Trong 3 yếu tố hình thành "Tam giác phơi sáng" là ISO, Khẩu độ và Tốc độ màn trập, hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về Khẩu độ.
Vậy
khẩu độ là gì?
Bạn có thể hiểu một cách đơn giản Khẩu độ là mức độ mà ống kính mở ra khi chúng ta chụp ảnh.
Khi bạn bấm nút chụp ảnh, một lỗ tròn nhỏ mở ra cho phép bộ cảm biến bên trong máy ảnh ghi lại hình ảnh mà ta muốn chụp. Khẩu độ chính là yếu tố tác động đến kích thước của lỗ tròn này, nếu nó càng mở lớn ánh sáng càng vào nhiều và ngược lại.
Khẩu độ được tính bằng ‘f-stops’. Ký hiệu là f/chỉ số – VD: f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/22...v...v.... tăng 1 f-stop nghĩa là gấp đôi độ mở bên trong ống kính và lượng ánh sáng đi vào. Luôn nhớ rằng tăng tốc độ màn trập lên 1 mức cũng sẽ tăng gấp đôi lượng ánh sáng đi vào. Điều này có nghĩa là nếu bạn tăng 1 mức khẩu độ và giảm 1 mức tốc độ màn trập thì lượng ánh sáng đi vào sẽ trở về như lúc ban đầu.
Một điều làm rất nhiều người mới bắt đầu chụp ảnh bối rối là độ mở ống kính lớn(ánh sáng đi vào nhiều) có chỉ số f/stop nhỏ, độ mở ống kính nhỏ(ánh sáng đi vào ít) lại có chỉ số f/stop lớn. VD: f/2.8 sẽ có độ mở ống kính lớn hơn f/22. Nghe có vẻ như không đúng lắm nhưng không sao bạn sẽ dần quen với nó.
Độ sâu trường ảnh và Khẩu độ
Sẽ có rất nhiều sự thay đổi khẩu độ để có được bức ảnh như bạn mong muốn nhưng điều bạn nên cân nhắc nhất là độ sâu của trường ảnh mà bức ảnh sẽ ghi lại.
Độ sâu trường ảnh (Depth of Field - DOF) là vùng nét nhất của bức ảnh. Độ sâu trường ảnh càng lớn thì vùng rõ nét của bức ảnh càng lớn bất kể gần hay xa máy ảnh(như bức ảnh bên dưới, cả tiền cảnh và hậu cảnh đều rõ nét - ảnh chụp với độ mở ống kính f/22.
Trường ảnh nhỏ (không sâu) thì chỉ một phần của bức ảnh hiển thị rõ nét tất cả phần còn lại sẽ bị mờ nhạt (giống như đóa hoa trong hình dưới đây. Bạn sẽ thấy chỉ phần ít nhụy hoa bên tay trái rõ nét, tất cả chi tiết còn lại đều mờ nhạt).
Khẩu độ sẽ tác động lớn đến độ sâu trường ảnh. Khẩu lớn (giá trị f/stop nhỏ) sẽ giảm độ sâu trường ảnh trong khi Khẩu nhỏ (f/stop lớn) sẽ cho bạn bức ảnh có độ sâu lớn hơn.
Khi mới bắt đầu có thể bạn dễ bị lẫn lộn nhưng có một cách rất dễ nhớ là f/stop nhỏ thì DOF nhỏ, f/stop lớn thì DOF lớn.
Hãy xem hình minh họa bên dưới và để ý kỹ sự thay đổi của từng ảnh nhé.
f/stop tăng dần từ 1.8 đến 11 và ảnh cũng rõ dần từ tâm ảnh đến rìa ảnh
Bạn có thể thấy rất rõ f/stop nhỏ thì DOF nhỏ và chỉ tập trung ở tâm ảnh. Khi f/stop tăng thì diện tích ảnh rõ cũng tăng dần theo. Đây cũng là cách tạo hiệu ứng rất được các bạn trẻ yếu thích. Đó là hiệu ứng xóa phông.
bạn có thể dễ dàng thấy rằng ảnh cô gái rất sắc nét trong khi tất cả hậu cảnh đều bị mờ nhạt.
Một vài thể loại ảnh:
Ảnh chân dung: điều cần thể hiện là chân dung của đối tượng nên phải mở khẩu lớn (f/stop nhỏ) để chi tiết này thật rõ và các chi tiết hậu cảnh mờ đi tránh làm người xem mất tập trung.
Ảnh macro: vì đây cũng là thể loại ảnh chỉ tập trung duy nhất vào 1 đối tượng(thường có kích thước nhỏ) nên không được phép bỏ sót bất cứ chi tiết nào. Muốn làm được như vậy thì phải sử dụng khẩu lớn nhất (f/stop bé nhất). Có cả những ống kính đặc biệt được thiết kế riêng cho những người chụp thể loại ảnh này.
Ảnh phong cảnh: bạn sẽ phải sử dụng khẩu nhỏ (f/stop lớn). Điều này để đảm bảo tất cả những chi tiết trong khung ảnh đều được hiển thị rõ nét không loại trừ khu vực nào.
Cách tốt nhất để bạn không phải lẩn quẩn mãi với mớ lý thuyết Khẩu độ nữa là đem máy ảnh ra và trải nghiệm. Chụp tất cả những gì bạn thấy từ gần đến xa, mở khẩu từ nhỏ rồi lớn dần. Bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy sự khác biệt và hiểu rõ hơn về những lý thuyết bạn đã đọc qua từ đầu đến giờ.