Hạng B2
15/5/19
100
71
31
40
Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), môtô, xe gắn máy khi tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải, khí thải.


Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải định kỳ

Luật GTĐB 2008 chỉ quy định việc kiểm soát khí thải đối với ô tô, chưa quy định đối với xe máy. Tuy nhiên, mô tô, xe máy lại là phương tiện phát thải nhiều khí thải vào môi trường nhất. Ảnh: TL


Hiện trên cả nước có khoảng 60 triệu mô tô, xe máy, vậy việc kiểm định sẽ được triển khai thế nào?

Xe máy gây ô nhiễm hàng đầu

Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), việc tổ chức kiểm định, cải tạo xe cơ giới và công tác kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy, kiểm tra, giám sát việc kiểm định, cải tạo xe cơ giới do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, Luật GTĐB 2008 chỉ quy định việc kiểm soát khí thải đối với ô tô, chưa quy định đối với xe máy.

Tuy nhiên, mô tô, xe máy lại là phương tiện phát thải nhiều khí thải vào môi trường nhất, nên dự thảo Luật mới bổ sung quy định này. “Trên cơ sở quy định của Luật sẽ xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với mô tô để triển khai đồng bộ trên cả nước”, bà Nga nói.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ 3 nguồn, bao gồm hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi cả nước hiện có khoảng 60 triệu mô tô, xe máy dẫn đến khí độc hại ra môi trường rất lớn. Rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ tồn tại là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn.

Cũng theo ông Tiến, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe máy do Bộ GTVT trình với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, TP HCM và mở rộng cho 60% xe máy tại các thành phố loại 1, 2. Tuy nhiên, do chưa có quy định trong Luật nên khó triển khai. Đến năm 2016, Chính phủ tiếp tục yêu cầu rà soát và Bộ GTVT đã kiến nghị cần có hành lang pháp lý quy định trong Luật.

Trả lời câu hỏi có áp dụng được trong thực tế, ông Tiến khẳng định hoàn toàn có thể kiểm soát được khí thải xe máy. Đề án đã tính toán kỹ biện pháp triển khai, thông qua các đại lý ủy quyền, trạm bảo dưỡng, bảo trì được xã hội hóa hoàn toàn có thể đáp ứng. Việc thí điểm kiểm soát xe máy tại TP HCM qua các cơ sở bảo dưỡng, bảo trì xe máy đang được người dân hưởng ứng.

Qua thực tế thí điểm ở TP HCM cho thấy, thời gian quá trình kiểm tra khí thải xe máy chỉ mất khoảng 5 phút để ra được các chỉ số. Sau khi kiểm tra, nếu không đạt tiêu chuẩn, chủ phương tiện phải thực hiện bảo trì, bảo dưỡng để đạt được tiêu chuẩn.

“Việc không đạt tiêu chuẩn khí thải là do quá trình sử dụng phương tiện không được chú ý, xe hỏng mới đi sửa. Căn cứ tiêu chuẩn khí thải đối với xe đang lưu hành và định kỳ bảo dưỡng, người dân phải đi kiểm tra khí thải phương tiện. Việc kiểm tra, xử phạt chủ phương tiện đang được nghiên cứu kết hợp xử phạt đối với hành vi khác. Tuy nhiên, để xử phạt được phải đưa vào Luật và Nghị định”, ông Tiến nói.

Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải định kỳ

Mô tô, xe máy đang là phương tiện phát thải nhiều khí thải vào môi trường nhất. Ảnh: TT

Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, có hai phương án là thu trực tiếp từ người dân và thu từ môi trường.

Tại Đài Loan, người dân không trả trực tiếp mà trả phí cho cơ sở kiểm tra từ môi trường, mỗi lần mua xăng người dân trả phí môi trường thông qua xăng và cơ quan bảo vệ môi trường sẽ trả phí cho cơ sở kiểm tra. Tại Việt Nam, thuế, phí do Bộ Tài chính đề xuất nên khi luật có hiệu lực sẽ tính toán cụ thể.

“Sau khi xe kiểm tra đạt tiêu chuẩn sẽ được dán tem. Các cơ sở kiểm tra sẽ dán loại tem này lên thân xe hoặc biển số. Tem này cũng giống tem ô tô được thiết kế chống làm giả và sẽ có hiệu lực trong vòng 1 năm theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, có thể nghiên cứu thay đổi chu kỳ này.

Tùy độ tuổi của xe, đối với xe cũ là 1 năm nhưng đối với xe mới thì 2 - 3 năm/ lần. Chúng ta không thể kiểm tra cùng lúc hết số lượng xe máy trong cả nước mà sẽ có lộ trình cụ thể, trước mắt sẽ kiểm tra khoảng 20.000 xe có phân khối 175cm3 trở lên, sau đó mới nhân rộng”, ông Khanh nói.

Theo GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội, hiện số lượng xe gắn máy mới không nhiều, chủ yếu là xe cũ. Thủ tướng đã cho phép Hà Nội và TP HCM xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy.

Do đó, đây là thời điểm thích hợp để triển khai các chính sách nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực mà xe máy gây ra đối với môi trường. Xe máy cũng phải được kiểm định định kỳ cả về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải, không chỉ xe cũ mà ngay cả xe mới nếu xuống cấp, không đáp ứng an toàn về khí thải cũng không cho sử dụng.

“Việc kiểm soát thời gian đầu có thể sẽ gặp khó khăn, nhưng chúng ta cần kiên quyết thực hiện. Có thể dùng những logo hay tem kiểm định để phân biệt xe nào đã được kiểm định đạt quy chuẩn. Đối với xe máy đã quá hạn sử dụng, Nhà nước cần thu hồi lại với một giá chấp nhận được để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng đó, phải có chính sách hỗ trợ mua hoặc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho những đối tượng người nghèo”, ông Sùa nói.


Sẽ có lộ trình phù hợp


Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải định kỳ

Nhân viên Đại lý Honda Tân Long Vân (TP HCM) kiểm tra khí thải xe máy của khách trước khi bảo dưỡng. Ảnh: Đỗ Loan


Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, hầu hết mô tô, xe máy đều có đăng ký nên sẽ biết được niên hạn của xe. Chúng ta có thể quy định lộ trình, ví dụ sẽ kiểm tra khí thải trước đối với nhóm có niên hạn trên 15 năm. Quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT dễ dàng phát hiện nếu xe đó không dán tem có thể xử lý ngay.

“Cơ sở vật chất sẽ không gặp nhiều khó khăn, chỉ riêng Honda có khoảng hơn 500 đại lý cũng đồng thời làm công việc bảo dưỡng. Cho nên có thể quy chuẩn hóa đối với các đại lý này để có thể dán tem kiểm soát khí thải. Quy trình kiểm tra khí thải cũng khá nhanh, chỉ mất khoảng 10 phút. Khi đưa vào Luật cũng cần xây dựng ngay Nghị định để có quy trình phù hợp và tuyên truyền mạnh mẽ để người dân biết thực hiện”, ông Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, cả nước có khoảng 60 triệu xe mô tô, chúng ta chưa quản lý được, tại các thành phố lớn đã thấy rõ tác hại của xe máy đối với môi trường. Sau đợt dịch vừa qua, chúng ta thấy rõ xe máy ảnh hưởng thế nào đến môi trường tại các thành phố.

“Việc kiểm soát khí thải mới chỉ làm tốt ở loại hình ô tô; Đối với xe mô tô và xe gắn máy vẫn chưa thể áp dụng vì quy định về tiêu chuẩn kiểm định khí thải đối với loại phương tiện này chưa được quy định trong Luật GTĐB. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ đang giao cho các cơ quan bổ sung quy định này trong quá trình sửa đổi Luật, làm cơ sở triển khai trong cả nước”, Thứ trưởng nói.

Cũng theo Thứ trưởng Thọ, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng lộ trình triển khai, nhưng Luật GTĐB năm 2008 chưa quy định nên lần này cần thiết đưa vào dự thảo Luật và có lộ trình cụ thể để kiểm soát khí thải đối với xe máy. Khi Luật ban hành sẽ quy định cụ thể cách triển khai tại nghị định. Trong đó, sẽ phân loại cụ thể loại phương tiện, số xe máy mới chiếm không nhiều, còn lại đa số là xe cũ, thậm chí có xe sản xuất cách đây vài chục năm nên khó đảm bảo khí thải.

“Tại các địa phương có nhiều trung tâm bảo dưỡng, bảo hành nhưng công nghệ, dây chuyền kiểm định thế nào cần phải tính toán. Bên cạnh đó, đa số đối tượng người có xe máy có thu nhập không cao nên cũng cần tính toán lộ trình thu phí phù hợp. Khi kiểm tra khí thải, các loại xe quá cũ cũng cần loại bỏ, cấm lưu hành. Những vấn đề đặt ra trong tổ chức thực hiện đều có phương án thực hiện”, Thứ trưởng Thọ nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:

Phải có quy định mang tính đột phá

Phát biểu tại cuộc họp đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, phải đưa vào Luật GTĐB nhiều nội dung khác để dự thảo Luật mang tính đột phá.

Theo Bộ trưởng, không nên quy định xe quá tải 10%, 20% hay 50%, 100% như hiện nay. Đây là cách quy định khiến xe cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải tàn phá cầu đường. Hiện, chúng ta đang kiểm tra xe quá tải ở phần ngọn nên để đảm bảo tính răn đe phải quy định trong luật theo hướng cho phép chở quá tải tối đa đến 5%, trên con số này tịch thu xe ngay, bán nộp ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, xe quá niên hạn sử dụng vẫn lưu hành gây nguy cơ TNGT cao cũng cần phải tịch thu ngay và truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay xe quá hạn đăng kiểm cũng cần quy định cho phép trễ từ 1 - 5 ngày nhưng trong thời gian nay vẫn phạt, trên con số này tăng nặng mức phạt để nâng cao ý thức an toàn của tài xế. Đặc biệt, người sử dụng bằng lái giả có thể xử lý hình sự ngay. Người sử dụng 2 - 3 bằng, ngoài xử phạt thì cần cấm không được lái xe trong vòng 5 năm. Trung tâm đăng kiểm, đào tạo sát hạch lái xe đăng kiểm vi phạm cần đóng cửa ngay.

Bỏ nhiều quy định gây tranh cãi

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, dự thảo lần 3 Luật GTĐB (sửa đổi) đã tiếp thu ý kiến góp ý trong dự thảo lần 2. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Ban soạn thảo đã bỏ một số quy định nếu thực hiện sẽ gây tranh cãi trong thực tế như: Vượt đèn xanh khi nút giao phía trước đang bị ùn tắc; quy định dừng xe không quá 5 phút và chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải trong dự thảo lần 2.

Lý giải về bỏ quy định vượt đèn xanh khi nút giao phía trước đang bị ùn tắc, ông Thạch cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp và chỉ đạo của Bộ trưởng, nhận thấy rằng việc xử phạt rất dễ xảy ra tranh cãi trong khi chưa có khái niệm xác định thế nào là ùn tắc để nên Ban soạn thảo thống nhất bỏ quy định này khỏi dự thảo Luật.

“Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, Luật phải rõ ràng và dễ thực thi và đặc biệt phải quy định phải công bằng với người dân. Bộ trưởng cho rằng, ùn tắc có phải là do người dân hay do cơ quan quản lý điều hành, hạ tầng không đáp ứng hay hệ thống điều khiển không hợp lý.

Dự thảo sẽ thay đổi quy định này theo hướng, tại các ngã tư bên cạnh có người điều khiển giao thông sẽ áp dụng hệ thống camera, khi ùn tắc giao thông sẽ điều khiển điều tiết đèn tín hiệu giao thông qua tại trung tâm điều khiển giao thông thông minh. Bên cạnh đó, cũng sẽ quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng khi xảy ra ùn tắc và phải kịp thời bố trí lực lượng điều tiết”, ông Thạch cho biết thêm.

Nhiều quy định mới tại dự thảo Luật GTĐB sửa đổi

Đề cập đến các nội dung quy định trong dự thảo Luật mới, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, dự thảo Luật mới có 153 điều, sửa đổi 76 điều và bổ sung mới 55 điều.

Về quy tắc giao thông và người điều khiển phương tiện, bà Nga cho biết, đối với quy tắc sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, Công ước Viên cấm tuyệt đối. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định cấm dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện. Có nghĩa là Luật cho phép sử dụng thiết bị rảnh tay để nghe điện thoại khi lái xe.

Liên quan đến quy định thắt dây an toàn ghế chuyên dùng trên xe ô tô cho trẻ em, bà Nga cho biết, dự thảo quy định người điều khiển và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại vị trí có trang bị dây đai an toàn. Đồng thời, bảo vệ nhóm trẻ em yếu thế dưới 12 tuổi, dưới 30kg hay dưới 1,3m phải được chở trên xe ô tô bằng ghế chuyên dụng. Quy định này dẫn đến xe đưa đón học sinh phải trang bị ghế ngồi phù hợp với quy định trên.

Đối với quy định tín hiệu xanh nút giao bị ùn tắc không được tiến vào, bà Nga cho biết, đây là quy định có tính chất hướng dẫn người tham gia giao thông thực hiện quy tắc loại trừ không áp dụng trong trường hợp nếu hướng đi đang bị ùn tắc mà nếu đi vào sẽ không thoát ra được. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, nội dung này thực tế khó phân định và có thể gây ra cách hiểu khác nhau và cách áp dụng thực tế có thể gây tranh cãi khi áp dụng chế tài xử lý vi phạm.

Liên quan quy định dừng xe, đỗ xe, dự thảo Luật quy định nghĩa rõ dừng xe là trạng thái đứng yên không quá 5 phút. Khi dừng xe người điều khiển không rời phương tiện, trừ trường hợp xuống để mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa. Quy định này làm cơ sở cho việc xác định sự khác biệt giữa dừng và đỗ xe mà Luật GTĐB năm 2008 chưa giải quyết được. Tuy nhiên, vấn đề là xác định thế nào là thời gian “không quá 5 phút” theo phương thức nào là vấn đề gây tranh cãi.

Dự thảo Luật cũng phân lại hạng GPLX, định hướng của Bộ GTVT không làm phát sinh tăng chi phí, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người Việt sử dụng GPLX ở nước ngoài và người nước ngoài sử dụng GPLX ở Việt Nam. Để tránh hiểu nhầm, việc cấp GPLX theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và GPLX đã hết hạn sử dụng xin cấp lại. Đối với GPLX hiện nay vẫn được sử dụng cho đến khi hết hạn sử dụng.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung nhiều chính sách mới về quản lý hoạt động vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng.

T.Duy

Theo báo giao thông