Băng rôn kêu cứu
Chiều 21/7, trong lúc Bộ Công thương đang họp với doanh nghiệp, thì ở ngoài cổng Bộ, một tấm băng rôn đỏ được treo lên hàng rào.

“Vì lợi ích người tiêu dùng, ủng hộ Thủ tướng chính phủ bỏ Thông tư 20. Tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh” - tấm băng rôn này viết.
Tấm băng rôn ấy, là của những doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu xe ôtô. Dù là khách thể của cuộc họp bên trong Bộ, về Thông tư 20, nhiều người trong số họ kêu rằng không được ban tổ chức cho vào. Bên trong, chỉ có một số ít đại diện của nhóm này. Còn lại là đông đảo các hãng xe nước ngoài.
Tôi ngồi trong cuộc họp và quan sát vài doanh nghiệp tư nhân “được vào”. Nhìn họ rất khác với sự chuyên nghiệp, đĩnh đạc của đông đảo đại diện các hãng xe nước ngoài. Những chủ doanh nghiệp này rụt rè khi bước vào phòng họp, run bắn khi phát biểu, lúng túng chưa quen diễn đạt các lập luận về pháp luật. Và quan trọng hơn, họ cho rằng họ là “nạn nhân” của thông tư 20, do Bộ Công thương ban hành năm 2011, buộc các nhà nhập khẩu xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi vào Việt Nam phải có giấy ủy quyền chính hãng sản xuất và các điều kiện khác về trạm bảo hành.
Tất nhiên, các nhà sản xuất ôtô lớn như Toyota, Ford không dễ dàng gì trao giấy uỷ quyền nhập khẩu cho doanh nghiệp nào khác ngoài doanh nghiệp của họ đang hoạt động tại Việt Nam. Thế là hàng trăm nhà nhập khẩu xe tư nhân trong nước, nhiều người trong số đó từng bỏ tiền của đầu tư rất lớn, đã bị loại khỏi “cuộc chơi”, một số ít đang hoạt động lắt lay. Cả thị trường xe nhập khẩu trong nước đã hầu như nằm hoàn toàn trong tay một số công ty nước ngoài lớn và rất ít công ty lớn trong nước.
Trong phòng họp, đại diện các hãng xe lớn trình bày, lập luận, phân tích rất bài bản về lợi ích của thông tư 20, nào là việc nhập khẩu xe cần có uỷ quyền chính hãng để bảo đảm chất lượng, nào là để duy trì trật tự, vì quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài cổng, những doanh nghiệp tư nhân không được vào, họ không có chỗ phát biểu, họ đành căng băng rôn để bày tỏ. Cái băng rôn đỏ đó cứ ám ảnh mãi tôi suốt dọc đường về nhà và cả mấy ngày sau. Nó như một tiếng kêu mộc mạc, thật thà của những người không còn biết kêu đâu.
Theo con số thống kê chính thức, gần 98% các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo thời gian, các doanh nghiệp tư nhân ngày càng nhỏ lại, thế nhưng ngày càng có nhiều quy định lại “tẩy chay” các doanh nghiệp nhỏ. Muốn xuất khẩu gạo phải có kho chứa 5.000 tấn thóc, phải có thêm cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn mỗi giờ. Với doanh nghiệp vận tải, muốn kinh doanh hành khách theo tuyến cố định ở thành phố lớn, doanh nghiệp phải có từ 20 xe trở lên, ở tỉnh phải có từ 10 xe trở lên…
Mới đây chúng tôi cũng tiếp một nhóm gần 20 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh gas ở nhiều tỉnh thành lặn lội về Hà Nội kêu cứu: nghị định 19 của Bộ Công thương có hiệu lực đầu năm nay quy định thương nhân phân phối gas phải có bồn chứa tối thiểu 300m3 và ít nhất 100.000 vỏ bình gas.
Một trăm nghìn? Nhiều doanh nghiệp cho rằng nhu cầu của cả tỉnh miền núi mà họ đang kinh doanh cũng chỉ bằng một nửa mức tối thiểu trên. Muốn tiếp tục tồn tại, có người phải đầu tư thêm… 25 tỷ đồng. Không có cách nào khác là phải đóng cửa. Và họ đóng cửa, thì người được lợi là những con “cá mập” - các doanh nghiệp lớn.
Một ông chủ nhỏ nghẹn ngào kể: Cách đây 4 - 5 năm, có người trả giá công ty của anh khoảng 14-15 tỷ đồng, nhưng vì muốn tự làm ăn, phần lớn công nhân là người quen, nên anh không bán. Ngay sau có nghị định về gas này, một doanh nghiệp lớn trong ngành quay lại trả giá cả công ty chỉ 5 tỷ đồng.
Liệu có tình trạng các doanh nghiệp lớn, đang ra sức vận động để độc chiếm thị trường, giành lấy thị phần hay không? Cách dễ nhất khi giành thị trường là vận động chính sách tạo ra rào cản thật cao nếu muốn hoạt động hay gia nhập; Có được những chính sách có lợi cho mình và yên tâm không phải lo nghĩ quá nhiều về việc cải thiện chất lượng hàng hoá, dịch vụ hay giảm giá thành nữa.
Các công ty lớn luôn thích sử dụng những mỹ từ như bảo đảm an toàn, bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng thật ra, người tiêu dùng chỉ có được lợi ích thực sự khi có sức ép cạnh tranh. Và chức năng của một nhà nước là phải bảo đảm sự cạnh tranh, giữ cho sự cạnh tranh được lành mạnh và công bằng.
Trở lại với câu chuyện của thông tư 20, các doanh nghiệp nhỏ cũng đặt câu hỏi tại sao những tập đoàn lớn lại sợ cạnh tranh như vậy. Nguồn lực họ lớn, họ có sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà sản xuất, họ còn có hệ thống bảo hành và dịch vụ chuyên nghiệp. Liệu điều này có liên quan đến giá thành xe ôtô của Việt Nam đang cao ngất ngưởng hàng đầu thế giới hay không?
Trong mơ ước của tôi, cũng như rất nhiều người khác, luôn hiện hữu hình ảnh của những doanh nghiệp trong nước lớn mạnh. Nhưng để đạt được giấc mơ ấy, có lẽ cần bắt đầu từ thông điệp của chiếc băng rôn đỏ treo trước cổng Bộ Công thương. Nó viết: “Tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh”.
Đậu Anh Tuấn
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nh...ce=Viber&utm_medium=Chat&utm_campaign=Private