Vài ngày hôm nay trên các thành phố lớn như Hà Nội và TPHMC đang bùng nổ chuyện kẹt xe. Vâng điều gì đến nó ắt sẽ đến.
(ảnh VNexpress.net)
Xã hội phát triển và lưu lượng giao thông tăng cao là nhu cầu tất yếu, điều này không thể dùng biện pháp này kia để cưỡng chế được. Muốn thế nhà nước cần có những phương án cụ thể và thiết thực để đáp ứng nhu cầu của xã hội chứ không phải ngồi nghĩ các biện pháp ngăn chặn.
Những biện pháp ngăn chặn chỉ là hình thức
đẩy cái trách nhiệm kia xuống cho người tham gia giao thông. Chính vì những cái văn hóa mang tính ngăn chặn và cấm đoán đó mà Việt nam hiện nay đang đứng đằng sau các nước trong khu vực cả trăm năm...và còn xa hơn nữa vì
nhiều cái sai nay đã trở thành cái không thể sửa.
Bài toán về lưu thông là bài toán vĩ mô, cần có sự tham gia của rất nhiều thành phần chứ không đổ đầu hết lên ngành xây dựng hoặc giao thông công chánh. Muốn biết tại sao gây ra tình trạng kẹt xe thì phải đi tìm hiểu nguyên nhân chứ không phải ngồi phòng lạnh xem mấy con số thống kê về đăng ký xe mà phán bừa. Chúng ta có chi bao nhiêu tiền cũng không thể đưa ra được giải pháp tối ưu khi mà cái gốc rễ của vấn đề không được giải quyết
Một quy tắc bất di bất dịch là:
Người dân cần di chuyển ==> cần phương tiện, nếu không có phương tiện công cộng không tốt, nếu xe máy bán rẻ tràn lan, họ sẽ mua xe máy ===> kẹt xe tắc đường là điều không thể tránh. Ta không thể cấm người dân đi lại được, ta cũng không thể cấm người dân không mua xe máy được trong khi ta cứ hô hào và tạo điều kiện cho ngành sản xuất xe máy. Vậy xem ra chỉ còn có giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường xá...vv
Nâng cấp đừơng cũng chưa thể là giải pháp tốt nếu như lượng người vẫn tiếp tục gia tăng...vậy ta cần bố trí các khu hành chính, khu công nghiệp sao cho hợp lý để phần đông số người tham gia giao thông sẽ "giãn biên"
Chúng ta đôi khi chỉ nói, nhưng chưa có ai, hoặc cơ quan nào tính được việc giao thông ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của xã hội. Tôi chỉ sơ sơ ra mấy vấn đề mà ta có thể nhìn thấy ngay
- Làm chậm tiến độ trên mọi lĩnh vực
- Chí phí vận chuyển, xăng dầu cao dẫn đến chi phí sản xuất cao
- Nhu cầu về nhiên liệu tăng cao
- Ảnh hưởng tới thời gian làm việc của toàn xã hội
- Ô nhiễm môi trường, phát sinh một số bệnh về hô hấp
- Ảnh hưởng tới du lịch
- Ảnh hưởng tới sự hấp dẫn trong giới đầu tư
Theo tôi những nghịch lý sau cần được giải quyết triệt để
1. Khái niệm thế nào là
kẹt xe phải được thống nhất. Rất vô tình hay vì một sự cảm nhận chật chội, chúng ta coi hiện tượng kẹt xe là
khi mà lượng xe trên đường dầy đặc không thể đi được mới là kẹt xe như thế chưa đủ.
Kẹt xe phải là hiện tượng mà các xe không thể lưu thông với vận tốt tối thiểu cho phép. Chỉ khi nào người ta chấp nhận đúng ý nghĩa cái khái niệm trên thì mọi hành động mới thực sự được xem xét nghiêm túc.
2. Di dời hoặc tổ chức lại các khu chợ. Hiện nay lượng người trên các thành phố quá cao mà lượng siêu thị hoặc chợ thực phẩm thì quá ít dẫn đến tình trạng ùn tắc do người dân cần đi mua nhu yếu phẩm.
3. Di dời trường học, bệnh viện ra vùng biên. Tại sao khi mua nhà ai cũng muốn mua gần trường học, bệnh viện? vậy nếu chúng ta di dời được trường học, bệnh viện ra vùng biên thì chúng ta làm được 2 việc 1 lúc. Một là tự tạo sức hút cho người dân giãn dần ra ngoại thành. Hai là giảm được đáng kể lượng người đến trường, đến bệnh viện từ ngoại thành hoặc các vùng phụ cận. Một ví dụ là người ta đang lớn tiếng đòi biến công viên Thống nhất thành khu vui chơi giải trí. Vậy bao nhiêu người sẽ đến đây?. Đường xá hiện tại có kham nổi hay không? Các tuyến đường quanh công viên hàng ngày vẫn đang kẹt cứng....thế mà còn làm tăng mật độ giao thông lên nữa thì sao nhỉ??? Những gì sẽ ảnh hưởng sau đó thì hình như chẳng ai muốn nhắc tới.....
4. Quy định tối thiểu khỏang không và bãi đậu xe cho những khu trung tâm thương mại, hành chánh, nhà hàng, khách sạn. Do nhu cầu khách hàng tới những nơi này luôn cao, vậy ngừơi ta đến bằng gì? bằng xe à, vậy để xe ở đâu??? Tại sao khi cấp giấy phép hoặt động hoặc cấp giấy phép xây dựng cho những công trình thế này ta không kiểm tra và thẩm định luôn xem có đủ điều kiện về bải đỗ xe hay không??? Mỗi ngày có hàng trăm giấy phép mở nhà hàng, khách sạn, vậy có ai để ý đến việc người ta để xe ở đâu không??? hay là người ta chỉ tính đến chuyện thu được tiền lệ phí cấp phép để lấy thành tích mà đẩy cái vướng mắc về xe cộ, giao thông cho xã hội?
5. Quy họach các khu đô thị mới, hãy quy hoạch thật nhiều khu đô thị mới, làm thật nhanh, đồng bộ. Điều này sẽ giãn được dân ra. Hơn nữa việc quy họach thật nhanh và đồng bộ sẽ kéo giá đất xuống và tạo động lực và điều kiện cho nhiều người có thu nhập trung bình có điện kiện để di dời.
6. Lập lại mô hình các khu công nghiệp. Hiện nay các khu công nghiệp người ta chỉ ngắm một mục đích duy nhất là xây phân xưởng, nhà máy. Vậy ai sẽ là người làm trong các nhà máy đó? họ sẽ ở đâu? họ cần cái gì? Hàng ngày hàng trăm ngàn ngừơi tới các khu công nghiệp để làm và hết ca họ phải về....và lại kẹt xe. Sao không tổ chức xây dựng những khu nhà chung cư, siêu thị, trường học, bệnh viện ...vv để phục vụ cho công nhân ngay trong khu công nghiệp hoặc gần đó để công nhân không phải đi làm xa, gây kẹt đường.
7. Thay đổi cái "văn hóa mặt tiền". Ai cũng thích ra mặt tiền, ai cũng chen ra mặ tiền....tại sao vậy?. Vì họ có cơ hội để buôn bán, kinh doanh. Nếu chúng ta mở thêm nhiều siêu thị, trung tâm thương mại vậy họ còn buôn bán được không?. Nếu chúng ta giãn dân vợi ra ngoài thành vậy họ có còn đủ khách hàng để bán hay không? Nếu chúng ta quy định hành lang đường tối thiểu vậy có ai chèn ra sát mặt đường nữa hay không???
Đó là những điều phải làm nếu chúng ta muốn cải tạo lại bộ mặt các thành phố lớn và hệ thống giao thông.