Chuyên
16/6/22
572
482
63
Kết thúc phiên 20/7, có 25/27 mã ngân hàng tăng giá với PGB tiếp tục kịch trần, dư mua hàng trăm nghìn đơn vị. Thanh khoản toàn ngành cũng tăng mạnh với SHB đứng đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh.
Cổ phiếu ngân hàng xanh bát ngát, một mã tăng gần 30% sau hai phiên

Ghi nhận tại thời điểm 9h30, ngoại trừ EIB, tất cả cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên sàn HoSE đều tăng giá. Trong đó, VIB mở cửa tăng 2,9% sau khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh quý II với ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Cùng với VIB thì SHB, CTG cũng bật tăng trên 2% ngay trong phiên sáng.

HDB của HDBank cũng xanh 1,5% sau khi thông báo lợi nhuận nửa đầu năm vượt kế hoạch. Theo đó, mảng dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao, với thu nhập thuần ước đạt gấp hai cùng kỳ năm trước, góp phần đưa tổng thu nhập hoạt động, lợi nhuận cùng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động đạt mức cao và vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm.

Hết quý 2, tăng trưởng huy động HDBank đạt trên 11% so với 31-12-2021, gấp hơn 2 lần bình quân toàn ngành; tín dụng tăng trên 14% với động lực đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính: bán lẻ, SME và tài chính tiêu dùng; tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%, mức thấp so với ngành; tác tỉ lệ an toàn khác được đảm bảo.

BID của BIDV cũng thể hiện phong độ tốt khi "xanh'' hơn 1% ngay trong đầu phiên sáng qua đó củng cố ''trend'' tăng giá bắt đầu từ trung tuần tháng 6. Tính chung từ phiên 21/6 đến nay, cổ phiếu này đã tăng gần 22%.

Theo ước tính của chứng khoán SSI, lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2022 của BIDV có thể đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ cải thiện, với nợ xấu ổn định và các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 giảm mạnh.

OCB được khối ngoại mua dòng mạnh nhất sáng nay với gần 60.000 đơn vị. Lực mua áp đảo cùng với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giúp cổ phiếu này liên tục giữ vững mức tăng trên 1% trong hầu hết thời gian giao dịch buổi sáng.

Hiện OCB đang khóa ''room'' ngoại tại mức 22% và khối ngoại chỉ được sở hữu thêm gần 4,3 triệu cổ phiếu. Được biết, OCB là một trong những cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại ưa thích khi tỷ lệ sở hữu liên tục tiệm cận mức tối đa.

Ngoài những mã trên HoSE, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên UPCoM và HNX thậm chí còn tăng mạnh hơn khi đồng loạt dậy sóng ngay đầu phiên.

Cụ thể, PGB của PGBank tiếp tục kịch trần 15% với khối lượng dư mua hàng trăm nghìn đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này với tổng tỷ suất sinh lời lên tới gần 30%. Liên quan đến cổ phiếu này, trong ngày 19/7, PG Bank đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của cổ đông lớn Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) tại PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Hiện tập đoàn này sở hữu 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần của PG Bank.

Bên cạnh PGB, những mã tăng giá mạnh nhất đầu phiên sáng đều thuộc nhóm ngân hàng nhỏ như KLB (+4,3%), BAB (+2,4%), SGB (+2,3%),…

Không có cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong phiên 20/7

Nối tiếp đà hưng phấn từ phiên sáng, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì được sắc xanh trong buổi chiều với 25/27 mã đóng cửa tăng giá.

Trong đó, PGB của PG Bank kết phiên tại giá trần với gần 293.000 cổ phiếu được sang tay - mức thanh khoản cao nhất kể từ giữa tháng 4. Đóng cửa, PGB vẫn còn dư mua hơn 232.000 cổ phiếu tại giá trần 23.100 đồng.

Ngoài PGB, một loạt mã ngân hàng cũng tăng trên 2% như TPB (+4,8%), KLB (+3,4%), ABB (+2,9%), VIB, SGB, MSB (+2,3%). Trong khi đó, chỉ có 2 mã kết phiên tại giá tham chiếu là NVB và VBB.

Cùng với giá, thanh khoản nhóm ngân hàng cũng tăng mạnh trong phiên hôm nay. Theo đó, SHB dẫn đầu toàn ngành với hơn 17 triệu đơn vị được giao dịch khớp lệnh trực tiếp. Đứng kế sau lần lượt là STB (11,2 triệu đơn vị), VPB (9,7 triệu đơn vị), MBB (6,9 triệu đơn vị),...

Những phiên gần đây, cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tích cực hơn thị trường chung khi giới đầu tư kỳ vọng NHNN sẽ sớm nới room tín dụng.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế ''room'' tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.

Xem thêm: