Hạng D
27/8/13
2.474
3.084
113
HCM
View attachment 1812703
Năm ngoái em có chuyến đi công tác ở châu Âu và thuê xe tự lái chạy lòng vòng hơn 1.600 km. Em xin chia sẻ một số kinh nghiệm có được sau chuyến đi đó. Chia sẻ của em là từ kinh nghiệm thực tế có được, nếu có thiếu sót nhờ các bác bổ sung thêm nhé. Cảm ơn các bác.[pagebreak][/pagebreak]

1. Chuẩn bị bằng lái

Việc đầu tiên phải chuẩn bị đó là bằng lái. Về cơ bản thì bằng lái thẻ PET hiện tại của Việt Nam đã có song ngữ Việt - Anh nên có thể được chấp nhận ở nhiều nơi rồi. Có thể chỉ cần bằng lái này là các bác đã thuê được xe và lái ở nước ngoài. Nhưng em cẩn thận hơn, em xin Giấy phép lái xe quốc tế của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Và lấy luôn cái Bản dịch của IAA (International Automobile Association. INC). Mỗi nước mỗi kiểu, cứ chuẩn bị kỹ cho chắc ăn.

View attachment 1812722
Giấy tờ lận lưng của em đây!

Lúc thuê xe thì bên Europcar có xem bằng lái gốc của em và cả những giấy tờ liên quan. Em nghĩ là để cho chắc ăn hơn thôi. Và vì em chả gặp chuyện gì trong suốt 1.600 km ở các nước Đức, Thuỵ Sĩ, Áo,… nên em không biết liệu 2 cái phụ kia có giá trị thế nào. Nhưng theo em, để hạn chế tối đa các rắc rối có thể phát sinh thì tốt nhất là chuẩn bị đủ cho nó yên tâm. Lái xe mà tâm trạng lo lắng thì cũng không ổn.

Giấp phép lái xe quốc tế của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì có thể xin online rất nhanh. Tầm 1 tuần là đã có giấy phép gửi về tận nhà. Các bác vào trang web: https://dichvucong.gplx.gov.vn/faces/registration/home.xhtml để thực hiện theo hướng dẫn.

Cái bản dịch của IAA thì tuỳ bác nào cần thì làm hoặc không cũng chả sao. Nó chỉ là bản dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau mà thôi. Ví dụ không phải ông cảnh sát Đức nào cũng biết tiếng Anh. Có bản dịch tiếng Đức là mọi thứ đơn giản hơn ngay. Để làm cái giấy của IAA thì google một phát là ra rất nhiều dịch vụ. Nó có thời hạn từ 1 năm cho đến nhiều năm, nhưng các bác nhớ căn theo giấy phép lái xe gốc nhé. Chi phí thì mỗi nơi mỗi giá, các bác tìm hiểu trước khi làm.

Các bác lưu ý, bằng lái xe gốc và hộ chiếu là 2 loại giấy tờ bắt buộc phải mang theo bên mình khi lái xe. Các loại giấy khác chỉ mang tính bổ sung và hoàn toàn không có giá trị nếu không đi cùng bằng lái gốc và hộ chiếu. Có một số bác lầm tưởng là cái giấy và thẻ do IAA cấp là có giá trị như bằng lái gốc. Cái này là sai nhé. Nếu không có bằng lái gốc và hộ chiếu thì các bác có thể gặp rắc rối to.

2. Thuê xe

Việc thuê xe ở châu Âu, Mỹ hay các nước phát triển khá đơn giản. Có rất nhiều dịch vụ cho thuê xe ô tô với mức giá cạnh tranh và có nhiều văn phòng đặt ngay ở sân bay. Muốn thuê xe các bác có thể truy cập online vào trang web của các dịch vụ như Europcar, Hertz, Avis, Rental Cars, Sixt, Enterprise, Budget,… Các bác cứ tham khảo, tuỳ thằng nào phù hợp với nhu cầu và có mức giá hợp lý thì thuê thôi.

View attachment 1812696
Bọn em thuê xe của Europcar.

Để thuê xe thì cần có các loại giấy tờ gồm Hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ tín dụng. Tất cả đều là cái bắt buộc phải có nhé. Thẻ tín dụng sẽ được trả chi phí thuê và “giữ cọc” phòng trường hợp có phát sinh chi phí, ví dụ như bị ăn giấy phạt hoặc có va quẹt. Các bác cũng nên mua bảo hiểm để phòng ngừa trường hợp gặp tai nạn. Nếu không mua bảo hiểm mà xui xui gặp tai nạn thì ăn cho hết. Chi phí cho những thứ này ở châu Âu là cực kỳ cao. Nói chung là cứ mua bảo hiểm cho chắc ăn.

Nếu thuê online và book ngày trước thì lúc đến địa điểm lấy xe các bác chỉ cần liên hệ văn phòng của hãng cho thuê xe để làm chút thủ tục nữa, sau đó lấy chìa khoá xe và lên đường thôi. Bình xăng của xe sẽ được đổ đầy trước lúc nhận xe. Và khi trả xe các bác cũng cần phải đổ đầy lại.

3. Địa điểm nhận và trả xe

Tuỳ theo lịch trình mà các bác lên thì có thể lựa chọn điểm nhận và trả xe phù hợp. Thông thường thì nhận ở sân bay ngay lúc vừa xuống máy bay và trả cũng ở sân bay khi chuẩn bị lên máy bay về nước hoặc đi đến một nơi khác. Hầu như tất cả các sân bay lớn đều có các văn phòng dịch vụ của những hãng cho thuê xe. Cực kỳ tiện lợi!

View attachment 1812693
Nhận xe tại thành phố Lorrach, Đức. Đây là bãi xe của Europcar luôn.

Các bác có thể nhận xe ở Đức, trả ở Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ hoặc nhiều nơi khác. Lúc làm thủ tục thuê xe có thể lựa chọn địa điểm này. Thuê ở Đức, trả ở Đức thì chi phí sẽ rẻ hơn. Thuê chỗ nào, trả đúng chỗ đó thì lại càng rẻ hơn nữa. Nói chung là tất cả đều rõ ràng, cứ gõ vô là nó ra chi phí thôi.

4. Chi phí thuê xe

Mức giá thuê xe từ các hãng đa số cũng tương đương nhau, không chênh lệch quá nhiều. Tuỳ loại xe sẽ có mức giá khác nhau. Xe nhỏ rẻ hơn xe rộng, xe phổ thông rẻ hơn xe hạng sang, xe số sàn cũng rẻ nữa. Chi phí em tính trung bình cho chuyến đi của em là khoảng hơn 1,5 triệu đồng/ngày, bao gồm tiền thuê xe và tiền xăng; chưa tính chi phí cầu đường và các thứ khác có liên quan. Xe em thuê là loại phổ thông, giá rẻ, hãng Opel nên cũng không cao. Nếu các bác thuê VW, Audi, BMW hay Mercedes thì tất nhiên sẽ đắt hơn. Tuỳ nhu cầu mà tính thôi.

Nhìn chung chi phí thuê xe ở châu Âu, nếu chọn xe phổ thông thì cũng chỉ đắt hơn Việt Nam chút đỉnh. Nhưng vì được trả ở khác điểm thuê nên thuận tiện hơn nhiều.

View attachment 1812727
Vì giá thuê xe ở Thuỵ Sĩ quá đắt nên em ngồi tàu từ Geneva qua Lorrach, Đức để thuê xe cho tiết kiệm hơn.

Đợt em đi thì em phải bắt tàu lửa từ Thuỵ Sĩ qua Đức để thuê xe. Vì nếu thuê ở Thuỵ Sĩ thì giá đắt hơn gần 3 lần so với thuê ở Đức, dù cùng loại xe. Lý do là chi phí ở Thuỵ Sĩ cao hơn Đức rất nhiều. Từ Thuỵ Sĩ chỉ cần bắt tàu lửa ra thành phố giáp biên với Đức là có thể thuê xe rẻ hơn rồi.

5. Luật giao thông và các quy tắc khi lái xe ở châu Âu

Tốt nhất các bác nên dành chút thời gian trước chuyến đi để tìm hiểu về luật giao thông và một số quy tắc đặc biệt ở các quốc gia mà các bác dự định sẽ lái xe. Về cơ bản thì luật giao thông, các loại biển báo đều tương đồng nhau; chỉ có một số khác biệt nhỏ. Nhưng chính những khác biệt đó sẽ có thể khiến các bác bối rối nếu không tìm hiểu trước.

View attachment 1812698

Trên cao tốc ở các nước châu Âu thì lane ngoài cùng bên trái (đối với những nước lái xe bên phải giống Việt Nam) là chỉ để vượt, không được giữ lane. Sau khi vượt xong thì phải vào lane trong, nếu không vào thì có thể bị cảnh sát giữ lại hoặc xui thì có thằng nó báo cảnh sát hoặc bị phạt nguội. Trên Autobahn của Đức, có những đoạn cho chạy thoải mái, không hạn chế tốc độ thì nhiều xe chạy trên mức 200 km/h. Vậy nên lane ngoài cùng bên trái lúc nào cũng để dành vượt hoặc cho những xe chạy quá nhanh như vậy. Em chạy cỡ 180-190 km/h mà bọn đó cũng vượt ầm ầm. Bác nào mới qua mà chạy chưa quen tốc độ cao chắc cũng khớp chứ không đùa đâu.

Tuy nhiên chạy cao tốc lại đơn giản hơn chạy trong đường nội thị rất nhiều. Lên cao tốc thì cứ đúng lane mà chạy, đúng tốc độ theo biển báo mà chạy. Còn vô nội thị thì có đèn xanh, đèn đỏ, làn quẹo trái, quẹo phải, đi thẳng, nhường đường cho người đi bộ, xe điện hay vòng xuyến,… Đặc biệt cũng có những biển báo khu dân cư, hạn chế tốc độ 50 km/h hoặc thấp hơn tuỳ theo có biển báo hay không. Các bác lưu ý cái này nếu không dễ bị bắn tốc độ. Ở trên cao tốc thì khi bắn tốc độ sẽ có biển thông báo trước. Còn trong nội thị hình như không có, em có để ý nhưng chưa thấy.

Trong vòng xuyến thì tuỳ quốc gia sẽ có quy tắc khác nhau. Ví dụ ở Đức thì nhường trái hoặc theo luồng xe; còn ở một số nước khác thì thằng nào vô trước là được đi trước. Nói chung phải tìm hiểu trước khi đi và sẽ có thêm kinh nghiệm thực tế lúc chạy trên đường. Từ từ sẽ quen thôi.

Lúc chạy ở châu Âu em có bị bấm còi 3 lần. Chủ yếu là do mình lơ ngơ, phân vân khi qua giao lộ và vòng xuyến. Cái này phải chấp nhận thôi vì do chưa quen. Mà bọn bên đó nó chạy nhanh lắm khi qua giao lộ hoặc vòng xuyến. Nó cứ đúng luật nó chạy nên mình lơ ngơ là dễ cản đường nó. Khi nó bấm còi là nó có ý “chửi” mình chứ bình thường chả ai bấm còi. Mà cũng kệ tía nó đi, vì nếu nó qua nước mình chạy xe thì có khi còn lơ ngơ hơn, hoặc thậm chí không dám cầm vô-lăng.

Nhìn chung, việc lái xe ở các nước phát triển dễ hơn lái ở Việt Nam chúng ta nhiều. Cứ tuân thủ luật và bình tĩnh là xong hết. Cứ tự tin là đã có thẻ tín dụng “giữ cọc” rồi. Cùng lắm về nhà nó trừ tiền hoặc gửi giấy về thôi.

6. Phí cầu đường và đậu xe

Cái này cũng cần lưu ý vì mỗi nước mỗi khác. Ở Đức thì miễn phí toàn bộ cầu đường, chả thu cái gì. Nhưng nếu lái qua Thuỵ Sĩ, Pháp, Áo thì đều phải mua vé cầu đường (Vignette). Giá thì Thuỵ Sĩ là đắt nhất, em nhớ hình như là 40 Euro. Pháp với Áo thì rẻ hơn, chừng 10 Euro. Cái này nếu không mua thì sẽ bị phạt nên các bác nhớ tìm hiểu trước để mua nhé.

View attachment 1812729
Mua cái Vignette dán lên kính lái nhé các bác, không mua là dễ bị phạt lắm.

Thông thường Vignette có bán tại những chỗ dừng chân bên cao tốc khi vừa qua biên giới. Lúc chạy xe qua biên giới giữa 2 nước thì các bác lưu ý và ghé vào hỏi mua. Đa số đều sẽ có bán. Ngoài ra ở châu Âu thì có một số ngôi làng cổ thu phí xe chạy vào, nếu không mua cũng bị phạt luôn.

Tiền phí đậu xe cũng tốn kha khá đấy. Trung bình bọn em mất khoảng 20 Euro/ngày cho chuyện đậu xe vì hay đi vào trung tâm các thành phố để chơi. Các bác lưu ý là có những chỗ đậu xe tính theo giờ. Ví dụ nó chỉ cho đậu 2 giờ và trả tiền trước 2 giờ đó. Nếu muốn đậu thêm thì các bác phải tìm chỗ khác hoặc trả tiền thêm. Ngoài ra một số khách sạn sẽ không có chỗ đậu xe miễn phí và thu chừng 30 Euro/đêm. Lúc đặt phòng khách sạn, các bác nhớ kiểm tra vụ này để đỡ tốn chi phí. Có lúc bọn em đậu xe ngoài đường luôn để đỡ tốn mấy chục Euro. Nhưng ở châu Âu thì cũng có khu vực an ninh không được tốt lắm. Tốt nhất là cứ mang tất cả đồ đạc trên xe vào trong khách sạn, đừng để sơ hở mấy thứ có giá trị, dễ bị đập kính và chôm mất. Lúc đó lại phải tốn tiền đền kính cho hãng cho thuê xe nữa.

7. Hệ thống dẫn đường (GPS)

Lái xe ở châu Âu mà không có hệ thống dẫn đường (GPS) là xong luôn, mù tịt, không biết đường nào mà đi. Có xe sẽ được trang bị sẵn hệ thống GPS, có xe thì phải thuê thêm. Giải pháp của bọn em là mua SIM điện thoại có 3G-4G và dùng Google Maps hoặc Apple Maps để dẫn đường. Khi mua SIM các bác nhớ chọn loại có roaming giữa các nước châu Âu. Hình như hiện tại hầu hết các quốc gia ở châu Âu đã roaming dữ liệu rồi. Ngoài ra thì nhớ chọn loại SIM nếu hết tốc độ cao thì vẫn còn tốc độ chậm nhé, chứ tịt luôn thì dẫn đường cũng toi luôn. Giải pháp khác là tải bản đồ offline của Google Maps hoặc HERE để phòng trường hợp mất kết nối dữ liệu. Cứ phòng ngừa cho chắc.

View attachment 1812733
Em xài Apple Maps thông qua kết nối Apple CarPlay xuất lên màn hình của xe. Rất ổn!

Theo kinh nghiệm của em thì ở châu Âu xài Apple Maps đã hơn Google Maps. Em thấy Apple Maps thông minh hơn, chỉ đúng hơn, và giao diện đẹp hơn. Ở những con đường có nhiều lane, 5-6 lane trở lên thì Apple Maps sẽ chỉ luôn là phải đi lane nào, đỡ bị phân vân.

8. Tuyệt đối không uống rượu bia và lái xe

Ở châu Âu thì việc uống rượu bia và lái xe là cực kỳ nghiêm trọng. Tốt nhất là đừng vi phạm. Nếu vi phạm là rắc rối to. Em chưa bị nên không rõ sẽ rắc rối ở mức nào nhưng hầu như tất cả người dân ở châu Âu hay các nước phát triển đều rất sợ việc này. Vì vậy để chuyến đi chơi được vui vẻ hơn, đừng uống rượu bia rồi lái xe.

View attachment 1812695
Bia ở châu Âu ngon tuyệt nhưng mà nếu đã xác định lái xe thì đừng uống, dù chỉ một ly.

9. Đổ xăng/dầu

Ở châu Âu thì tài xế phải tự vào đổ xăng/dầu chứ hầu như em không thấy trạm xăng/dầu nào có nhân viên đổ như ở Việt Nam. Các bác tự đổ xăng, trả tiền bằng thẻ tín dụng hoặc tiền mặt. Thông thường đa số các trạm xăng đều cho trả qua thẻ. Có thể đổ trước và trả sau hoặc mua trước rồi đổ sau. Nếu không trả được bằng thẻ thì có thể trả tiền mặt nếu trạm xăng/dầu có một cửa hàng nhỏ có người trực. Nên đổ xăng khi quãng đường đi được còn chừng 100 km, đừng để cạn quá để khỏi gặp rắc rối. Cẩn tắc vô áy náy.

View attachment 1812701
Đổ xăng/dầu cũng là thứ thú vị, phải thử vài lần mới quen được. Ở Việt Nam cứ hô to "đầy bình" là xong!

10. Lái xe an toàn

Lái xe an toàn để chuyến đi được suôn sẻ và vui vẻ. Tốc độ di chuyển trên cao tốc ở các nước châu Âu là rất cao và mật độ xe dày đặc. Nếu xảy ra tai nạn trên cao tốc rất dễ bị tai nạn liên hoàn, cực kỳ nguy hiểm. Vì thế cố gắng lái xe nghiêm túc và cẩn thận. Đừng chủ quan! Mùa Đông ở châu Âu trời lạnh và hay có tuyết rơi, đường rất trơn trượt nên cũng cần chú ý và cẩn thận. Nếu được thì thuê loại xe có hệ thống dẫn động 2 cầu và trang bị lốp mùa Đông. Lúc chạy cần cẩn thận hơn so với bình thường một chút.

View attachment 1812699
Lái xe an toàn nhé các bác!

----------------------------------------------------------------------

Trên đây là một số kinh nghiệm mà em góp nhặt được sau chuyến lái xe ở châu Âu. Rất mong các bác góp ý thêm để những ai có dự định lái xe ở châu Âu sẽ có được các thông tin cần thiết. Các bác có thắc mắc nào khác thì cứ post lên để mọi người cùng thảo luận nhé. Chúc các bác có những chuyến lái xe du lịch trời Âu vui vẻ. Tự lái xe sẽ có thể đến được nhiều nơi thú vị hơn. Phong cảnh ở châu Âu vào mùa Thu, mùa Đông hay mùa nào khác cũng đều có những cái đẹp rất riêng. Cực kỳ ấn tượng!

Một số hình ảnh khác của chuyến đi:

View attachment 1812692
Lúc thuê khách sạn nhớ hỏi chỗ đậu xe có tính phí hay không nhé các bác. Nếu không miễn phí thì tốn kha khá tiền đấy, có khi bằng cả ngày thuê xe.


View attachment 1812702
Bọn em chạy chiếc Opel Corsa, số tự động, có hỗ trợ Apple CarPlay. Xe nhỏ nên chạy cỡ 160 km/h là rần rần rồi. Nếu thích chạy tốc độ cao hơn thì các bác thử thêm BMW hay Mercedes, Porsche nhé.


View attachment 1812731
Đổ xăng trên đường đi. Tự xử hết nhé các bác!


View attachment 1812728
Cửa hàng ở trạm xăng, có thể mua cà phê, đi toilet, mua thức ăn,...


View attachment 1812730
Xe nông nghiệp thôi mà, có cần phải ngầu vậy không?


View attachment 1812697
Mùa Đông ở châu Âu lạnh và có tuyết rơi, rất đẹp nhưng lại nguy hiểm, trơn trượt.


View attachment 1812732
Chưa kể sáng ra còn phải quét tuyết dưới cái lạnh cóng tay cóng chân.


View attachment 1812694
Hai thằng đi cùng nhau hơn 1.600 km qua Đức, Áo, Thuỵ Sĩ, Pháp,...


View attachment 1812726Và tự sướng với chiếc xe một tấm để làm kỷ niệm. :D
Hay quá bác!
Kinh nghiệm thuê phòng như thế nào bác?
Có cần book trc hay dừng đâu thuê đó?
Lên plan có cần thật chi tiết k hay sao?
 
Hạng B2
18/4/16
204
151
58
32
Em thích nhất khoản 8. Tuyệt đối không rượu bia. Việt Nam mà sợ vậy thì tốt quá, ra đường giờ nhiều thằng ngáo lắm
 
Hạng F
29/10/16
11.583
22.220
113
Pháp
Nhất là đừng điển vào chổ trống, để warning, lấn đường vô tội vạ .... và nhất là trái tim nóng, và đầu lạnh, cứ việc khác với VN là OK ...KKK
 
Hạng C
8/10/17
684
2.179
93
Hay quá bác!
Kinh nghiệm thuê phòng như thế nào bác?
Có cần book trc hay dừng đâu thuê đó?
Lên plan có cần thật chi tiết k hay sao?
Bọn em chơi Airbnb và vì chỉ có 2 thằng nên ko nặng nề vụ phòng ốc, nhiều khi đi gần tới nơi mới book phòng. Đi cuối mùa Đông nên phòng ốc cũng thoải mái, giá ko quá đắt. Cái cần là có chỗ đậu xe free và WiFi để làm việc.

Nếu bác đi với gia đình thì nên lên lịch trình chi tiết và đặt phòng trước nhé.
 
Hạng C
8/10/17
684
2.179
93
@ThinhLe có thể nói rỏ hơn về việc phải trả phí cầu đường được không ?
Vì dụ:

1. Khi vào cao tốc mới mua hay có trạm thu phí mới mua như ở VN ? hay thu phí theo ngày cả quốc gia ?
2. Quầy thu phí tự động hay có người ?
3. Thu bằng thẻ hay tiền mặt ?

Cám ơn nhiều.
Phải mua ngay sau khi vào cao tốc của nước đó nhé bác. Chạy vào sâu quá sợ bị chụp ảnh và phạt nguội. Em ko thấy trạm thu phí trên đường trong suốt hành trình.
 
O2 confirmed
Hạng B1
5/9/06
85
452
53
@ThinhLe có thể nói rỏ hơn về việc phải trả phí cầu đường được không ?
Vì dụ:

1. Khi vào cao tốc mới mua hay có trạm thu phí mới mua như ở VN ? hay thu phí theo ngày cả quốc gia ?
2. Quầy thu phí tự động hay có người ?
3. Thu bằng thẻ hay tiền mặt ?

Cám ơn nhiều.
Em đã đi qua vài chỗ:
Pháp & Ý: Lấy vé trước khi vào cao tốc, ra khỏi cao tốc mới trả tiền. (Có vài chỗ chỉ chấp nhận thẻ)
Đức, Hà Lan, Bỉ: miễn phí.
Czech: 18EU cho 10 ngày - vé thấp nhất(hay 30 ngày gì đó em quên). Trả bằng tiền Czech hoặc thẻ
Áo: 9EU cho 10 ngày vé thấp nhất.
Áo & Czech mua ngay tại cây xăng hoặc trạm dừng chân ở biên giới.
Thụy sỹ: 40EU phí cao tốc cho 1 năm.
Pháp, Ý, Thụy Sỹ nếu không đi cao tốc thì không cần trả phí
 
  • Like
Reactions: lanviet
O2 confirmed
Hạng B1
5/9/06
85
452
53
Thu phí cao tốc (Pháp & Ý) đa số là tự động. Khi vào ấn nút lấy vé -tương tự vào sân bay Tân Sơn nhất. Khi ra, bỏ vé vào 1 cái khe (có sáng đèn nhấp nháy) sau khi hiện số tiền thì bỏ tiền mặt hoặc thẻ tín dụng vào khe tương ứng riêng biệt cho từng loại thanh toán. Có chỗ bỏ tiền xu riêng