Tập Lái
6/6/14
21
20
13
47
Phát huy tinh thần OS và những hành động cứu người vô cùng cao cả của các thành viên OS trong thời gian vừa qua, em xin tóm lược ngắn gọn và post dần các hướng dẫn cấp cứu cơ bản trong tai nạn giao thông đường bộ để các bác tự trang bị kiến thức cơ bản cấp cứu cho các nạn nhân trong tai nạn giao thông đường bộ. Các kiến thức có thể chưa hỗ trợ được nhiều cho nạn nhân nhưng ít nhất cũng giúp các bác không có những trình tự thực hiện, thao tác sai làm tăng thêm nguy hiểm cho nạn nhân. Chúc các bác lái xe an toàn.

MỤC LỤC

Bài 1. Cảnh báo an toàn, bảo vệ hiện trường, an toàn cho người chăm sóc và nạn nhân.

Bài 2.

Bài 3.

...
 
Tập Lái
6/6/14
21
20
13
47
Bài 1. Cảnh báo an toàn, bảo vệ hiện trường, an toàn cho người chăm sóc và nạn nhân.

Bước 1. An toàn hiện trường:
- Loại bỏ các mối nguy hiểm từ hiện trường như mảnh kính, kim loại vỡ, gãy, cháy, nổ, điện giật, khí gas, xăng dầu, hóa chất, sập nhà, đổ tường…
- Phòng ngừa các mối nguy hiểm từ con người tại hiện trường như chất thải, máu có thể là tác nhân gây nhiễm HIV, viêm gan…
- Khi hiện trường đã an toàn nhanh chóng kiểm tra sơ bộ nạn nhân, tìm hiểu nhanh tình huống, nguyên nhân tai nạn.

Bước 2. Gọi cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất:
- Sau khi kiểm tra nạn nhân, hãy nhờ mọi người gọi cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất.
- Nếu bạn là người duy nhất ở đó thì hãy tìm mọi cách gọi người cấp cứu. Cần nói rõ vị trí tai nạn, mô tả hiện trạng nạn nhân. Chỉ chăm sóc nạn nhân sau khi đã gọi cấp cứu, trợ giúp.

Bước 3. An toàn cho người cấp cứu:
- Bình tĩnh, trấn an những người xung quanh và nạn nhân. Nên yêu cầu một số người cùng giúp đỡ giải quyết an toàn hiện trường.
- Cách ly đường điện đứt, rơi, nguy cơ cháy nổ, rò rỉ gas, xăng dầu, hóa chất… từ hiện trường và xe cộ.
- Nhờ người cảnh báo đoạn đường phía trước và sau tai nạn.
- Đối với những mối nguy hiểm mà bạn không thể giảm thiểu được như vật nặng rơi xuống, đâm sập nhà, ô tô đang đổ… thì hãy tránh xa và gọi dịch vụ cứu hộ chuyên nghiệp, nhớ rằng không bao giờ được đặt bản thân bạn vào nguy hiểm.
- Kiểm tra và kêu gọi huy động các dụng cụ sơ cứu cơ bản như bông băng, gạc, nẹp gãy xương, dây buộc…

Bước 4. An toàn cho nạn nhân:
- Cần chắc chắn nạn nhân đã tránh được các nguy cơ nguy hiểm từ hiện trường. Trường hợp tai nạn xe ô tô nên cố gắng đưa ra khỏi xe vào chỗ an toàn trước khi tiến hành cấp cứu.
- Bắt đầu thăm khám theo trình tự ABCDE (Airway – Đường thở, Breathing – Hô hấp, Circulation – Tuần hoàn, Disability – Thần Kinh, Exposure – Bộc lộ toàn thân). Trình tự này sẽ được hướng dẫn cụ thể ở Bài 2.
- Tháo mũ bảo hiểm: Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở, cần can thiệp vào đường thở hoặc hồi sức tim phổi, cần khẩn trương tháo mũ bảo hiểm, khi tháo mũ luôn cần 2 người, 1 người giữ đầu và 1 người kéo mũ. Tháo mũ xong cần đặt nẹp cố định cột sống cổ vì hầu hết chấn thương từ vai cổ trở lên phải nghĩ tới chấn thương cột sống cổ.
- Ghi chép thông tin cá nhân: họ tên, tuổi, địa chỉ, điện thoại… của nạn nhân để lưu hồ sơ cấp cứu.
- Ghi chép quá trình thực hiện cấp cứu xử trí để bàn giao cho nhân viên ý tế khi đến hỗ trợ.
- Đặt câu hỏi dạng AMPLE giúp nắm thông tin nạn nhân để cấp cứu:
+ A – Allergy: Bạn có dị ứng với thuôc gì không?
+ M – Medication: Bạn có đang dùng thuốc gì không?
+ P – Past: Bạn có tiền sử bệnh tật gì?
+ L – Last: Bữa ăn cuối gần đây khi nào?
+ E – Events: Do đâu mà bạn bị tai nạn?
- Giữ liên lạc với 115.

NHỮNG VIỆC KHÔNG ĐƯỢC LÀM
1. Không được vội vàng di chuyển nạn nhân trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng hoặc hiện trường còn nguy hiểm.
2. Không vào cứu chữa nạn nhân khi chưa loại bỏ nguy cơ tại hiện trường.
3. Nạn nhân bị kẹp trong xe cần thận trọng đưa ra ngoài với sự hỗ trợ của nhiều người, không tự kéo nạn nhân khi bị kẹp chân, tay vào ghế, thành xe.
4. Nạn nhân đội mũ bảo hiểm nhưng không khó thở, không ảnh hưởng vùng đầu, mặt cổ thì để nguyên mũ bảo hiểm.