Tập Lái
28/7/18
0
0
0
32
Doanh nghiệp chậm tổ chức đại hội: Cổ đông có thể khiếu kiện
(TBTCO) - Với những doanh nghiệp (DN) vi phạm quy định về thời hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018, cổ đông có thể kiện nếu vi phạm này xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
ckk.jpg

Việc doanh nghiệp chậm tổ chức ĐHCĐ sẽ gây thiệt thòi cho những cổ đông. Ảnh: T.L
Chậm ĐHCĐ, lý do khó thuyết phục
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của hội đồng quản trị (HĐQT), cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính... Điều này có nghĩa là với mùa ĐHCĐ năm nay, ngày 30/6 là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp phải họp ĐHCĐ thường niên năm 2018. Thế nhưng, có những doanh nghiệp niêm yết lại chậm trễ lùi thời hạn tổ chức ĐHCĐ vào tháng 8/2018, tháng 9/2018.
Điều này đồng nghĩa với việc quá nửa chặng đường hoạt động một năm, doanh nghiệp mới trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm, cũng như chiến lược hoạt động của công ty. Có một số công ty thường có truyền thống tổ chức ĐHCĐ rất muộn, mà lý do thì lại không thuyết phục. Ví dụ như JVC năm ngoái tổ chức ĐHCĐ vào 31/8/2017 và năm nay chưa thấy chốt danh sách ĐHCĐ.
Công ty Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (mã Ck: KSA) cũng vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh nhắc nhở về việc chậm tổ chức ĐHCĐ. Sau khi bị nhắc nhở, KSA thông báo sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên vào tháng 8/2018, với lý do việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2018 chưa hoàn tất.
Điều này khiến dư luận có thể đặt dấu hỏi về mức độ tôn trọng cổ đông và mức độ tuân thủ pháp luật của ban lãnh đạo công ty, đặt dấu hỏi về mức độ minh bạch của công ty. ĐHCĐ là dịp đặc biệt để các cổ đông có thể gặp gỡ ban lãnh đạo công ty, chất vấn và trao đổi ý kiến, cũng như thu thập thông tin về doanh nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên, một cổ đông của Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật (mã Ck: JVC) cho biết: “Việc tổ chức ĐHCĐ thường niên tổ chức muộn sẽ khiến cổ đông bên ngoài mù mờ về thông tin hoạt động của DN. Dựa trên lợi thế về tiếp cận thông tin, một số cổ đông nội bộ có lợi thế về thông tin có thể mua, bán cổ phiếu trước khi họp ĐHCĐ. Chậm tổ chức đại hội cũng có thể nhằm tạo cơ hội cho cổ đông nội bộ “gom hàng” nếu DN làm ăn tốt hoặc “tháo chạy” trước tình hình khó khăn của DN. Cổ đông nội bộ là những “ông chủ” đặc biệt, hiểu rõ sức khỏe của DN trong khi các cổ đông bên ngoài chỉ có thể tiếp nhận thông tin qua các báo cáo được công bố”.
“Một việc quan trọng của ĐHCĐ là thông qua kết quả năm cũ và thông qua kế hoạch kinh doanh năm mới. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại đã là quý III mà vẫn chưa thông qua kết quả 2017 và kế hoạch năm 2018, thì việc thông qua kế hoạch chỉ còn ý nghĩa hình thức và cổ đông bên ngoài là người phải chịu thiệt. Việc đến cuối năm ĐHCĐ mới thông qua kế hoạch kinh doanh của năm đó là bất hợp lý” - cổ đông này chia sẻ thêm.
ĐHCĐ tổ chức càng muộn thì nhà đầu tư càng chậm tiếp cận với những thông tin quan trọng. Đây là một sự thiệt thòi vì thông tin đã bị "nguội", trong khi cổ đông nội bộ lại biết kế hoạch từ đầu năm 2018 thì chênh lệch độ trễ về thông tin giữa cổ đông bên ngoài và cổ đông nội bộ là quá lớn.
Một hậu quả pháp lý nữa là khi DN tổ chức ĐHCĐ muộn có thể sai luật và bị xử phạt hành chính. Khi ấy tiền phạt không lấy từ túi của HĐQT mà lại lấy từ túi công ty, tức là lấy từ cổ đông mặc dù không phải là lỗi của cổ đông.
Chế tài còn quá nhẹ
Theo quy định, với các doanh nghiệp niêm yết được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp phép hoạt động, thẩm quyền quyết định gia hạn tổ chức ĐHCĐ cho doanh nghiệp là cơ quan đăng ký kinh doanh. Nếu doanh nghiệp vi phạm thì sẽ bị xử phạt.

Trao đổi phóng viên, luật sư Nguyễn Văn An - Trưởng Văn phòng luật sư Huy An cho rằng, căn cứ vào quy định của Luật Doanh nghiệp, những doanh nghiệp có năm tài chính từ ngày 1/1 - 31/12 hàng năm, thì thời gian tổ chức ĐHCĐ vào tháng 7, tháng 8 trong năm là vi phạm luật. Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt quá nhẹ đang là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không ngại vi phạm về thời hạn họp ĐHCĐ.

Theo quy định tại Nghị định 50/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, doanh nghiệp không tiến hành họp ĐHCĐ thường niên trong thời hạn quy định, thì bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

“Trong bối cảnh chế tài xử phạt doanh nghiệp không đủ sức răn đe, khi nhận thấy việc doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ muộn mà xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của mình, cổ đông, nhà đầu tư có quyền khiếu nại, kiến nghị và thậm chí khởi kiện đến cơ quan quản lý để giám sát việc các công ty hoãn, chậm tổ chức đại hội” - luật sư An chia sẻ./.

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pa...-dai-hoi-co-dong-co-the-khieu-kien-60282.aspx