Chuyên
16/6/22
582
489
63
Nhiều người Trung Quốc phải giảm chi tiêu, hoãn cưới, hủy kế hoạch kinh doanh vì vay mua nhà khi thị trường bất động sản khủng hoảng.

Khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc
đang gây ra cú sốc cho giới trung lưu nước này, làm lung lay niềm tin rằng nhà đất là cách tích lũy tài sản chắc ăn. Khi các dự án bất động sản trên cả nước đình trệ và giá nhà đi xuống, nhiều người mua nhà tại Trung Quốc đã phải giảm chi tiêu, hoãn cưới và nhiều quyết định quan trọng khác. Một số thậm chí ngừng trả nợ vay ngân hàng để phản đối các dự án bị đình trệ.

Peter đã phải từ bỏ kế hoạch mở công ty và mua một chiếc BMW 5 series sau khi dự án có căn nhà trị giá 2 triệu nhân dân tệ (300.000 USD) của anh tại Trịnh Châu (Hà Nam) bị Tập đoàn China Aoyuan dừng lại. Giờ anh ngập trong khối nợ vay mua nhà chiếm tới 90% thu nhập khả dụng mỗi tháng, mà căn nhà có thể chẳng bao giờ được nhận.

"Tôi biết mọi khoản đầu tư đều đi kèm rủi ro và bạn phải trả giá cho lựa chọn của mình", Peter nói, "Nhưng người mua nhà không có lỗi và không đáng nhận hậu quả này".
Người Trung Quốc kẹt trong nợ nần vì mua nhà

Anh là một trong hàng trăm nghìn người mua nhà Trung Quốc tại hơn 90 thành phố tham gia tẩy chay trả nợ ngân hàng khi các công ty xây dựng như Aoyuan hay China Evergrande dừng dự án. Việc này đang đe dọa ổn định kinh tế - chính trị tại Trung Quốc. Khoảng 70% tài sản của giới trung lưu Trung Quốc là nằm trong địa ốc.

Giới chức Trung Quốc đang gấp rút tìm cách giải quyết. Một số đề xuất gia hạn thời gian trả nợ. Chính quyền địa phương và các ngân hàng cũng được đề nghị vào cuộc giải cứu các dự án.

Việc xây dựng bị đình trệ ảnh hưởng đến số nhà trị giá 4.700 tỷ nhân dân tệ tại Trung Quốc. Kristy Hung - nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence ước tính cần đến 1.400 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,3% GDP nước này, để hoàn thiện chúng.

Thị trường nhà đất Trung Quốc đặc trưng bởi việc các căn nhà được bán trước khi xây xong. Việc trả nợ vay mua nhà cũng bắt đầu ngay sau lần đặt cọc đầu tiên. Số tiền trả trước này đã thổi bùng cơn sốt địa ốc tại Trung Quốc, do nó cho phép các hãng khởi công dự án mới.

Dù việc các dự án bất động sản bị đình trệ không phải chuyện hiếm gặp ở Trung Quốc, mức độ biến động lần này là chưa từng có tiền lệ. Việc này diễn ra trong thời điểm nền kinh tế chậm lại sau hơn 2 năm quay cuồng trong Covid-19. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang siết kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân nhằm thực hiện chính sách "thịnh vượng chung". Những việc này đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên kỷ lục.

Giá nhà tại Trung Quốc đã giảm 10 tháng liên tục. Trong khi đó, thu nhập khả dụng bình quân lại giảm 5 quý liên tiếp. Khối nợ tích tụ suốt thập kỷ qua khiến tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP tương đương 61,6% tính đến cuối năm ngoái. Con số này năm 2011 chỉ là 27,8%.

Hong Hao - cựu chiến lược gia Trung Quốc tại Bocom International Holdings cho rằng việc từ chối trả nợ ngân hàng sẽ càng khiến doanh số bán nhà và giá nhà chịu sức ép, từ đó lan truyền hiệu ứng tiêu cực ra khắp nền kinh tế.

"Tôi không nghĩ đây là ván cược tốt", Hong nhận xét về thị trường bất động sản, "Nhiều người nghĩ rằng giá nhà sẽ không bao giờ giảm. Nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại".

Tại Trung Quốc, người dân thường mất nhiều năm tiết kiệm mới mua được nhà. Giá một căn nhà ở trung tâm thành phố lên tới hàng triệu nhân dân tệ. Các đôi vợ chồng trẻ thường phải dựa vào cha mẹ hoặc ông bà để có tài chính mua nhà.

Li - một nhân viên kỹ thuật - hiện mất một phần ba tháng lương để trả tiền vay mua nhà (4.000 nhân dân tệ một tháng) trong dự án đã đình trệ của Evergrande tại Vũ Hán. Năm nay, thu nhập của anh còn bị giảm 25%.

Li cho biết anh cảm thấy "lo sợ" với tương lai và ngại bắt đầu một mối quan hệ vì chưa chắc đã có nhà. Tại Trung Quốc, có nhà riêng được coi là tiêu chuẩn để kết hôn.

Một số người mua nhà đã tìm đến tòa án. Guo - người mua một dự án của Evergrande tại Hà Nam - đã kiện ngân hàng sau khi dự án này bị dừng lại năm ngoái và ngân hàng không chuyển tiền theo đúng kế hoạch vào một tài khoản ủy thác để xây dựng. "Nếu ngân hàng và hãng bất động sản phạm luật, tại sao người mua lại phải trả tiền?", anh nói.

Dù vậy, không phải ai cũng sẵn sàng kiện cáo hay biểu tình. Tom - người mua một dự án của Evergrande tại Cảnh Đức Trấn năm 2021 - vẫn trả nợ đúng kế hoạch vì sợ ảnh hưởng đến điểm tín dụng. Anh tự tin chính quyền địa phương sẽ giúp dự án hoàn thiện.

Nhưng nhiều người khác, đặc biệt là người già, không có nhiều thời gian để chờ đợi. Liu - một người về hưu với mức lương 3.500 nhân dân tệ một tháng tại Cảnh Đức Trấn - không đủ điều kiện vay ngân hàng và đã dùng 800.000 nhân dân tệ tiền tiết kiệm để mua một căn hộ. Ông đã đến công trường 2 lần và chẳng thấy nơi này có động tĩnh gì.

"Điều tốt nhất chúng tôi có thể trông chờ là chính phủ vào cuộc", Liu cho biết, "Nhưng nói thật là hy vọng đó xa vời lắm".

Xem thêm:
Theo VnExpress
 
  • Like
Reactions: phamshantuyet