CSGT chưa kịp thông báo lỗi thì người vi phạm đã xưng là công an đang đi làm nhiệm vụ. Cũng có nhiều người là PV, nhà báo, có quan hệ với nhiều sếp.
Lạm dụng “mác” báo chí, công an
Một chiến sỹ Đội CSGT số 15, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, quá trình TTKS, xử lý vi phạm khu vực gần sân bay Nội Bài, nhiều trường hợp bị dừng xe kiểm tra đều trưng ra giấy tờ liên quan đến ngành công an và báo chí. Khi CSGT vẫn cương quyết lập biên bản, nhiều người gọi điện thoại nhờ can thiệp, đồng thời yêu cầu tổ công tác nghe máy. “Người thì bảo “anh nghe máy đi, người này là sếp to ngành báo chí đấy”! Hoặc “anh nghe máy nhanh đi, sếp của anh đó”… Cũng có lúc CSGT nghe điện, nhưng sau khi chào hỏi và giải thích rõ lỗi vi phạm là nguy cơ tiềm ẩn TNGT, cần phải xử lý để răn đe thì tất cả những người định can thiệp đều đề nghị CSGT lập biên bản”, chiến sĩ CSGT kể.
Lãnh đạo Đội CSGT số 6 cũng thông tin, nhiều trường hợp khi bị dừng xe, CSGT chưa kịp thông báo lỗi thì người vi phạm đã xưng là công an đang đi làm nhiệm vụ. Cũng có nhiều người là PV, nhà báo, có quan hệ với nhiều sếp.
Bên cạnh đó, cũng rất nhiều trường hợp xưng là chiến sĩ công an, PV, nhà báo nhưng lại không xuất trình được giấy tờ chứng minh, thậm chí có những lời lẽ đe doạ tổ công tác. Một số người đưa thẻ ra vào cơ quan báo, đài hoặc cục này, vụ kia của Bộ Công an, rút điện thoại ra gọi cho nhiều người. “Đối với những trường hợp này CSGT đều thông báo lỗi vi phạm, yêu cầu xuất trình giấy tờ, đồng thời xác minh qua nhiều kênh để có thông tin về người vi phạm có phải thuộc cơ quan báo đài hay cơ quan công an hay không. Đa phần các cơ quan đều khẳng định, không có những người tên như vậy…”, lãnh đạo này cho biết.
Khó xử lý nếu… cấp trên can thiệp
Một chiến sỹ Đội CSGT số 8 thông tin, quá trình làm nhiệm vụ, rất nhiều người vi phạm xưng nhà báo: “Họ trình bày lý do đang vội đi tác nghiệp. Chưa biết có thực sự họ phải nhà báo hay không, có đúng đang trên đường đi tác nghiệp hay không nhưng với tình huống như vậy, trước tiên CSGT đều phải thông báo lỗi, yêu cầu người vi phạm xuất trình giấy tờ, đồng thời tiến hành giải thích. Nếu thực sự họ là nhà báo đang đi tác nghiệp, CSGT có thể nhắc nhở và tạo điều kiện cho đi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không xuất trình được thẻ nhà báo”. Khi được hỏi vì sao lại “ưu ái” nhà báo, chiến sĩ này từ chối trả lời(!).
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1 cho rằng, Luật GTĐB năm 2008 đã quy định mọi người tham gia giao thông đều phải chấp hành quy tắc giao thông, hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên đường và tuân thủ sự hướng dẫn của người thực thi công vụ. Còn quá trình gặp các trường hợp PV, nhà báo và cán bộ công an mà cả nể không xử lý là cán bộ, chiến sỹ thực thi công vụ chưa làm hết trách nhiệm của mình. Về nguyên tắc, PV, nhà báo hay cán bộ công an không phải là trường hợp ưu tiên (trừ một số trường hợp cán bộ công an làm nhiệm vụ đã được luật quy định).
“Trường hợp công an, PV, nhà báo ra xin xỏ hoặc can thiệp vi phạm thì cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ phải giải thích để họ hiểu. Nếu các trường hợp trong ngành hoặc ngoài ngành đe dọa tổ công tác, cần ghi lại bằng chứng để xử lý”, Thượng tá Quỹ nói, đồng thời cho rằng, chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài đường sẽ rất khó xử lý nếu như cấp trên của họ vẫn cố tình muốn can thiệp, bởi “có cấp dưới nào dám chống lệnh cấp trên”.
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, từ trước đến nay Công an thành phố đã quán triệt, quá trình CSGT làm nhiệm vụ trên đường, đối với những cán bộ cơ quan Nhà nước, giáo viên, nhà báo, bác sĩ… nếu lỗi vi phạm của họ là vô tình, không cố ý và lỗi nhẹ thì chỉ nhắc nhở. Còn những trường hợp cố tình vi phạm, CSGT vẫn xử lý bình thường, không có ngoại lệ.
Những trường hợp cố tình chống đối, lăng mạ, không hợp tác đều bị xử lý nghiêm. Riêng đối với lực lượng công an, cho dù vô tình vi phạm giao thông, CSGT đều ghi rõ tên tuổi rồi gửi thông báo về đơn vị. Đại tá Đào Thanh Hải cũng khẳng định, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp chiến sĩ làm nhiệm vụ mà lơ là trách nhiệm, dung túng vi phạm, làm mất uy tín và hình ảnh của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nguồn: baogiaothong