Hạng B1
11/12/15
94
243
33
Hôm qua một ông anh hỏi: Việc CSGT chặn xe mà không cần có dấu hiệu vi phạm, có vi phạm nhân quyền đã được hiến pháp quy định (quyền tự do đi lại) không? Có phạm luật không? Cơ sở pháp lý nào để Cục CSGT cho phép chặn xe như vậy?

Ông anh, có phần bức xúc. Mình thấy bức xúc cũng đúng. Thực ra đang đi hiền lành, chấp hành luật lệ mà bị chặn thì cũng khó chịu thật.

Nhưng là vầy:

Thứ nhất là không phạm luật. Văn bản hướng dẫn gần nhất là thông tư 01/2016 của Bộ Công an cho phép CSGT chặn dừng phương tiện theo kế hoạch của Cục CSGT hoặc Giám đốc CA tỉnh, thành phố; văn bản mới đây là Nghị định 100/2019 của Chính phủ đều dựa vào luật và cho phép họ có quyền này.

Thứ hai việc đấu tranh của công an còn nhằm ngăn ngừa nguy cơ tội phạm, sai phạm. Vì vậy người dân nên chấp hành.

Thế sao có ý kiến phản ứng?
Người ta phản ứng vì lo lắng (vì đã có tiền lệ) những quyền hạn ấy sẽ tạo điều kiện cho sự lộng quyền và tiêu cực.

23 năm trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ CA) có công văn 3471 về việc siết lại kỷ cương trong tuần tra kiểm soát giao thông, văn bản này và một số văn bản liên quan (nay đều hết hiệu lực) yêu cầu CSGT chỉ được chặn dừng phương tiện khi phát hiện dấu hiệu lỗi hiện hữu. Tuy nhiên hồi đó có nhiều anh CSGT muốn kiếm bánh mì, tìm không ra lỗi thì lấy gậy gõ vào lốp và nói lốp mòn hoặc trưa nắng 42 độ thì bảo bật gạt nước. Gạt nước không quay là phạt và cưa đôi. Ban đêm thì các anh ấy nháy đèn pin, cứ xe tải nặng thì hai nháy, xe nhỏ một nháy, tương đương 20 ngàn hoặc 10 ngàn đồng năm 1997. Nói chung là cỡ nào CSGT thời ấy cũng nghĩ ra cách để lạm quyền. Nhà xe, mỗi khi dừng lại muốn không chi tiền cũng không xong, nay cãi nhau thoát được thì chuyến sau bị hành cho ra bã. Chả dại!

Thời đó mình mới ra trường, vai phụ xế của một chiếc xe tải, đi một vòng SG ra HN coi công văn 3741 của Bộ trưởng được thực hiện sao. Đi rồi thấy rồi, mình tới trụ sở Cục CSGT Đường bộ gặp Đại tá cục trưởng Trần Đào. Ông Đào cũng bênh vực lực lượng nói có vài chỗ anh em còn làm sai. Mình nói Nam ra Bắc chỗ nào cũng vậy anh ơi. Khi đó đại uý Trần Sơn Hà, Trưởng phòng tuyên truyền của Cục (Sau này anh Hà là thiếu tướng Cục trưởng CSGT) nói chuyện ấy nhỏ mà, là chuyện mớ rau con cá Hiển viết làm gì. Bám vào ý đấy, một đại nhà báo viết một bài dài trên tờ báo của ngành CA bỉ bôi đại ý "phóng viên một tờ báo phía Nam có cái nhìn xoi mói", hưng không bắt bẻ được mình chữ nào.

Cũng tương tự, hồi đó luật cho phép kiểm tra hành chính đột xuất các nhà trọ, khách sạn, kiểm tra phòng cả khi khách đã xuất trình CMND. Nhiều nơi CA Phường cứ kiếm chuyện kiểm tra khách sạn miết. Các cặp đôi cuối tuần dẫn nhau vào, đang cao hứng bị dựng dậy bởi ba bốn anh cảnh sát, hỏi tới hỏi lui khi trên mình quấn mỗi cái khăn. Riết rồi chủ khách sạn phải nộp hụi chết hàng tháng nếu không muốn phá sản.

Báo chí nói mãi, các anh công an cứ hỏi "chứng cứ đâu?". Bữa nọ ông em Đinh Đức Thọ nói ở Công an một phường Trung tâm quận 1, họ thu hụi chết của các chủ khách sạn, nhà trọ và các hộ kinh doanh. Ai không đóng thì bị kiểm tra miết. Mình hỏi có ghi hình đườ không, Thọ nói vô phương. Họ bỏ tiền vô thiêkp mời đám cưới rồi tới phươdng xin gặp công an thì ghi kiểu gì.

Chừng tháng sau, Thọ nói: "sẽ có chứng cứ đó anh!". Mình hỏi chứng cứ sao? Nó nói cái phường này thu tiền hối lộ về nộp cho sĩ quan nội cần. Chỉ huy phường lập sổ làm thành quỹ chi cho tất cả công an phường, họ ăn chục năm nay chưa lộ. Cuốn sổ đó nằm trong tủ trực ban.

Rồi Thọ bố trí ăn cắp được 2 cuốn sổ như vậy, đem đi chụp xong rồi để lại chỗ cũ. Nhưng giờ sao? Mình lấy cuốn sổ photo ấy đến hỏi, họ cãi là không có, họ huỷ sổ gốc đi thì mình thua. Nghĩ nát óc cuối cùng cũng ra cách.

Tổng biên tập bèn gởi cho Thiếu tướng Nguyễn Chí Dũng, GĐ Công an TP.HCM một công văn, nội dung đề nghị đồng chí bố trí một cuộc gặp để chúng toii cung cấp tư liệu về vụ tiêu cực tập thể của ngành công an tại trung tâm TP.

Thiếu tướng Dũng mời qua, các phóng viên cung cấp ngọn ngành. Ổng giao cho Trưởng phòng thanh tra LV24 với yêu cầu bí mật. Nơi này bèn giao đội xét khiếu tố.

Sáng hôm sau CAP đang giao ban thì nghe lệnh: tập trung 100% quân số, lãnh đạo CA quận kiểm tra điều lệnh.

Không có kiểm tra gì, chỉ tới mời trưởng, phó CAP và sĩ quan nội cần về trụ sở PV24 và yêu cầu chở theo cái tủ trực ban. Về tới nơi mở niêm phong ra so khớp với bản chụp mà phóng viên cung cấp rộ hỏi: Tiền này là tiền gì?

100% quân số bị kỷ luật, Trưởng phường nhiều năm trước đã chuyển công tác cũng bị kỷ luật.

Đó là chuyện hồi xưa, giờ cùng với sự phát triển của truyền thông, trong đó có mạng xã hội, việc làm bậy dễ bị phát hiện lắm. Nhưng dễ bị không có nghĩa là sẽ chấm dứt được sự lạm quyền nhằm trục lợi.

-nhà báo Nguyễn Đức Hiển-