Văn hóa chung cư
(TBKTSG) - Chúng ta thường đề cao chủ nghĩa tập thể, nhưng nghịch lý thay, việc để ý đến những thói quen của mình đã làm phiền hay ảnh hưởng lên người xung quanh của chúng ta hiện nay còn rất kém.
Một trong những hình ảnh dễ thấy nhất chứng minh cho lập luận trên là tình trạng nhếch nhác thường thấy tại các không gian công cộng ở nhiều chung cư. Đã có lúc tồn tại một thực trạng chung phổ biến là không mấy ai trong chúng ta muốn sống tại chung cư một khi đã có dịp đi “thăm” một chung cư nào đó. Tuy đến nay tình trạng này đã thay đổi đáng kể nhờ chất lượng xây dựng chung cư cao hơn (do đó giá cũng cao hơn), cư dân chọn lọc hơn cùng với việc du nhập cung cách quản trị chung cư chuyên nghiệp, song ấn tượng xấu về đời sống ở các chung cư vẫn còn nặng nề trong một số người.
Có người cho rằng sở dĩ có tình trạng đó là do khi đến sống ở các chung cư, phần lớn cư dân vẫn mang theo và giữ nguyên những thói quen xấu khi còn sống trong căn nhà riêng dưới đất. Tuy nhiên, khi sống trong chung cư, một không gian sống bị “nén chặt” nhiều lần so với nhà dưới đất, tác động tiêu cực của các thói quen xấu đó lên những người sống chung quanh cũng tăng lên tương ứng và nỗi khổ của họ cũng vậy.
Chỉ mới tuần rồi, báo chí lại nêu một vụ tranh chấp giữa một người sống ở chung cư và ban quản trị. Tháng Chín năm ngoái, con chó berger do người này nuôi ngay tại căn hộ đã cắn trẻ con hàng xóm. Sau mấy lần góp ý “di dời” con chó nhưng chủ nhà không chịu thực hiện, ban quản trị bèn cắt nước và một số dịch vụ khác. Chủ nhà cam kết bồi thường và đem chó đi, nước được mở lại. Đến tháng Hai năm nay, chủ nhà vẫn chưa đưa chó đi nơi khác, ban quản trị gỡ luôn đồng hồ nước và “cấm cửa” một số dịch vụ như lần trước.
Tạm gác lại khía cạnh pháp lý của chuyện ban quản lý chung cư cắt nước vốn gây nhiều tranh cãi đến nay vẫn chưa ngã ngũ, ở đây thử bàn chuyện cư dân chung cư có quyền nuôi chó tại căn hộ của mình hay không.
Ở nước ngoài, Úc chẳng hạn, câu trả lời có thể là “có” hoặc “không” tùy vào nội quy từng chung cư có cho phép hay không. Tờ The Australian (theaustralian.com.au) dẫn nguồn RSPCA (Hiệp hội Hoàng gia ngăn ngừa ngược đãi thú vật) có trụ sở tại Anh, cho biết hai phần ba hộ gia đình ở Úc nuôi thú cưng. Do vậy, chuyện một gia đình phải chuyển nơi cư ngụ vì nơi đó không cho phép nuôi chó, mèo cũng không phải là hiếm. Một chung cư ở Melbourne còn khuyến dụ người đến ở bằng cách lập khu vực dành riêng cho chó. Còn bang New South Wales tại nước này đang tính đến chuyện bãi bỏ quy định cấm nuôi thú cưng tại các chung cư.
Còn ở Việt Nam, câu trả lời chính thức hiện nay là không theo quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành có hiệu lực từ thứ Bảy tuần rồi (ngày 2-4). Quy chế này nêu rõ không được phép nuôi chó, mèo hay gia súc khác và gia cầm tại các chung cư. Như vậy, chiếu theo quy định này, con chó ở chung cư nói trên phải được chủ nhân “di dời” như ban quản trị yêu cầu. Mặt khác, theo “logic” ở Việt Nam, berger là giống chó lớn, hung dữ chỉ thích hợp cho biệt thự hay nhà riêng rộng rãi, không gian hẹp của chung cư chắc không phải là nơi thích hợp. Vả lại, khi đã xảy ra chuyện con chó to dữ tợn cắn trẻ nhỏ, thì có lẽ ít có người nào ở cùng chung cư lại chấp nhận nó tiếp tục hiện hữu tại nơi cư ngụ của mình.
Xin trở lại với nhận định người Việt ít quan tâm đến việc những thói quen xấu của mình ảnh hưởng lên người xung quanh đã đề cập ở đầu bài, có lẽ nhiều người sẽ đồng tình rằng thói quen tự nhiên xả rác, hát karaoke với âm thanh mở hết công suất, nói lớn tiếng, làm ồn ào, chen lấn trong thang máy... là những hành động gây biết bao phiền toái cho người khác.
Nguyên nhân là do đâu? Đó chính là lối sống vị kỷ, chỉ biết chăm chăm đến lợi ích, thỏa cái tôi của bản thân mình, thiếu quan tâm đến người quanh ta.
Chúng ta cần tập làm quen với việc tuân thủ các quy định chung của cộng đồng, của xã hội, dù phải từ bỏ một số tự do hay thói quen cá nhân. Nên nhớ rằng tuân thủ các quy tắc này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tránh được những phiền toái do người khác không chấp hành gây ra. Nói cách khác, điều này cũng thể hiện sự quan tâm đến người xung quanh. Ngược lại, thiếu sự tuân thủ này, cộng đồng sẽ không thể gắn kết bền chặt, và do đó, xã hội sẽ khó có tiếng nói chung để cùng nhìn về một hướng.
http://www.thesaigontimes.vn/144624/Van-hoa-chung-cu.html