RE: Thuốc Byetta - nhờ các bác giúp?
@ bác Kitty:
Em đồng ý với bác Bomdien và bác Nikon. Bệnh tiểu đường là một bệnh mạn tính và phức tạp, không thể chữa lành (khỏi bệnh) mà mục tiêu điều trị là duy trì mức đường máu tối ưu nhằm hạn chế các biến chứng của bệnh và điều trị tích cực các biến chứng nếu đã xảy ra.
1) Mục tiêu kiểm soát đường máu là:
A1C <7.0%*
Đường máu mao mạch trước ăn 90–130 mg/dl (5.0–7.2 mmol/l)
Đường máu mao mạch đỉnh (Peak) sau ăn <180 mg/dl (<10.0 mmol/l)
Huyết áp <130/80 mmHg
Mỡ máu-Lipid
LDL <100 mg/dl (<2.6 mmol/l)
Triglycerides <150 mg/dl (<1.7 mmol/l)
HDL >40 mg/dl (>1.0 mmol/l)§
Trong đó, mức A1C là mục tiếu chính (the primary target) khi kiểm soát đường máu. Các mục tiêu cần cá nhân hoá, nhất là ở một số nhóm bệnh nhân đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai, và người lớn tuổi hoặc những bệnh nhân có những bệnh lý kèm, có các biến chứng,v.v.
2) Phát hiện, phòng ngừa và điều trị triệt để các biến chứng của bệnh tiểu đường. Những biến chứng thường gặp là bệnh tim mạch, bệnh lý thận, bệnh lý mắt, bệnh lý thần kinh.
Để đạt được những mục tiêu trên, vấn đề điều trị cần được lên kế hoạch một cách chi tiết ngay từ khi phát hiện bệnh bao gồm từ vấn đề ăn uống - dinh dưỡng (MNT - Medical nutrition therapy); giáo dục kiến thức về bệnh và chăm sóc theo dõi bệnh cho bệnh nhân và người nhà (như: Tự theo dõi đường máu SMBG - self-monitoring of blood glucose; giáo dục tự kiểm soát bệnh tiểu đường DSME - diabetes self-management education và huấn luyện cách thức tự chăm sóc bệnh DSMT - diabetes self-management training), hướng dẫn hoạt động thể lực (physical acitivity); khuyến khích loại bỏ các yếu tố nguy cơ như bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu; chăm sóc sức khoẻ tinh thần; hướng dẫn cách nhận biết và xử trí khi mắc các bệnh lý khác hay khi bị hạ đường máu, chủng ngừa những vắc xin cần thiết, và đương nhiên cách sử dụng thuốc kiểm soát đường máu và điều trị các biến chứng phù hợp.
Như vậy bác thấy rõ ràng việc điều trị bệnh không chỉ là dựa vào thuốc. Thật sự em đã gặp nhiều người chỉ dùng thuốc ở nước ngoài mang về nhưng do kiểm soát khôhng tốt nên "mèo vẫn hoàn mèo" bác ạ. Đương nhiên dùng thuốc đúng mà là hàng "xịn" nữa thì nhất rùi! Nhưng không phải lúc nào thuốc mới cũng tốt hơn thuốc cũ. Ví dụ thuốc Metformin (Glucophage) đã được sử dụng từ khi ông cụ nhà em còn tắm truồng, thế mà bây giờ vẫn là thuốc đầu tay (first line). Ngược lại Rosiglitazone (Avandia) là 1 thuốc rất mới nhưng vừa rùi bị đẩy xuống hạng 2 vì những tác dụng phụ trên tim mạch!
Theo như guideline 2007 của ADA, điều trị tiểu đường type 2 vẫn dựa vào các thuốc chính là thuốc Metformin, các sulfonylureas, Insulin và có thêm sitagliptin. Hiện tại Sitagliptin chưa phổ biến ở quê ta, nhưng với 3 anh còn lại thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát bệnh tốt, bác ạ!
Riêng trường hợp bà cụ nhà bác, 71 tuổi cũng có một số lưu ý như sau:
1) Đa số các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân >65 tuổi thường kiểm soát mức đường máu, huyết áp và mỡ máu kém
2) Càng lớn tuổi, tỉ lệ tử vong, tàn tật, bệnh kèm như cao huyết áp, bệnh mạch vành (thiếu máu tim), đột quị càng cao. Ngoài ra còn bị dể bị trầm cảm, rối loạn nhận thức, són tiểu, dể té ngã, và đau nức thường xuyên,..
Vì vậy, chăm sóc bệnh nhân tiểu đường lớn tuổi phức tạp hơn, tinh tế hơn và cần tiếp cận đa hướng (multidisciplinary interventions). Đặc biệt, do người lớn tuổi thường có nhiều bệnh lý kèm, hoặc do biến chứng của bệnh tiểu đường hoặc không, nên việc kiểm soát đường máu cần phải tinh tế, không nên đòi hỏi tối ưu quá mức vì dể gây hạ đường máu nghiêm trọng, nhất là khi tri giác của người lớn tuổi không còn minh mẫn. Người lớn tuổi có thể dùng thuốc như người trẻ, tuy nhiên, cần cẩn trọng. Metformin hay biệt dược là Glucophage thường chống chỉ định (không được sử dụng) khi có suy thận hay suy tim. Các thuốc nhóm sulfonylureas (diamicron, amaryl,...) và các thuốc kích thích tiết insulin khác [như thuốc bác hỏi hay sitagliptin,... loại thuốc sau em thấy dân Mỹ xài nhiều, vừa rùi Guidelines điều trị 2007 của Hiệp hội bệnh tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) có khuyến khích xài anh này hơn thuốc bác hỏi.] có thể gây hạ đường huyết. Insulin cũng có thể gây hạ đường huyết. Các thuốc nhóm TZDs như Rosiglitazone (Avandia), Pioglitazone không nên dùng cho bệnh nhân suy tim.
Thuốc nên bắt đầu từ liều thấp nhất có hiệu quả, sau đó chỉnh liều từ từ cho đến khi đạt mục tiêu hay xuất hiện tác dụng phụ. Tương tự khi điều chỉnh huyết áp và mỡ máu cho bệnh nhân cũng nên cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ (risk vs. benefit)
Nói chung, Byetta là 1 thuốc mới, chứ không phải là vị cứu tinh cho người tiểu đường. Vì vậy, bác không phải quá "lăn tăn" về nó làm gì!