Nhiều hãng xe đang dần phổ cập hệ thống âm thanh cao cấp như một tùy chọn độc lập hoặc là tiêu chuẩn trên các phiên bản cao cấp hơn. Tuy nhiên anh em có sẵn sàng chi thêm tiền để có dàn âm thanh “xịn” hơn?
Xu hướng trang bị những dàn âm thanh “khủng” với hàng chục chiếc loa trải đều khắp cabin đã nở rộ trên thế giới những năm qua. Một số dòng xe và phiên bản có đến hơn 30 loa trong khoang lái, như Cadillac Escalade 2025 có đến 40 loa, đứng đầu trong Top 19 dòng xe có phiên bản tiêu chuẩn trang bị âm thanh tốt nhất.
Xu hướng này phát triển nối tiếp sau khi các hãng xe “chạy” đua chán chê với việc nâng cấp kích thước và số lượng màn hình giải trí. Tuy nhiên, sức hút từ trang bị dàn âm thanh cao cấp được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tiếp theo. Thậm chí sức hút trên còn khiến các nhà cung cấp dàn âm thanh Home Audio phải đỏ mặt khi các hãng xe đang cố gắng nhồi nhét số lượng loa vào khoang cabin xe hơi.
Trên Cadillac Escalade 2025 thậm chí cung cấp đến 3 tùy chọn âm thanh khác nhau bao gồm hệ thống âm thanh AKG Studio Audio 19 loa là tiêu chuẩn, cao cấp hơn là hệ thống loa AKG Studio Reference 36 loa, trong khi cao cấp nhất là hệ thống âm thanh 40 loa đi kèm với gói nâng cấp Executive Second Row. Ở bản cao nhất, hành khách ngồi hàng ghế thứ sau có thêm loa gắn ngay trên tựa đầu, mang lại trải nghiệm sống động nhất.
Tại Mỹ, Mercedes-Benz cũng không kém cạnh khi trang bị cho phiên bản E 350 hệ thống âm thanh vòm Burmester 17 loa trị giá tới 1.030 USD (26,3 triệu đồng). Thậm chí cả Ford Mustang cũng cung cấp tùy chọn 6, 9 và 12 loa. Trong đó, bộ âm thanh 12 loa sẽ được cung cấp bởi thương hiệu Bang & Olufsen.
Bên cạnh các nhà sản xuất “khoe khoang” về số lượng loa, một số hãng xe lại đề cao chất lượng âm thanh từ các dàn loa hàng hiệu của mình. Ví dụ trường hợp của Nissan với phiên bản Armada Platinum Reserve trang bị dàn âm thanh Klipsch 12 loa. Và dù số lượng khiêm tốn nhưng hãng xe Nhật Bản quảng bá mất từ 2 đến 3 năm để phát triển, căn chỉnh tối ưu cho hệ thống này.
Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang diễn ra ngày một rõ ràng hơn. Nhiều năm trước đây, chỉ trong phân khúc xe hạng sang, các nhà sản xuất tìm cách thu hút khách hàng khi trang bị các dòng loa cao cấp trên những dòng xe của mình. Một số thương hiệu phổ biến như Bowers & Wilkins, Mark Levinson, Burmester…
Hiện tại, các hãng xe phổ thông tại Việt Nam cũng bắt đầu cạnh tranh ở khía cạnh này. Đi đầu là các hãng xe Nhật Bản như Mazda trang bị hệ thống âm thanh Bose, Toyota hợp tác với JBL. Tiếp theo là các hãng xe Hàn Quốc cũng với hệ thống âm thanh Bose. Gần đây nhất, Mitsubishi hợp tác với Yamaha để thiết kế dàn âm thanh cho mẫu Xforce.
Điều này đưa đến câu hỏi, liệu hệ thống âm thanh cao cấp có là yếu tố quyết định đến lựa chọn của khách hàng khi mua xe? Đây là câu hỏi đơn giản khi so sánh giữa các phiên bản trong cùng 1 mẫu xe. Một hệ thống âm thanh 4 hoặc 6 loa không thể cạnh tranh với một dàn âm thanh 9 – 10 loa, chưa kể có hẳn là sub-woofer chuyên cho dải trầm và siêu trầm. Tuy nhiên nếu so sánh trong cùng phân khúc, ranh giới này cũng sẽ khó phân biệt rạch ròi.
Cũng giống như rượu vang, có một vài lựa chọn khá ổn dưới 20 đô la nhưng người mua biết mình sẽ nhận được gì. Nâng cấp lên mức giá cao hơn sẽ mang lại cho bạn kết quả tốt hơn nhưng nếu bạn tăng giá cao hơn nữa, liệu có sự thay đổi tương xứng về chất lượng không?
Với tất cả những điều trên, anh em có phải là kiểu người chi thêm tiền cho một hệ thống âm thanh cao cấp hay tất cả chỉ là chiêu trò tiếp thị? Một số người thích nghe nhạc khi lái xe và không thể thiếu dàn âm thanh chất lượng, trong khi những người khác thì không quan tâm, miễn có thể nghe nhạc là được.
>>Xem thêm
Các bác nghĩ sao khi các nhà sản xuất ô tô ngày càng quan tâm hơn về lĩnh vực âm thanh xe hơi?