện đau lòng”, giọng bà Vang chùng xuống.Mưu sinh trên đèo Hải Vân mấy mươi năm, vợ chồng ông Dạn - bà Vang chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn lớn, nhỏ. “Nhiều lắm, có đếm cũng không nổi”, ông Dạn bảo. Và cũng vì không đành lòng chứng kiến quá nhiều nỗi đau, cứ mỗi khi trên đèo có tai nạn là hai vợ chồng chở nhau cấp tốc chạy đến hiện trường hỗ trợ công tác cứu hộ.

16h45 chiều 20/12/2018, một tiếng nổ vang trời, rồi cột khói lửa cao ngút bốc lên cao ngút gần đỉnh đèo Hải Vân. Biết có chuyện chẳng lành, ông Dạn leo vội lên chiếc xe máy đến hiện trường, bà Vang chạy ngay ra đường cảnh giới cho các xe từ phía Nam đèo Hải Vân đang lên dốc.

Đó là vụ tai nạn giữa hai chiếc xe bồn tại Km 907+100 đường đèo Hải Vân, cách Hải Vân Quan gần 1km. Vụ tai nạn khiến một xe bồn rơi xuống vực bốc cháy, phụ xe may mắn thoát chết, còn tài xế chết kẹt trong cabin.

Ấm lòng câu chuyện vợ chồng hàng nước 30 năm cứu nạn trên đèo Hải Vân


Khi ông Dạn đến hiện trường, chiếc xe bồn chở nhiên liệu đang bốc cháy dữ dội dưới vực. Khi lực lượng chức năng triển khai cứu hộ, ông Dạn hỗ trợ đưa phụ xe đi cấp cứu rồi lăn xả xuống hiện trường hỗ trợ tìm kiếm thi thể tài xế. Lúc này bà Vang cũng đến khu vực tai nạn, mang nước uống cho các chiến sĩ và người dân tham gia cứu hộ cứu nạn.

Khi việc cứu hộ xong xuôi, hai vợ chồng ông Dạn - bà Vang lặng lẽ trở về quán nước bên lưng đèo cách hiện trường vài trăm mét. “Đây cũng giống như vụ tai nạn cách đây gần 20 năm, khi hầm Hải Vân chưa đưa vào hoạt động. Một chiếc xe tải vừa qua khỏi đỉnh đèo Hải Vân thì mất lái lao thẳng xuống vực”, ông Dạn nhớ lại.

Vợ chồng ông Dạn cùng mấy người bán nước gần đó chuyền tay nhau xuống vực. Lúc này tài xế xe tải đã chết, phụ xe kẹt trong cabin bê bết máu. Đưa người lên đèo, bà Vang chạy ra đường vẫy chiếc xe khách rồi cùng em gái ông Dạn đi theo nạn nhân xuống bệnh viện.

Phụ xe hôn mê, không có người thân bên cạnh. Bà Vang đứng ra nhận là người thân, số vàng chắt chiu để lo cho bốn đứa con đang tuổi ăn học, bà Vang đem bán lo viện phí cho người phụ xe.
Tấm lòng rộng mở

Ấm lòng câu chuyện vợ chồng hàng nước 30 năm cứu nạn trên đèo Hải Vân


Ngày trước, cung đường đèo Hải Vân là tuyến đường huyết mạch trên hành trình thiên lý Bắc - Nam. Bà Vang sắm gánh hàng rong lên đèo mưu sinh, còn ông Dạn làm nghề vá, sửa xe. Năm 2012, TP Đà Nẵng hỗ trợ những người bán hàng rong trên đỉnh đèo Hải Vân chuyển đổi ngành nghề. Vợ chồng bà chọn một vị trí ở lưng đèo phía Nam. Nơi đó có tảng đá lớn, nhìn bao quát ra khu vực làng Vân, xa xa là trung tâm thành phố. Ông bà đặt tên quán nước nhỏ là “View”. Quán nước lợp tôn, một góc ông Dạn dùng làm chỗ sửa xe, một góc bà Vang bán nước mía.

Thấm thoát, ngót nghét 30 năm ông bà bám trụ trên cung đèo này. Không chỉ tham gia cứu nạn giao thông, vợ chồng ông Dạn - bà Vang còn là “ân nhân” của rất nhiều sinh viên. “Dịp Tết vừa rồi, có một cậu thanh niên quê Quảng Trị chạy xe máy qua đèo thì xe hỏng. Hỏi ra mới biết cậu này là sinh viên, về quê ăn Tết, trong túi chỉ còn mấy chục nghìn đổ xăng”, ông Dạn kể.

Thấy vậy, ông Dạn không lấy tiền sửa xe. Bà Vang móc túi lấy cho cậu sinh viên thêm 100 nghìn đồng dằn túi đi đường. “Mấy đứa sinh viên tội lắm, ai nỡ lấy tiền tụi nhỏ những lúc đó, mấy đồng cũng không lời lỗ hay mất mát gì”, bà Vang nói. Qua Tết, cậu sinh viên trên đường vào Đà Nẵng học cũng ghé quán nước thăm hai vợ chồng và cảm ơn.

Hay một cậu sinh viên quê tận Đắk Nông đi qua đèo chẳng may té ngã, máu me đầy mình được đưa đi bệnh viện nhưng không có người thân bên cạnh. Bà Vang lại bỏ tiền túi để lo viện phí và tìm cách giúp cậu sinh viên liên lạc về quê. “Thỉnh thoảng thằng bé vẫn liên lạc để hỏi thăm cô chú. Chừng đó là mình đã thấy vui lắm rồi”, bà Vang nói.

Ấm lòng câu chuyện vợ chồng hàng nước 30 năm cứu nạn trên đèo Hải Vân


Từ ngày hầm Hải Vân đi vào hoạt động, xe cộ trên đèo giảm hẳn, tai nạn nghiêm trọng cũng giảm nhưng xe máy va quệt, người điều khiển té ngã trầy xước vẫn còn nhiều. Bà Vang trang bị hẳn một hộp dụng cụ y tế để sơ cứu khi có người té ngã. Cứ khách qua đèo gặp nạn thì bà mang dụng cụ ra sơ cứu tại chỗ, không lấy một đồng tiền công.

“Mình sống tâm huyết không vụ lợi, tính toán nên được ơn trên phù hộ, gia đình yên ấm. Mấy đứa con tôi đứa nào cũng đàng hoàng, có đứa đi bộ đội, đứa học ở Đà Nẵng, đứa con gái thứ hai được học bổng đang học thạc sĩ bên Mỹ”, bà Vang nói giọng đầy mãn nguyện.
Báo giao thông.
 

Attachments

Hạng B2
23/2/17
477
911
143
Ngưỡng mộ, sau này có dịp đi qua đèo mình nhất định sẽ ghé thăm cô chú.