Mẫu minivan 7 chỗ Ford Tourneo hoàn toàn mới đã chính thức được bán ra tại Việt Nam với tổng cộng 2 phiên bản (Trend và Titanium), tất cả đều lắp máy xăng 2.0L Ecoboost với mức giá khởi điểm từ 999 – 1,069 tỷ đồng. Sự xuất hiện của Ford Tourneo sẽ giúp phân khúc xe minivan đa dụng tại thị trường Việt Nam thêm sôi động hơn trước. Hãy cùng so sánh sơ bộ Ford Tourneo với các mẫu xe cùng phân khúc.
Bảng so sánh sơ bộ các mẫu xe minivan tại Việt Nam:
Sau mẫu xe Peugeot Traveller được THACO giới thiệu vào đầu tháng 5, phân khúc MPV cỡ lớn tại Việt Nam vừa chào đón mẫu Ford Tourneo hoàn toàn mới. Tại thị trường Việt, Ford Tourneo được phân phối tổng cộng 2 phiên bản (Trend và Titanium), cả hai đều sử dụng chung một động cơ Xăng 4 xy-lanh thẳng hàng (I4) dung tích 2.0L tăng áp EcoBoost sản sinh ra công suất tối đa 198 mã lực tại 5.500 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 300Nm tại 3.000 vòng/phút. Sức mạnh được truyền xuống cầu trước (FWD) thông qua hộp số tự động 6 cấp (6 AT). Tương tự Toyota Alphard, Ford Tourneo không có phiên bản động cơ dầu. Công suất tối đa 198 mã lực từ động cơ xăng 2.0L Ecoboost khá mạnh mẽ nếu so với hiệu suất của động cơ dầu 2.0 – 2.2L từ các đối thủ.
Hiện tại, Ford Tourneo đangcạnh tranh trực tiếp với hai đối thủ lớn bao gồm: Kia Sedona và Peugeot Traveller. Trong đó, đối thủ lớn nhất của Ford Tourneo chính là Kia Sedona, mẫu xe vốn có ưu thế cạnh tranh hàng đầu trong phân khúc tại Việt Nam. Tương tự hai anh em MPV nhà THACO, Ford Tourneo nhắm vào nhắm nhóm khách hàng mua xe MPV đa dụng để phục vụ cho gia đình, doanh nghiệp hay dịch vụ vận tải.
Kia Sedona
Mặc dù được liệt kê nằm trong các lựa chọn mua MPV tại Việt Nam, nhưng Ford Tourneo sẽ không “ngồi chung mâm” với hai sản phẩm tiệm cận sang Toyota Alphard và xe sang Mercedes-Benz V-Class vốn được định vị cao hơn. Hiện tại, Toyota Alphard đang là mẫu xe có giá bán cao nhất phân khúc – hơn 4 tỷ đồng, trong khi đó V-Class hiện tại là mẫu xe mang thương hiệu hạng sang duy nhất trong phân khúc tại Việt Nam có giá bán 2,569 tỷ đồng.
Mercedes-Benz V-Class
Dù không mang ‘’mác’’ xe sang, nhưng giá bán của Toyota Alphard cao nhất phân khúc (Nhập khẩu; máy V6 3.5L)
Về kích thước, chiều dài cơ sở 2.933 mm của Ford Tourneo khá khiêm tốn so với các đối thủ trong phân khúc. Tuy nhiên, sự sắp xếp cabin của Tourneo đáp ứng tốt không gian ngồi thoải mái cho 7 người bên trong. Lợi thế của Tourneo là chiều dài tổng thể lên đến 5.340mm vượt qua các đối thủ.
Về giá bán, mức giá khởi điểm chỉ từ 999 triệu đồng cho phiên bản Trend và 1,069 tỷ đồng cho phiên bản Titanium khiến Ford Tourneo trở thành một lựa chọn MPV có giá bán dễ tiếp cận nhất trong phân khúc. Nhờ đó, Ford Tourneo có lợi thế cạnh tranh cao so với Kia Sedona. Đồng thời, giá bán của Ford Tourneo dễ tiếp cận hơn nhiều so với Peugeot Traveller (mức chênh hơn 700 triệu đồng).
Peugeot Traveller
Ford Tourneo 2.0L Ecoboost phiên bản Titanium cao cấp nhất
Điểm cộng của Ford Tourneo là sử dụng hệ thống treo sau khí nén (air suspension) phía sau (tiêu chuẩn), đây là trang bị hiếm hoi trong phân khúc giúp mang lại sự êm ái cho cabin, đặc biệt là khoang hàng khách.
Kia Sedona:
Phiên bản cao cấp của Kia Sedona được trang bị ghế lái chỉnh điện 12 hướng tiêu chuẩn, nhớ vị trí ghế lái cùng ghế phụ chỉnh điện 8 hướng, cả 03 hàng ghế theo bố cục quen thuộc 2-2-2. Hệ thống điều hòa 2 dàn lạnh cửa gió được thiết kế tại tất cả các vị trí. Trang bị màn hình giải trí trung tâm kích thước 8 inch tích hợp nhiều tính năng như: điều khiển giọng nói, định vị dẫn đường, kết nối android. Trang bị thêm sạc điện thoại không dây, 2 cổng kết nối USB và AUX.
Bên cạnh các an toàn chủ động và bị động quen thuộc như cân bằng điện tử và 6 túi khí, Sedona có hệ thống cảnh báo điểm mù (BSD), cảm biến lùi trước sau.
Ford Tourneo:
Ở phiên bản Titanium, Ford Tourneo được trang bị nhiều tiện nghi gồm: cửa sổ trời điều khiển điện, ghế lái chỉnh điện 10 hướng, gương chiếu hậu chống chói tự động, hàng ghế thứ 2 có tựa tay/ ngả lưng ghế/ chức năng điều chỉnh trượt về phía trước sau. Hàng ghế thứ 3 gập 60 / 40 tích hợp khả năng lật (cuộn) về phía trước. Tính năng ga tự động Cruise Control, màn hình giải trí trung tâm 7 inch, radio, Bluetooth, USB, dàn âm thanh 06 loa và 02 dàn lạnh.
Ford Tourneo được trang bị an toàn gồm 6 túi khí (bản Titanium), bản Trend có 2 túi khí, cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước/sau, chống bó phanh ABS và phân phối lực phanh điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cân bằng điện tử, hệ thống chống trượt và camera lùi (bản Titanium).
Peugeot Traveller:
Nội thất Traveller được thiết kế sang trọng, ở phiên bản cao cấp khoang thương gia tách biệt với khoang lái bằng vách ngăn với 2 ghế thương gia chỉnh điện 8 hướng tích hợp, tựa chân, tựa tay, bàn làm việc, tính năng massage, thổi gió,... Khoang ông chủ còn có giải trí tách biệt với khoang lái với 6 loa, 1 sub và màn hình giải trí 32 inch tích hợp hệ điều hành Android cùng ổ cứng dung lượng 500GB. Đặc biệt là cửa sổ trời chia làm đôi.
Khoang lái được trang bị màn hình điều khiển cảm ứng 7 inch (có tích hợp tiếng Việt) tương thích với MirrorLink, Apple Carplay, Android Auto. Điều hoà tự động 2 vùng độc lập cùng với bộ khuếch tán gió riêng biệt cho hàng ghế thứ 2 và 3,...
Peugeot Traveller Luxury và Premium trang bị các hệ thống công nghệ an toàn tiên tiến chủ động và bị động bao gồm:
- Hệ thống chống bó cứng phanh ABS
- Hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD
- Cảnh báo điểm mù
- Cảnh báo chệch làn đường
- Cảm biến trước sau
- Camera lùi 180 độ
- Hệ thống 6 túi khí bố trí xung quanh xe
- Cảnh báo áp suất lốp
Cửa sổ trời độc đáo trên Peugeot Traveller
---
---
Nếu tạm thời bỏ qua hai cái tên Toyota Alphard và Mercedes-Benz V-Class, thì Ford Tourneo có lợi thế cạnh tranh về giá bán nếu so với giá của Kia Sedona và Peugeot Traveller. Nhìn chung, các yếu tố như nội thất rộng rãi và êm ái (treo khí nén), bên cạnh giá bán hợp lý và trang bị tiện nghi vừa đủ là những lợi thế cạnh tranh tốt của Ford Tourneo, đủ để thuyết phục khách hàng Việt “xuống tiền”.
Bên cạnh đó, Tourneo còn là một lựa chọn đối với những khách hàng vốn nhạy cảm với mùi khí xả từ động cơ dầu. Đồng thời, đây cũng là điểm trừ với những khách hàng vốn có cảm tình với động cơ dầu và họ vốn đề cao tính kinh tế, nhưng Ford Tourneo lại không có phiên bản máy dầu tại Việt Nam.
Peugeot Traveller là một dòng MPV cỡ lớn thiết kế lịch lãm, nội thất tối ưu tính đa dụng và nhấn mạnh vào sự thoải mái cho hàng khách. Tuy nhiên, giá bán từ 1,6 - hơn 2,2 tỷ đồng của Traveller rõ ràng không dành cho số đông. Ở Kia Sedona, đây là dòng xe bán chạy trong phân khúc khi có giá bán và trang bị hợp lý, đa dạng phiên bản động cơ. Trên thực tế, Sedona luôn chiếm được cảm tình của số đông. Cuối cùng, nếu lựa chọn mua MPV cỡ lớn, các bác sẽ ưu tiên chọn mẫu xe nào?
Chỉnh sửa cuối: