Sức nóng đã khởi phát ngay những ngày đầu năm khi hai thương hiệu ô tô của Nhật là Toyota và Honda tạm dừng xuất khẩu vào Việt Nam các dòng xe du lịch như Lexus, Fortuner, Yaris, CR-V hay dòng bán tải Hilux, ngược lại các đối thủ khác lại tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và mở rộng hệ thống phân phối. Trong tháng 1.2018, không có chiếc xe nào nhập về Việt Nam qua cảng TP.HCM.
Ngoại ngại ngần
Động thái của hai hãng xe hơi lớn của Nhật là để “phản đối” chính sách mới của Nhà nước về kinh doanh và nhập khẩu ô tô (Thông tư 03/2018 và Nghị định 116/2017) có hiệu lực từ đầu năm nay. Theo đó, Chính phủ đã đặt ra các quy định chặt chẽ hơn về thủ tục nhập khẩu, hướng đến mục tiêu tăng cường chất lượng, sự an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Dù vậy, các doanh nghiệp ngoại cho rằng những yêu cầu đó khiến cho chi phí mà họ phải chịu gia tăng thêm, làm giảm vị thế cạnh tranh rõ rệt so với các đối thủ.
“Trở ngại lớn nhất nằm ở yêu cầu xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận được chấp nhận về chủng loại (VTA) từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu. Vấn đề là mỗi cơ quan này chỉ phụ trách các quy định của quốc gia đó. Ngoài ra, một số quốc gia cũng không có cơ quan cấp VTA như Hàn Quốc nên chứng nhận VTA không thể được cấp cho các nhà nhập khẩu dòng xe nguyên chiếc lắp ráp từ các quốc gia này”, Tiến sĩ Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Duane Morris Việt Nam, nhận định.
Dĩ nhiên nếu không đáp ứng được các hàng rào kỹ thuật mới, các hãng xe chỉ chuyên xuất khẩu vào Việt Nam buộc phải ngừng cuộc chơi, nhường thị phần lại cho các đối thủ khác. Những toan tính lợi và hại là điều mà các hãng buộc phải tính toán cẩn trọng trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng, bởi dù sao Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ có tiềm năng tăng trưởng khả quan trong các năm tới...
Một yêu cầu khác cho các tất cả các nhà máy lắp ráp tại Việt Nam là phải xây dựng hệ thống đường kiểm tra cho từng chiếc CKD sản xuất, với độ dài tối thiểu 800 mét. Quy định này có hiệu lực từ năm 2019 và gây lo ngại cho tất cả những doanh nghiệp lắp ráp xe, cả nội lẫn ngoại. “Yêu cầu này tạo nên gánh nặng tài chính rất lớn, thậm chí việc đi thuê đường kiểm tra cũng khá đắt đỏ. Lý do là hầu hết các nhà lắp ráp không sở hữu hệ thống đường xá kiểm tra hay không có nhiều quỹ đất có sẵn để xây dựng”, Tiến sĩ Oliver Massmann cho biết.
Năm 2017 chứng kiến thị trường khá ảm đạm so với dự đoán. Tổng lượng xe bán được giảm 7,8% khi chỉ đạt 250.619 chiếc so với năm trước. Trong đó, người dẫn dầu thị trường là Thaco giảm 21%, hãng xe Honda giảm 5,5%, Ford sụt giảm 1,5%. Trong chiều ngược lại, hãng xe Toyota gia tăng nhẹ doanh số 4,1% hay hãng General Motor đạt mức 8,7%.
Xem tiếp tại đây: