Trước khi 888 về BDS TQ, chúng ta cùng nhìn thực tế vai trò và khả năng của TQ qua bài viết chi tiết của
GSTS Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học Laval, Québec, Canada.
link
Đáp những câu hỏi nợ bạn bè, lẽ ra chẳng phải đợi hôm nay, ngày Bức tường Bá Linh sụp đổ 20 năm trước. Dẫu sao, đây cũng là dịp đánh dấu một cuộc đổi thay toàn cầu khá ngoạn mục, trên diện ý thức hệ, rồi chính trị và kinh tế. Thay đổi này chẳng chỉ ở Đông Âu mà còn cả Châu Á. Chủ nghĩa xã hội giáo điều coi như đã vào chung cục, kể cả ở những nước mạo nhận danh nghĩa xã hội chủ nghĩa, như Trung Quốc (TQ). Dù những con mèo lông trắng và đen cứ bắt được chuột là dùng – cách nói của Đặng Tiểu Bình – đã được phát ngôn từ nhiều năm trước khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, nhưng giả như nếu sự cố này không xẩy ra, tôi chắc con đường của TQ vào tư bản chủ nghĩa bảo kê bằng những khẩu hiệu kiểu phát triển (kinh tế) trong ổn định (chính trị) sẽ bớt tính “rừng rú”. Ở thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang có hy vọng được vãn hồi, và theo giới chuyên gia, vãn hồi là nhờ những quốc gia mới nổi như Brazil, Ấn Độ và nhất là TQ, dư luận về một TQ siêu cường (thậm chí có xu thế thành đế quốc) có vẻ là một thứ phao cứu cho phép người ta giữ hy vọng tránh được những tác động tồi tệ có khả năng thay “
bước cáo chung của lịch sử’’ kiểu Fukuyama – nghĩa là, thể chế chính trị dân chủ và nền kinh tế thị trường – như giai đoạn dứt điểm của văn minh nhân loại.
1. Tại sao hệ thống XHCN sụp đổ?
Liên Xô – tức Đế quốc Xã hội – sụp đổ vì không thể cứ giữ mãi một xã hội kinh tế yếu kém (nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và trung), thu nhập bình quân thấp, thông tin bịt kín một chiều, và nắm bộ máy quân sự-chính trị bằng một thiểu số đặc quyền đặc lợi. Cuộc chạy đua võ trang với Mỹ khiến Liên Xô bó tay trong khả năng nâng cao mức sống của người dân, đào sâu những rạn nứt xã hội từ bên trong, và cho thấy một đế quốc thuần quân sự khó tồn tại mãi được. Quyết định của Gorbachev không sử dụng 3 triệu lính Xô-viết để giữ Bức tường Bá Linh, với tầm nhìn trung hạn, là không tránh được. Thật ra, từ những thập niên 60-70, giới trí thức ở những nước XHCN đã thấy khá rõ sự bất cập của thể chế chính trị độc trị cộng hưởng với một nền kinh tế chỉ huy qua những kế hoạch tập trung. Họ từng nêu lên sự cần thiết một xã hội dân sự với ít nhiều quyền tự do căn bản… Kể ra, những Sakharov, Zinoviev, Solzhenitsyn… là điển hình. Trí thức ở Ba Lan, Tiệp, Đông Đức, Hung cũng khá đông. Kornai, Havel… chẳng hạn. Bức tường Bá Linh sụp là một quá trình của Chiến tranh Lạnh, không đột phát, không tình cờ… Nói kiểu thời thượng, nó có tính cách qui luật.
2. Nếu là qui luật, tại sao vẫn còn Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba?
Tôi không nghĩ TQ và Việt Nam, trừ khía cạnh độc trị, còn cái gì có thể gọi là XHCN. Ngày xưa, XHCN đồng nghĩa chia đều cái khó, cái nghèo. Ở TQ hôm nay, nghèo khó (thậm chí tương đối là hơn xưa) được lùa lên đầu lên cổ nông dân, chiếm khoảng 70-80% dân số. Thu nhập thấp, lại mất đất vì nhà nuớc công nghiệp và đô thị hóa, nông dân nay phải bán sức lao động với giá rẻ mạt, tha phương cầu thực ở những thành phố lớn, ngày làm việc trung bình khoảng 10-12 giờ, đêm chỉ có 2-3 mét vuông để trải chiếu ngủ, và cứ cuối năm là hàng ba bốn trăm triệu người về quê ăn Tết. Dĩ nhiên, với độ tăng GDP khoảng 7-10% thập kỷ vừa qua, TQ làm lóa mắt thế giới.
Nhưng GDP là – nói cường điệu – một ảo tưởng. GDP không cho thông tin gì về sự huỷ hoại môi trường, về chỉ số an sinh xã hội (chủ yếu gồm phúc lợi đến từ y tế và giáo dục công cộng), về sự thất thoát do tham nhũng, về vấn đề phân bố lợi tức bất bình đẳng có khả năng dẫn đến khủng hoảng an ninh xã hội. Theo thống kê Liên hiệp quốc thì chỉ số Gini đo tính bất bình đẳng phân bố lợi tức ở TQ là 46.9, tức thuộc lớp những quốc gia mấp mé mức có vấn đề ở châu Phi và dăm nước châu Mỹ Latinh.
Thật ra, lợi tức trung tuyến (median income) so với lợi tức bình quân nói nhiều hơn về mức bất bình đẳng, nhưng tôi không có số liệu đáng tin cậy. Sự bất bình đẳng này, ngoài giữa chủ-thợ, không chỉ giữa nông thôn-thành thị, giữa các sắc dân (Tân Cương là một thí dụ) mà còn giữa các vùng kinh tế (ven biển-nội địa chẳng hạn). Hàng năm, số tranh chấp của nông dân về nhà đất, của công nhân về điều kiện lao động và lương bổng, tăng lên đến cả trăm ngàn vụ. Nhưng thông tin bị bịt, thật khó xác định được mức bất ổn xã hội.
Nay, xin nói về 3 nước còn lại. (lượt bỏ bớt VN)
TQ bóc lột lao động để sản và xuất công nghiệp gia dụng hạng nhẹ, đang tìm cách vươn lên công nghiệp cấp trung (xe hơi, viễn thông…). Độ phát triển kèm lời hẹn, cứ giầu lên, dù không đồng bộ, nhưng ai nấy đều có phần hưởng. Và muốn phát triển phải ổn định, nghĩa là phải phục tòng theo cung cách trung quân Khổng-Mạnh. Trung quân, vua mới là tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và khi cần, thì động viên cái gọi là lòng ái quốc, hà hơi làm sống dậy niềm tự hào Hán tộc qua những động thái biểu diễn hào nhoáng như tổ chức Thế vận Hội, phóng phi thuyền lên không gian, và rêu rao là chủ nợ số một của Mỹ. Nhà nước TQ đã cho xây khoảng 70 cái văn miếu thờ Khổng Phu tử trên thế giới, định tạo thị trường văn hóa cho chính sách ổn định để phát triển, với tầm ngắm chính là Châu Phi còn nhiều tài nguyên, nhưng ta sẽ nói chuyện này sau.
Còn lại, Bắc Hàn thì XHCN ở cái nghĩa xấu nhất, dùng khả năng làm vũ khí hạt nhân như kế sách mặc cả với thế giới, với một tổ chức chính trị rập khuôn thời phong kiến, và hẳn cũng bắt chước TQ trong nhiều khâu. Cuba là một hòn đảo quá nhỏ, tối tối vẫn nhẩy rumba, chachacha… trong tiếng nhạc xập xình mặc ai đó ban ngày bôi mỹ danh XHCN lên những mặt lộ lồi lõm ổ trâu ổ ngựa vì đã lâu không có tiền bảo quản.
Nói cho cùng, tôi chẳng thấy XHCN ở Châu Á hay bất cứ đâu. Tôi nghĩ Marx-Engels có sống dậy cũng chịu, lắc đầu, và (có lẽ) thở dài. Khi cẩn thận loại “phương thức sản xuất Châu Á” ra khỏi phân tích kinh tế-chính trị của mình, chắc là hai vị có khả năng tiên liệu khá xác đáng.