Hiện nay tỉ lệ tật khúc xạ học đường ngày càng tăng cao, tập trung tại khu vực nội thành trong khi các hiểu biết đúng về tật khúc xạ và cách điều chỉnh đúng cho tật khúc xạ còn chưa phổ biến. Sau đây là một số thông tin được tổng hợp nhằm giúp phụ huynh chúng ta nhận thức đúng và đầy đủ hơn về tật khúc xạ và kính điều chỉnh cho trẻ em.
NHỮNG Ý NGHĨ SAI VÀ CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG :
1. Không cho trẻ đeo kính vì sợ đeo kính sẽ làm tăng độ !
Quan niệm này rất sai lầm. Kính đeo mắt không can thiệp vào sự tăng hay giảm độ khúc xạ mà chỉ giúp hội tụ ánh sáng vào đúng võng mạc giúp mắt nhìn rõ. Chính việc không đeo kính sẽ dẫn tới một số tổn hại chức năng mắt như nhược thị khúc xạ, lé mắt thứ phát…
2. Cho con em mình đeo kính nhẹ hơn độ kính cần thiết phải đeo !
Điều sai lầm này làm giới hạn sinh hoạt của trẻ do thị lực thấp, dẫn tới nhược thị, lé mắt và tăng nhẹ độ khúc xạ do hình thành thói quen xấu như cúi sát, nhìn gần…để bù trừ độ khúc xạ chưa được chỉnh hết. Chỉ đeo kính nhẹ hơn độ kính thật trong trường hợp có chỉ định của bác sĩ với mục đích giúp trẻ thích nghi dần với độ kính.
3. Không cho trẻ đeo kính thường xuyên !
Kính nên đeo thường xuyên trên mắt để giúp mắt nhìn xa và gần đều thoải mái và tái lập sự điều tiết như người bình thường, tránh lé mắt thứ phát do tật khúc xạ.
4. Đo kính cho trẻ ở bất cứ tiệm kính nào !
Đo kính cho trẻ dưới 12 tuổi là một công việc phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao do trẻ ở tuổi này sức điều tiết ở mắt còn cao, không thể đo kính như người lớn, mà phải nhỏ thuốc liệt điều tiết (Atropin) để đo chính xác độ khúc xạ thực tế của trẻ một cách khách quan (soi bằng đèn Skiascopy), sau đó dựa trên kết quả khách quan đó mới đo kính cho trẻ.
Sau khi đeo kính, trẻ phải đi tái khám theo dõi về thị lực-kính mỗi 6 tháng. Thời gian thích hợp cho trẻ đi khám là vào dịp hè vì ảnh hưởng của thuốc liệt điều tiết đến khả năng nhìn gần có thể kéo dài 2-3 tuần mới phục hồi.
5. Tin tuyệt đối vào kết quả của máy đo mắt khúc xạ điện tử !
Kết quả của máy này chỉ cho con số ước lượng để dựa vào đó đo kính, không phải là kết quả chính xác tuyệt đối, nhất là ở trẻ em có biên độ điều tiết cao và khó chú tâm định thị vào máy.
6. Khi con em mình bị đeo kính sai gây nhức mỏi mắt lại nghĩ là do đeo kính không được chứ không nghĩ là kính đo sai !
Kính đo đúng hầu như không gây triệu chứng chủ quan trên mắt. Ở một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như độ khúc xạ cao, mới đeo kính lần đầu…sẽ có những phương pháp giúp thích nghi với kính, không gây khó chịu cho trẻ. Nếu đeo kính mà gây nhức mắt, nhức đầu…phải đi đo kiểm tra lại kính ở các cơ sở có chuyên khoa mắt.
7. Lấy kính người khác đeo !
Đây là việc cấm kị. Kính thuốc được xác định bởi 3 yếu tố : độ kính, trục kính và tâm kính. Hiếm người có trùng nhau cả 3 yếu tố trên nên khi phát hiện có tật khúc xạ mỗi người phải đi đo kính cho riêng mình.
8. Thấy trẻ còn nhỏ quá, đeo kính tội nghiệp !
Nếu trẻ bị tật khúc xạ không được đeo kính đúng độ ngay từ nhỏ sẽ bị nhược thị khúc xạ. Sau này lớn lên mới đeo kính thì thị lực luôn thấp, không đạt được thị lực tối đa.