Việc ngừng ký hợp đồng đối với xe ôm công nghệ và giao hàng chạy xăng có thể bắt đầu áp dụng từ tháng 1/2026, mục tiêu "điện hóa" 100% xe máy kinh doanh vận tải tại TPHCM tháng 12/2029.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thạc sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - HIDS), cho biết Viện đã hoàn thành dự thảo cuối cùng của đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ từ chạy xăng sang chạy điện.
"Viện dự kiến trình UBND TPHCM vào giữa tuần này để Ủy ban chỉ đạo lấy ý kiến hoàn thiện đề xuất chính sách", ông Hải thông tin.
Đề án có tên đầy đủ là "Đề án chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TPHCM". Mục tiêu chính là chuyển đổi toàn bộ xe máy từ xăng sang điện cho tất cả tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng. Đến năm 2029, thành phố giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện này.
Nhóm nghiên cứu ước tính TPHCM mới (sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) có khoảng 400.000 tài xế xe máy chạy xăng đang phục vụ chở khách/giao hàng qua nền tảng công nghệ.
Về lý do ưu tiên chuyển đổi năng lượng xanh với nhóm phương tiện này, dự thảo đề án cho biết xe máy kinh doanh vận tải có tần suất di chuyển khoảng 80-120km mỗi ngày, cao hơn nhiều so với xe máy phục vụ mục đích cá nhân. Đây là tác nhân gây ô nhiễm không khí do phát thải khí nhà kính và bụi mịn cao.
Mặt khác, nhóm phương tiện này dễ xác định nhờ kết nối với các nền tảng số. Thông qua các nền tảng như Be, Grab, Shopee Food, Ahamove, Viettel Post... chính quyền có thể nhanh chóng tiếp cận, truyền thông, thống kê, định danh và giám sát tiến độ chuyển đổi.
Nghiên cứu khẳng định việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện sẽ giúp tài xế tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu và bảo trì. Điện rẻ hơn xăng khoảng 80% trên mỗi km vận hành. Xe máy điện cũng có ít chi tiết bảo dưỡng hơn so với xe xăng (không thay nhớt, không cần bảo trì động cơ đốt trong).
Trung bình, mỗi tài xế có thể tiết kiệm 1 đến 1,3 triệu đồng mỗi tháng khi chuyển từ xe xăng sang xe điện.
Lộ trình chuyển đổi phương tiện sẽ chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến tháng 12/2026) phấn đấu đạt 120.000 (30%) xe xăng chuyển sang xe điện. Giai đoạn 2 (đến tháng 12/2026) đạt 50%. Giai đoạn 3 (đến tháng 12/2027) đạt 80% và giai đoạn 4 (đến tháng 12/2029) đạt 100%.
Trước mắt, nhóm nghiên cứu đề xuất ngừng ký hợp đồng mới đối với xe máy xăng tham gia dịch vụ từ tháng 1/2026. Từ tháng 12/2029, thành phố cấm hoàn toàn xe xăng chạy dịch vụ vận tải và giao hàng trên địa bàn
.
Nhóm nghiên cứu cũng xác định thách thức liên quan đến việc chuyển đổi phương tiện, như chi phí mua một xe điện hiện nay cao hơn khả năng tài chính của tài xế công nghệ; hạ tầng trạm sạc, lưới điện còn sơ khai; bài toán xử lý xe máy xăng đã qua sử dụng...
Đặc biệt, tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn dành riêng cho xe điện đã có nhưng chưa đầy đủ, gây khó khăn cho hoạt động sửa chữa và an toàn phòng cháy, chữa cháy. "Rủi ro liên quan đến cháy nổ, đặc biệt trong điều kiện xe vận hành liên tục và thời tiết nắng nóng, có thể ảnh hưởng xấu đến niềm tin của xã hội", dự thảo đề án nêu rõ.
Để thực thi chính sách thành công, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp toàn diện, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng lộ trình bắt buộc, phát triển hạ tầng trạm sạc, cung cấp hỗ trợ tài chính cho tài xế và xây dựng cơ chế tín chỉ carbon.
Nguồn:
Dân Trí