Tập Lái
13/9/07
14
7
1
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP qui định xử phạt lĩnh vực giao thông đường sắt và đường bộ do thủ tướng ký ban hành vào một ngày cùng tháng tận cuối năm đã gây xúc động hàng triệu người VN. So với nghị định cũ, nghị định này thay đổi khung phạt theo chiều hướng tăng nặng cho rất nhiều loại lỗi giao thông nhưng điều khiến dư luận đứng ngồi không yên là hình phạt uống rượu khi tham gia giao thông. Bài viết này nhằm cung cấp những thông tin hữu ích về rượu để các xế không bị “Chết vì thiếu hiểu biết”.
NỒNG ĐỘ CỒN TRONG MÁU
Nồng độ cồn trong máu (Blood alcohol content – BAC) tính bằng số gam cồn có trong 100 ml (1 dL – deca lit) máu. BAC = 0,20 hay 0,20% có nghĩa là trong 100 ml máu có 0,20 g cồn. Mỹ, Úc, Canada sử dụng đơn vị này. Một số nước khác như Anh, Việt Nam sử dụng đơn vị mg/dL. Khi đọc kết quả hay tham khảo tài liệu, nên chú ý đơn vị đo.
Cồn đi vào cơ thể do chúng ta ăn uống những thứ có cồn như rượu, bia, nước hoa quả lên men, đồ ăn cho rượu khi chế biến (món sốt vang chẳng hạn)… Những trái cây nhiều đường như nho, mít, vải… khi chín tự lên men cũng có một lượng cồn đáng kể. Người ta thấy cảnh ở Nam Phi những con khỉ bị say liêu xiêu, voi nằm đẻ lên nhau do ăn phải quả merula chín tự lên men. Bản thân cơ thể con người cũng tự sinh ra một lượng cồn nhất định, nhưng rất nhỏ, khoảng 0,1-0,3mg/dL (hay .
Vì nồng độ cồn trong đồ uống khác nhau nên người ta đưa ra đơn vị cồn chuẩn (Standard Drink-SD) theo định nghĩa 1 SD bằng 10 g cồn. Nếu uống một lon bia 333 dung tích 333 ml, nồng độ cồn 5,3% thì lượng cồn chuẩn được uống là 333 x 0,053 x 0,8 = 14 g = 1,4 SD.
PHÂN GIẢI
Cồn được hấp thụ vào máu qua ruột, sau đó được phân giải tại gan nhờ có các enzyme qua 2 bước: Bước 1, cồn chuyển hóa thành acetaldehyde (độc), bước 2 acetaldehyde thành axit axetic. Sau đó axetic sẽ được máu đưa đi khắp cơ thể, các tế bào sẽ phân hủy axetic thành nước và carbonic để thu năng lượng.
Lượng cồn lưu lại trong máu tùy thuộc vào tốc độ phân giải. Tốc độ phân giải cồn phụ thuộc nhiều vào trọng lượng cơ thể, không giống nhau giữa phụ nữ với đàn ông, giữa dân tộc này với dân tộc khác, cá nhân này với cá nhân khác. Khoảng một nửa số dân châu Á thiếu hụt một loại enzyme giúp chuyển hóa ở bước 2. Những người này tửu lượng kém, khi uống hay bị đỏ mặt. Sự có mặt của đường cũng làm chậm tốc độ phân giải. Điều này giải thích người ta dễ say, hay bị nhức đầu khi uống rượu có đường như rượu mùi, sâm banh.
Đối với người Châu Âu, người ta đưa ra một cách ước lượng gần đúng là cứ 10 kg trọng lượng cơ thể trong 1 giờ sẽ phân giải được 1g cồn. Nếu người châu Âu nặng 70 kg, uống một lon bia 333 (có 14 g cồn) sẽ cần thời gian để phân giải hết là: 14 x 10 : 70 = 2 giờ. Không có số liệu tốc độ phân giải cồn cho người châu Á, chỉ biết rằng thời gian phân giải cần thiết dài hơn so với người châu Âu. Một người châu Á nặng 50 kg, uống 5 lon 333 (1,7 L), giả sử tốc độ phân giải dài hơn người châu Âu 30%, thời gian phân giải cần thiết sẽ là: 14 x 5 x 10: 50 x 1,3 = 18 giờ. Như vậy bạn nhậu tối hôm trước, sáng hôm sau dính chưởng của CSGT là hoàn toàn có thể xảy ra.
ẢNH HƯỞNG
Mỗi cá nhân có thể bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau, tuỳ theo nồng độ cồn trong máu (mg/dL):
1-29: Hầu như bình thường
30-120: Hưng phấn, tự tin, liều lĩnh, mất tập trung, giảm khả năng suy đoán, viết chữ khó khăn
90-250: Kích động, khó nhận thức hay ghi nhớ, nhìn kém, dễ mất thăng bằng, phản ứng chậm chạp
180-300: Lúng túng, mất nhận thức, mất cảm giác, hung hăng hay yếu đuối, chóng mặt, lảo đảo, giọng lè nhè, buồn ngủ.
250-400: Sững sờ, lúc tỉnh, lúc mê, ói mửa, không thể trả lời, chỉ có thể nằm.
350-500: Bất tỉnh, mất ý thức, nhịp tim chậm, thở yếu, cảm giác lạnh, đồng tử không phản xạ với ánh sáng.
Qua bảng trên thấy rằng lượng cồn trong máu trong khoảng 1-29mg/dL hay ứng với mức trong khí thở 0,005 – 0,14 mg/L là an toàn cho người lái xe.
PHƯƠNG PHÁP ĐO
Phân tích hàm lượng cồn trong máu với các mẫu máu theo phương pháp DH (DH procedure) sử dụng máy trắc quang UV tự động tốc độ 1 mẫu/ phút, cho kết quả chính xác, có thể dùng làm các bằng chứng pháp lý theo luật pháp của nhiều nước. Tuy nhiên, phương pháp này không tiện dụng, đòi hỏi người dùng máy có chuyên môn nhất định.
Phương pháp được cảnh sát ưa dùng bởi tính nhanh chóng, tiện lợi là đo nồng độ cồn trong khí thở (BrAC) để ước lượng ra lượng cồn trong máu (BAC). Cơ sở của phương pháp này là định luật Raoul, hiểu một cách đơn giản là ở trạng thái cân bằng, nồng độ cồn C trong pha lỏng (máu) tỷ lệ bậc nhất với nồng độ cồn x ở pha khí (không khí) theo phương trình: C=kx, trong đó k là hằng số chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ. Thực tế, trong một nhịp thở kéo dài vài giây khó đạt được trạng thái cân bằng lỏng-hơi. Ngoài ra, nồng độ cồn trong máu C được tính dựa trên giả thiết thể tích của các tế bào máu chiếm 47% thể tích máu, trong thực tế giá trị này thay đổi trong biên biên độ đáng kể (42-52% cho đàn ông và 37 – 47% cho phụ nữ), do vậy k thay đổi trong khoảng khá rộng. Nếu C và x tính bằng mg/L thì k nằm trong khoảng 1300 ÷ 3100. Trong thực hành, người ta thường lấy trung bình k =2100. Ví dụ, nếu đo cồn trong khí thở là 0,25mg/L, lượng cồn trong máu sẽ là 0,25 x 2100 = 525 mg/L = 52,5mg/dL. Tính ngược lại, nếu xét nghiệm hàm lượng cồn trong máu được kết quả là: 100 mg/dL thì sẽ ứng với: 100 mg/dL = 1000 mg/L: 2100 = 0,48 mg/L (cồn trong khí thở).
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đo khí thở. Nếu nhiệt độ cơ thể tăng lên 1oC thì k giảm 8%, đồng nghĩa với giá trị đo nồng độ khí thở x tăng lên 8%. Sau khi uống rượu, lượng cồn còn lưu trong miệng có thể làm tăng giá trị đo x. Ngược lại, nếu đo xong xúc miệng sạch rồi đo cũng không ổn, vì rượu còn nằm ở dạ dày, chưa kịp thấm vào trong máu. Do vậy, sau khi uống cần khoảng thời gian tối thiểu 10 phút trước khi đo để bảo đảm kết quả tin cậy. Kênh truyền hình QĐND có trình chiếu đoạn clip thí nghiệm ăn vải rồi ngay sau đó đo cồn trong hơi thở. Rõ ràng làm như vậy là không hợp cách. Nếu vận động, thở gấp nhiều, hàm lượng cồn trong khí thở lại giảm. Người ta làm thí nghiệm cho một người chạy lên cầu thang sau đó đo cồn trong khí thở thấy giảm 11-14%, chạy thêm lần nữa giảm 22-25%. Một thí nghiệm khác với người tập thể dục với động tác mạnh, lượng cồn trong hơi thở giảm 15%.
Để đo BrAC trước đây người ta dùng ống đổi màu dựa vào phản ứng hóa học giữa cồn với muối K2Cr2O7. Bây giờ phổ biến là máy cầm tay sử dụng cảm biến điện hóa hoạt động theo nguyên lý pin nhiên liệu, rất nhạy, kết quả hiện thị ngay trên màn hình. Dù dùng ống đổi màu hay máy cảm biến có độ nhạy cao, phương pháp đo BrAC có sai số rất lớn do có nhiều yếu tố can thiệp như đã nói ở trên. Một số bang của nước Mỹ (như South Dakota) không chấp kết quả đo bằng máy cầm tay làm bằng chứng say rượu trước tòa.
MỨC PHẠT ZERO
Trong nghị định số 100/2019/NĐ-CP, điểm gây tranh cãi nhất chính là khung phạt trong khoảng nồng độ trong khí thở: 0< ÷ <0,25 mg/L hay nồng độ trong máu là 0< ÷<50 mg/dL. Có thể hiểu là người lái xe khi bị phát hiện có cồn trong người ở bất kỳ nồng độ nào dù nhỏ đến đâu cũng bị phạt. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ những người có lượng cồn nhẹ trong người không phải do uống rượu, hoàn toàn ở trạng thái bình thường vẫn có thể bị phạt và tiềm ẩn nguy cơ người thi hành công vụ lợi dụng để trục lợi. Thực ra, có khá nhiều nước như là Mỹ, Canada, Ý, Nhật… sử dụng khung phạt này, họ gọi là mức phạt Zero. Trong thực tế, khung phạt Zero của họ có tính đến sai số dương của thiết bị đo cũng như nồng độ cồn tự nhiên có trong cơ thể nên lớn hơn 0 một giá trị nào đó. Hơn nữa, họ chỉ áp dụng khung này cho người đang tập lái, những người dưới 21 tuổi và không vận dụng máy móc. Ví dụ ở Đức, mức phạt Zero áp dụng cho các đối tượng là người mới lái chưa đủ 2 năm kinh nghiệm, người dưới 21 tuổi, các tài xế chuyên nghiệp xe khách, xe bus, xe tải… Mức 50 mg/dL máu áp dụng cho mọi đối tượng, nhưng nếu để xảy ra tai nạn, phạm luật giao thông thì mức 30 mg/dL là đủ để kết tội say rượu. Ở Mỹ cũng áp dụng khung phạt Zero ở tất cả các bang cho những người dưới 21 tuổi (có vài bang nới rộng hơn ở mức 10 hay 20 mg/dL máu). Israel là một trường hợp khác, nước này đưa ra khung phạt là 240 mg/L khí thở, tuy nhiên do bị người dân kiện về độ chính xác của thiết bị đo nên chỉ phạt khi lái xe vượt quá 290 mg/L khí thở. Với người mới lái, người tuổi dưới 24 và lái xe chuyên nghiệp thì áp dụng khung phạt là 50 mg/L khí thở. Thế mới biết người Do Thái khôn ngoan trong mọi hoàn cảnh.
Như trình bày ở trên, nồng độ lượng cồn trong máu trong khoảng 1-29mg/dL hay trong khí thở 0,005 – 0,14 mg/L người lái hoàn toàn ở trạng thái bình thường, do vậy, sẽ hợp lý hơn nếu khung phạt được sửa lại là 30÷<50mg/dL cho cồn trong máu hay 0,14 ÷ <0,25 mg/L cho cồn trong khí thở.
LỜI KHUYÊN
  • Bạn nên hạn chế lượng rượu bia uống buổi tối nếu hôm sau phải lái xe, 1-2 lon có thể được, nhưng 4-5 lon phải cân nhắc. Có thể sử dụng công thức tính thời gian phân giải để tính lượng bia, rượu có thể uống, nhưng nhớ rằng đây chỉ là ước lượng thô.
  • Nếu biết mình còn say nên cương quyết không lái xe, dùng giải pháp khác (taxi, grab).
  • Trước khi lái xe, nên tắm nước nóng, uống nhiều nước (5-10% cồn có thể được bài tiết qua nước tiểu và mồ hôi), tuyệt đối không uống nước có đường.
  • Nên xúc miệng, thở mạnh trước khi thổi ống thử khi công an yêu cầu. Hít bằng mồm (đừng quá sâu) và thở ra bằng mồm vào ống thử.
  • Trường hợp nghi ngờ kết quả đo, bạn có thể yêu cầu cảnh sát dùng máy đo khác, đề nghị kiểm tra mức 0 của máy.
  • NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH VỀ RƯỢU CHO LÁI XE
 
Chỉnh sửa cuối:
  • Like
Reactions: nttanmam