VỤ XE CHẠY NGƯỢC CHIỀU TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC
Nói không phạt được là chưa làm tới nơi tới chốn
Trên Nghị định 34/2010 còn có Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Pháp lệnh này chỉ rõ: Phạt được! Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM.
Thưa bà, vụ xe 16 chỗ chạy ngược chiều trên đường cao tốc, Cơ quan CSGT tỉnh Long An giải thích sở dĩ không phạt được tài xế là do họ không bắt được quả tang hành vi vi phạm. Còn các chứng cứ (ảnh chụp, các video clip) do người dân cung cấp không thể sử dụng vì theo Điều 56 Nghị định 34/2010 quy định phải do trong ngành thực hiện bằng phương tiện kỹ thuật của ngành. Bà nghĩ như thế nào?
+ Bà UNG THỊ XUÂN HƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (ảnh): Hiểu như vậy là không đúng, chỉ là do cơ quan công an không làm đến nơi đến chốn mà thôi.
Hình ảnh chứng cứ vi phạm được chụp, ghi lại bằng các phương tiện kỹ thuật của ngành, do người trong ngành thực hiện theo quy định tại Điều 56 Nghị định 34 thì không có gì để nói cả, đương nhiên áp dụng để xử phạt, người vi phạm không thể đôi chối hoặc đòi phải có người làm chứng.
Nhưng với chứng cứ do người dân cung cấp thì sao?
Thực tế đã có nhiều vụ người dân chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng để phản ánh hành vi vi phạm giao thông. Hình ảnh, đoạn phim ấy không do phía công an thực hiện, không sử dụng ngay để lập biên bản vi phạm. Nhưng đó phải được xem là một phát hiện vi phạm của người dân.
Từ cơ sở này, bằng nghiệp vụ của mình, cơ quan công an phải đấu tranh với người vi phạm để buộc họ thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
. Nếu người vi phạm không thừa nhận thì sao, thưa bà?
+ Vẫn phạt được! Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định: Trong trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không có mặt tại địa điểm xảy ra vi phạm thì biên bản được lập xong phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.
Theo dõi thông tin trên báo chí, tôi thấy có rất nhiều người sẵn sàng làm nhân chứng, như những người cung cấp các đoạn clip. Cụ thể, vụ chạy xe ngược chiều trên đường cao tốc, mười mấy hành khách ngồi trên chiếc xe ấy cũng có thể là nhân chứng.
Ngay cả chủ xe cũng đã thừa nhận hành vi này của lái xe.
. Vậy bà khẳng định trong vụ này hoàn toàn phạt được, không mắc mứu gì về luật cả?
+ Đúng vậy. Như đã phân tích ở trên, việc xử phạt hoàn toàn đúng luật, không hề mâu thuẫn hay trái với Điều 56 Nghị định 34 như phía công an giải thích.
Quan trọng là cơ quan công an có làm tới nơi tới chốn hay không.
Dư luận đang vô cùng bức xúc không chỉ do hành vi chạy xe ngược chiều trên đường cao tốc là vô cùng nguy hiểm, mà còn bất bình, bất mãn khi họ đã hết sức giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm nhưng vi phạm ấy lại bị bỏ qua.
Đó là cái hại lớn hơn rất nhiều nếu vụ này không được giải quyết cho ra lẽ.
. Xin cảm ơn bà.
Lý lẽ của CSGT: tại Nghị định 34
Ngày 12-5, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt tài xế lái xe khách biển số 64H-5638 chạy ngược chiều trên đường cao tốc ngày 10-5 quá tốc độ cho phép với số tiền phạt là 1 triệu đồng, còn hành vi chạy ngược chiều và quay đầu xe không đúng quy định thì không xử lý!
Trả lời với báo chí, Thượng tá Trần Văn Hùng cho biết: Nghị định 34/2010 của Chính phủ chỉ cho phép lực lượng CSGT đường bộ được sử dụng các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động tuần tra, kiểm soát để phát hiện, truy tìm đối tượng vi phạm hành chính. Nghĩa là công an chỉ xử phạt được phương tiện khi camera của chính ngành công an ghi lại hình ảnh vi phạm…
Ngày 15-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Võ Văn Sáng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cũng nói: Hành vi chạy ngược chiều trên đường cao tốc Trung Lương là đáng lên án và cần phải xử lý thật nghiêm. Tuy nhiên, Nghị định 34 và các văn bản hướng dẫn quy định chỉ xử phạt phương tiện khi công an ghi lại hình ảnh chưa có quy định sử dụng hình ảnh, tư liệu của người dân để xử lý vi phạm giao thông. “Dù rất bức xúc nhưng theo tôi, Phòng CSGT Công an tỉnh Long An không xử phạt tài xế lỗi chạy ngược chiều là đúng với quy định hiện hành…”.
Đồng quan điểm, một thượng tá công tác ở Cục CSGT đường bộ-đường sắt (phía Nam) cho biết: “Dư luận lên án, bức xúc nhưng CSGT phải căn cứ trên quy định cụ thể mới ra quyết định xử phạt được. Theo tôi, nếu muốn xử phạt từ hình ảnh người dân cung cấp thì phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 34…”.
Không đấu tranh, làm sao nghiêm trị?
Dễ thấy lý lẽ của cơ quan công an rằng: Theo Nghị định 34/2010 và các văn bản liên quan khác, chỉ những hình ảnh, ghi hình bằng nghiệp vụ của ngành công an thì mới được dùng để xử lý hành chính các vi phạm giao thông. Tuy nhiên, đó là chuyện công an xử lý các hành vi vi phạm từ các chứng cứ trực diện mà công an thu thập được.
Xin đừng quên nhiệm vụ của ngành công an, cụ thể trong trường hợp nêu trên là cảnh sát giao thông, còn là đấu tranh với sự coi thường pháp luật, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật đang bị che giấu, ngụy biện. Vì lẽ đó, không thể quan niệm rằng những chứng cứ do dân cung cấp là “không có giá trị xử phạt”. Vấn đề đặt ra là công an bằng mọi cách phải biết dùng những chứng cứ được thu thập gián tiếp ấy để buộc người vi phạm thừa nhận sai trái, buộc họ nhận hình thức xử phạt thích đáng.
Khi vi phạm bị cả xã hội lên án thì việc xử lý không đến nơi đến chốn càng làm dư luận thêm bức xúc. Ta đang muốn kéo giảm tai nạn giao thông nhưng thông tin, chứng cứ từ người dân không được coi trọng để đấu tranh xử lý triệt để, trách sao tình trạng vi phạm giao thông xảy ra dài dài và mỗi ngày mỗi “tăng đô”
nguồn
http://phapluattp.vn/2011...m-toi-noi-toi-chon.htm