Khi chạy trở thành ngôn ngữ
Ở Việt Nam, chạy là chuyện thường. Chạy cho kịp xe buýt, chạy vì trễ giờ học, chạy trong mưa để né một cơn giận của trời. Trên vỉa hè Sài Gòn, tiếng bước chân rối rít vang lên như một điệu nhạc quen, ồn ào nhưng đầy sinh khí. Không ai để ý ai đang chạy, vì mọi người đều vội.
Còn ở Mỹ, chạy trên đường mà không mặc đồ thể thao, không cầm chai nước hay tai nghe bluetooth, bạn sẽ bị chú ý ngay. Người ta sẽ ngẩng đầu nhìn, ánh mắt cảnh giác. Có thể họ lo bạn đang gặp chuyện, cũng có thể họ sợ bạn là… chuyện. Vì ở đây, chạy không còn là phản xạ, mà là thông điệp. Chạy nghĩa là có điều gì khẩn cấp, có điều gì bất thường, hoặc ít nhất, có lý do để khiến người khác bận tâm.
Ở Mỹ, người ta lên kế hoạch cho cả chuyện ăn trưa và chợp mắt. Lịch hẹn có thể được đặt từ tuần trước, đồng hồ báo giờ không phải để nhắc mà để nhấn mạnh, đúng giờ là một phần của tôn trọng. Khi mọi việc được dự liệu từ trước, người ta hiếm khi cần chạy, vì họ đã “đến trước lúc cần gấp”.
Vì thế, người Mỹ học cách đi nhanh nhưng không chạy. Họ bận, họ gấp, nhưng họ cố giữ cho bước chân mình bình tĩnh. Giống như văn hóa nơi đây, ổn định là sự an toàn, trật tự là tín hiệu của niềm tin.
Còn ta, những người mang theo ký ức của những con phố nhỏ, những buổi sáng muộn, và đôi chân quen hấp tấp, đôi khi vẫn bật lên một bước chạy theo bản năng. Nhưng rồi cũng học cách chậm lại, quan sát, và hiểu rằng ở đây, ngay cả cách mình bước đi cũng đang nói điều gì đó.
Vì vậy, khi chạy trở thành ngôn ngữ, điều đáng học hỏi không phải là chạy hay không chạy, mà là hiểu được mình đang nói gì qua từng bước chân, và biết chọn lúc nào thì nên vội, lúc nào thì nên bình thản.
(Huntington Beach - California)