Em thấy bài viết này cũng hay, post cho các bác cùng xem.
Có nên lấy ý kiến người dân về đề án hạn chế xe máy?
SGTT.VN - Việc hạn chế đi lại bằng xe máy, theo các phương tiện truyền thông, sẽ được bộ Giao thông vận tải hoạch định theo một lộ trình cụ thể và đề án sẽ được công bố lấy ý kiến người dân trước khi trình Chính phủ.
http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=156516
Muốn người dân vui vẻ chấp nhận từ bỏ thói quen đi xe máy, thì mạng lưới vận chuyển công cộng phải được thiết lập rộng khắp. Ảnh: L.H.T
Làm luật dựa theo nguyện vọng của dân là ý tưởng rất tốt. Tuy nhiên, riêng trong trường hợp này, phải cân nhắc về tính khả thi của ý tưởng trước khi đưa ra thực hiện, để tránh lãng phí tiền bạc, công sức của xã hội. Nếu chỉ đặt một vài câu hỏi lớn với ý đại loại liệu người dân có đồng ý cấm hoặc hạn chế xe máy, theo kiểu trưng cầu ý dân quen thuộc ở các nước, thì chắc chắn đại đa số người dân sẽ trả lời “không”; bởi đơn giản, đại đa số ấy đang đi xe máy và đó hiện là phương tiện đi lại rẻ tiền và thuận lợi nhất so với bất kỳ cách vận chuyển nào khác. Còn nếu công bố toàn bộ dự án chứa đựng cơ man thông tin kỹ thuật phức tạp để người dân góp ý, thì dân sẽ không góp hoặc chỉ góp chiếu lệ, do không đủ sức để lĩnh hội.
Thực ra, các nhu cầu đi lại trong không gian đô thị có thể định lượng, như rất nhiều yếu tố của đời sống kinh tế, đời sống xã hội. Bài toán giao thông trong nội ô các thành phố lớn, do đó, có thể giải quyết bằng các phương pháp của khoa học chính xác, cụ thể là thông qua việc lập và giải các phương trình đại số. Đó là công việc của các chuyên gia, không phải của người dân thường. Với tư cách là người được xã hội giao chức năng quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực giao thông – vận tải, nhà chức trách giao thông có trách nhiệm tập hợp trí tuệ của các nhà chuyên môn để thu thập số liệu liên quan, rồi phân tích và xử lý để tìm giải pháp khả thi, thông qua việc áp dụng các công thức toán.
Nếu chỉ đặt một vài câu hỏi lớn với ý đại loại liệu người dân có đồng ý cấm hoặc hạn chế xe máy, theo kiểu trưng cầu ý dân quen thuộc ở các nước, thì chắc chắn đại đa số người dân sẽ trả lời “không”. Có thể về lâu dài, khi mạng lưới công sở và hệ thống cung ứng dịch vụ giáo dục, ngân hàng, y tế, văn hoá… được tổ chức tốt hơn và trải đều ở tất cả các cụm dân cư, chứ không chỉ tập trung ở nội thành như hiện nay, thì người dân sẽ ít thường xuyên đổ dồn về trung tâm thành phố và giao thông tại đó sẽ bớt tắc nghẽn.
Nhưng trước mắt người ta vẫn phải đi đến đó trong khuôn khổ sinh hoạt hàng ngày. Nếu nhà chức trách không cho đi bằng xe máy, thì phải tổ chức việc thay thế phương tiện di chuyển. Không khó nhận ra một trong những yêu cầu để việc hạn chế xe máy lưu thông trở nên khả thi trong hoàn cảnh hiện tại, đó là phải có, ngay ở thời điểm biện pháp được triển khai, một mạng lưới vận chuyển công cộng đủ sức thay thế xe máy để phục vụ cho bà con trong việc đi lại thông thường.
Vả lại, không như ở xứ lạnh, nơi người ta có thể cuốc bộ hàng cây số mà không mệt, ở Việt Nam chỉ cần đi bộ vài phút là tháo mồ hôi. Người dân thành phố còn ngại đi bộ lâu dưới trời nắng nóng, do mồ hôi pha lẫn khói, bụi, có nguy cơ làm cho bộ dạng trở nên lôi thôi, lếch thếch, dễ khiến người ta mất tự tin khi giao tiếp, đối tác trong công việc. Có thể hiểu tại sao dù chỉ cần di chuyển đoạn ngắn trong thành phố, người ta thường vẫn nhảy phóc lên xe máy rồi cỡi đi, chứ chẳng chịu nhọc chân.
Muốn người dân vui vẻ chấp nhận từ bỏ thói quen đi xe máy, thì mạng lưới vận chuyển công cộng phải được thiết lập rộng khắp: các phương tiện phải thích hợp với địa bàn, địa hình, nghĩa là phải đa dạng (xe buýt, tramway, metro...) và được trang bị phù hợp với điều kiện đi lại ở xứ nóng; các trạm dừng phải có khoảng cách hợp lý; đặc biệt, phải tổ chức sự vận hành của mạng lưới một cách khoa học để người di chuyển có thể nối chuyến hoặc thay đổi phương tiện trong hành trình một cách thuận tiện và không mất sức.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện