(thegioioto) Chiếc Mitsubishi Pajero Sport đã đưa nhóm thử xe của Autocar Vietnam vạch lại con đường đã từng là huyết mạch của cả vùng Tây Bắc Việt Nam.
1.jpg
Cung đường từng là huyết mạch của cả vùng Tây Bắc, giờ đây nằm cô quạnh giữa núi rừng
Chiếc xe tiến vào Quốc lộ 6 cũ từ ngã ba Bãi Sang, tỉnh Hòa Bình, trong ánh mắt tò mò của một số người dân ven đường. Một chiếc xe du lịch đi vào tuyến đường này giờ đây có lẽ là một hình ảnh khác thường và hiếm gặp chăng?
Khi Quốc lộ 6 mới hoàn thành, mặt đường rộng và láng mượt với những khúc cua và dốc đỡ gắt hơn rất nhiều đã trở thành lựa chọn ưu tiên của hầu hết các loại xe từ Hà Nội lên các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên. Không còn phải vật vã mấy ngày đường với rất nhiều nguy cơ mất an toàn như hơn chục năm về trước, xe từ Hà Nội lên Điện Biên giờ đây có thể bon bon chạy với thời gian rút ngắn rất nhiều, chỉ mất khoảng 10 – 14 tiếng.
Và có lẽ chỉ những “tài già” đã kinh qua hơn chục năm sóng gió với lộ trình này mới thấu hiểu và cảm nhận được cuộc cách mạng về giao thông của vùng Tây Bắc. Trong tiềm thức của nhiều “tài non” và rất nhiều lái xe lưu thông qua đây chắc chẳng bao giờ có khái niệm hay ấn tượng gì về Quốc lộ 6 cũ, huyết mạch giao thông quan trọng không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của hàng triệu người dân từ bao đời nay, mà còn là có ý nghĩa sống còn trong lịch sử Việt Nam. Một đoạn của con đường 6 cũ lắt léo và hiu quanh bắt đầu từ ngã 3 bãi Sang (Tòng Đậu), tỉnh Hòa Bình, chạy song song với lộ trình mới đến tận địa phận Mộc Châu của tỉnh Sơn La, rồi kết thúc ở Mường Lay của tỉnh Điện Biên. Chỉ có rất ít phương tiện có nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông lâm sản từ các bản hoặc dân “phượt” còn ngó ngàng tới.
2.jpg
Con đường quốc lộ xưa giờ trở thành như thế này
Tuyến đường có ý nghĩa trọng đại có thể bị lãng quên phũ phàng như thế? Không ai khác, chính Mẹ thiên nhiên đã cho chúng ta câu trả lời. Địa hình của con đường mới chưa thật sự ổn định, và những vụ sạt lở núi vẫn diễn ra như cơm bữa. Gần đây nhất là vụ sạt lở cuối năm ngoái làm giao thông bị gián đoạn nhiều ngày, khiến nhiều loại phương tiện lên Tây Bắc phải đổi hướng qua quốc lộ 32, trong khi nhiều xe gầm cao phải chui vào đường cũ để lánh nạn.
Nhưng tình trạng thực tế của lộ trình “lánh nạn” này ra sao? Và liệu có phải tất cả những loại xe đều có thể qua đây khi đường mới gặp sự cố? Đó là một vài lý do trong số hàng chục ý nghĩ thôi thúc chúng tôi quyết tâm thực hiện một hành trình vạch lại huyết mạch xưa. Đồng hành cùng chúng tôi trong chương trình này là chiếc xe Mitsubishi Pajero Sport, phiên bản máy diesel với hệ thống dẫn động 2 cầu.
3.jpg
Cả cung đường hoang vắng trong im lìm, lâu lắm chúng tôi mới gặp một chiếc xe máy ngược chiều
Nếu chưa từng có ký ức gì trước đó, nhiều người chắc hẳn sẽ không thể tin nổi đây đã từng là đường quốc lộ, huyết mạch nối Thủ đô với 3 tỉnh rộng lớn của cả vùng Tây Bắc. Mặt đường hẹp chỉ như những con đường thôn dã, lại có nhiều dốc và cua rất gắt, với nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng mà chưa được khắc phục xử lý. Ở một số đoạn, cỏ lau và cây rừng mọc chen chúc hai bên càng khiến con đường trông hẹp và âm u hơn. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những cây cầu nhỏ như cầu dân sinh, chỉ đủ rộng cho một chiếc ôtô đi qua, nhưng có ai biết rằng chúng đã từng oằn mình cho hàng trăm hàng nghìn lượt xe ôtô các loại lưu thông qua đây.
Lác đác hai bên đường là những nếp nhà lá cũ nát không có dấu hiệu của người ở. Một cụ già đang nhặt củi ven đường chia sẻ với đoàn: “Nhiều hộ dân sinh sống dọc hai bên con đường 6 cũ này vì chẳng còn cơ hội kiếm thêm đồng ra đồng vào với những dịch vụ nhỏ lẻ như cơm bình dân, nước uống, vá xăm lốp,… nên đã phải bỏ nhà để ra bám đường mới rồi”.
Còn lại ở đây là những hộ bám nương làm rẫy, trồng ngô, dong riềng hay trồng rừng. Chính vì vậy, chỉ còn có một số xe tải thường xuyên di chuyển ra vào để chở các loại nông lâm sản. Mặt đường nhiều đoạn không còn dấu hiệu của nhựa, mà đã bị vỡ nát hoặc bị phủ một lớp đất và bùn dày, lại bị các loại lốp xe tải cỡ lớn cày xới, nên để lại những rãnh sâu và giữa là sống trâu gồ cao tới gần nửa mét. Những cơn mưa từ nhiều ngày trước đó vẫn còn để lại hậu quả là những vũng nước và bùn, khiến cho nhiều loại xe chẳng có cơ hội để đi qua.

4.jpg
Hệ thống treo trước là loại càng chữ A kép, lò xo và thanh cân bằng
Động cơ diesel 2.5L với hệ thống dẫn động 2 cầu Super Select 4WD và hộp số sàn tỏ ra vô cùng lợi hại trên địa hình xấu này. Mặc dù công suất chỉ 136 mã lực khiến cho một chiếc xe nặng tới gần 2 tấn không thể linh hoạt khi di chuyển trong phố, nhưng sức kéo tối đa lên tới 314Nm tại số vòng tua rất thấp (chỉ 2.000 vòng/phút) giúp chiếc xe điềm tĩnh và chắc chắn ở tốc độ thấp. Chẳng cần phải sử dụng đến chế độ 2 cầu chậm, chế độ 4H cũng có thể phù hợp để chiếc xe vượt từng con dốc gắt một cách nhẹ nhàng và êm ái.
Chỉ khi kết hợp di chuyển trên địa hình đèo dốc, nhiều đất đá và sống trâu này, người lái xe mới nhận ra rằng Mitsubishi có lý do để trang bị cho Pajero Sport hệ thống treo trước độc lập với lò xo và thanh cân bằng, trong khi phía sau lại là cầu cứng với lò xo liên kết 3 điểm. Với trang bị như vậy, bánh trước của chiếc xe tiếp cận những ổ gà hay đá lởm chởm một cách êm ái, mà thân xe vẫn cho cảm giác ổn định. Còn cầu cứng và giảm xóc lò xo phía sau không chỉ đảm bảo độ êm và cứng vững, mà còn duy trì độ cao gầm giữa hai bánh xe ngay cả khi xe đủ tải, và những sống trâu rất cao vẫn bị lọt gọn. Với lợi thế đó, cộng với độ bám đường và khả năng điều tiết lực kéo giữa các bánh xe tăng lên khi hệ thống dẫn động được chuyển sang chế độ 4HLc, chiếc xe lướt đi trên địa hình gồ ghề và trơn trượt như chẳng có một trở ngại nào.
5.jpg
Hệ thống treo phía sau là cầu cứng với lò xo và thanh cân bằng
Mấy chục cây số đường off-road đã bị bỏ lại sau lưng, thật nhẹ nhàng và thư thái. Trước mắt chúng tôi, cao nguyên Mộc Châu đang chuẩn bị bước vào thời kỳ đẹp nhất trong năm, với đồi chè bạt ngàn xanh mướt và rừng đào đang trong quá trình tích tụ dưỡng chất để sẵn sàng bung ra những chồi non và nụ hoa khi mùa xuân đến.
Sang ngày thứ 2 của hành trình, chúng tôi chia tay Mộc Châu xanh tươi và thẳng tiến về phía sông Đà, qua phà Vạn Yên rồi đến địa phận Bắc Yên – một thị trấn vùng cao của tỉnh Sơn La. Một trong những mục tiêu quan trọng mà chúng tôi đặt ra trong ngày thứ hai này là đi tắt sang Trạm Tấu – một huyện xa xôi của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, điều đáng nói là Đèo Yên Ngựa nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa ở độ cao 1.800 mét so với mực nước biển, ngăn cách hai huyện vùng cao của hai tỉnh này từ bao đời này đã từng trở thành chướng ngại khiếp đảm mà cả những con ngựa thồ khỏe nhất cũng phải chùn chân khi thời tiết xấu. Chính vì vậy, dù chỉ cách nhau khoảng hơn 50km, nhưng các loại phương tiện từ Bắc Yên đã phải “mua đường” vòng qua Phù Yên – Lũng Lô – Văn Chấn – Nghĩa Lộ rồi mới đến được Trạm Tấu với tổng chiều dài hơn 150km, tức là xa hơn gấp 3 lần.
6.jpg
Chiếc xe tự tin trên địa hình dốc gắt lên xuống liên tục chỉ với lốp HT nguyên bản
Nhưng tất cả những giai thoại về Đèo Yên Ngựa có thể sẽ đi vào dĩ vãng sau một thời gian ngắn nữa thôi. Mới đây, dự án mở đường cắt đôi con đèo đã được châm ngòi bằng việc nổ mìn phá núi. Một phượt thủ cùng tham gia hành trình này kể lại rằng có đôi bạn trong nhóm biết tin nổ mìn đã tức tốc phi xe máy lên đây ăn chực nằm chờ để được ghi danh là những người đầu tiên đi qua. Rồi sau đó là chuyện một người ở Yên Bái sau bao nhiêu năm mong chờ mới có dịp sang Sơn La để thăm họ hàng.
Trước khi tiến sâu hơn vào địa phận khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, chúng tôi muốn tìm lại chút dư âm ở Hồng Ngài – nơi nhà văn Tô Hoài đã tìm nguồn cảm hứng để viết truyện ngắn nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ”. Con đường đất ngoằn ngoèo lại có nhiều dốc và trơn trượt tiếp tục tạo nên thử thách. Một chiếc U-oát phải nằm lại dọc đường vì cố gắng bò lên con dốc nên bị hỏng máy. Một chiếc xe tải cỡ lớn cũng đang phải dỡ bớt cả tấn hàng hóa trên thùng xe trước khi có thể vật lộn để lên được con dốc dài và gắt.
7.jpg
Suối sâu, đường gồ ghề, dốc cao, tất cả đều đã bị chinh phục
Chúng tôi tiến vào tận chân núi, nơi có căn nhà của A Phủ, ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu với bọn trẻ đang chơi cù, rồi lại thủng thẳng đi ra. Sau cả tiếng đồng hồ, hai chiếc xe gặp trên đường vào vẫn chưa thể nhúc nhích. Nhưng với địa hình dốc lên quá gắt, lại có sống trâu và trơn, vượt qua đây không phải là điều dễ dàng chút nào. Chúng tôi quyết định xuống xe, đi bộ để khảo sát và cảm nhận điều kiện mặt đường trước, xác định vị trí đặt bánh sao cho đạt độ bám tốt mà không bị chạm gầm và quan trọng hơn nữa là không có chướng ngại vật khiến xe bị giảm tốc và mất đà. Việc duy trì đà tốt là điều có ý nghĩa số một khi đi đường bùn lầy và leo dốc. Sau khi đã “kẻ” được vệt bánh, chiếc Pajero Sport lùi lại một chút ở vị trí thuận lợi, chuyển chế độ gài cầu sang 4HLc, cài số 1, rồi nhanh chóng chuyển bánh. Tiếng nổ giòn giã của động cơ xen lẫn tiếng rào rào của đất đá bắn tung tóe dưới bốn chiếc lốp HT nguyên bản vốn chỉ dùng để đi đường nhựa. Chỉ trong nháy mắt, chiếc xe đã hiên ngang đứng trên đỉnh dốc trước hàng chục ánh mắt dõi theo và có phần ganh tị.
Rời Hồng Ngài, chúng tôi tiến thẳng vào Xím Vàng, một nơi xa xôi của huyện Bắc Yên, Sơn La – nơi vẫn còn lưu truyền câu chuyện kỳ bí chưa có lời giải. Hiện tượng hút máy bay mà hậu quả là nhiều máy bay bay qua đây gặp nạn khiến Xím Vàng bị coi là một “Bermuda” (Tam giác quỷ) về hàng không ở Việt Nam. Rồi những đặc sản như rượu Hang Chú, táo Sơn Tra, chè Tà Xùa,… ai đến đây cũng muốn một lần trong đời được thưởng thức và mua về.
8.jpg
Cung đường Bắc Yên - Trạm Tấu thực sự mang lại phấn khích cho chúng tôi
Dừng chân và hỏi thăm bà con bên đường về lộ trình tới Trạm Tấu, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu cùng lời khuyên “Quay lại đi, xe này không đi được đâu!”, hay “Ôtô chưa bao giờ dám đi vào đây cả, đường khó đi lắm”… Pajero Sport của chúng tôi liệu có thể là chiếc xe đầu tiên đi đường tắt qua địa phận 2 tỉnh này chăng?
Quả thực, chưa hề thấy một vệt bánh ôtô để lại trên con đường mòn chênh vênh xuyên qua địa danh còn đầy bí ẩn này. Những đoạn dốc gắt gần như dựng đứng và rất hẹp với một bên là núi còn bên kia là vực, đan xen là những hố sâu và những cái rãnh rất hiểm do nước mưa chảy từ trên núi xuống xói mòn từ nhiều năm để lại, mà ngay cạnh đó là những mũi đá vát nhọn nhô cao. Chỉ cần đánh lái bất cẩn có thể khiến bánh xe sập xuống hố và gầm xe bị đá chọc mạnh, có thể gây hỏng xe, hoặc trường hợp xấu nhất là bị trượt xuống vực và cơ hội làm lại sẽ vĩnh viễn không còn.
9.jpg
Cửa ải cuối cùng này chỉ dành cho người đi bộ và xe máy nằm cách Trạm Tấu chỉ chừng hơn 5km
Chuyển chế độ gài cầu về 4LLc, chiếc xe lừ lừ và lì lợm chinh phục các con dốc xuống dựng đứng đến rợn người. Nhiều lúc, người lái phải tì mạnh cả hai tay lên vô-lăng để giữ cho người được ổn định trên ghế lái. Người ngồi ghế phụ cũng phải đu một tay lên tay níu trên trần xe, còn tay kia chống mạnh lên táp-lô để không bị ngã dúi về phía trước. Trong khi đó, có những con dốc lên gắt tới mức người trong xe như nằm ngả trên lưng ghế và chỉ nhìn thấy mây trời.
Vượt qua Đèo Yên Ngựa sang địa phận Yên Bái, chúng tôi mới thấy thở phào nhẹ nhõm và trong lòng lâng lâng khó tả. Thừa thế, đoàn tiến thẳng về phía Trạm Tấu. Nhưng “cửa ải” cuối cùng đã khiến chiếc xe phải dừng lại. Đã mấy tháng kể từ khi thông đèo, nhưng Mẹ thiên nhiên vẫn chưa chiều lòng con người. Cơn mưa ít ngày trước đó đã làm sạt lở và bay mất cả một đoạn đường mòn dài gần chục mét xuống vực sâu. Người trong vùng đành khắc phục tạm thời bằng cách ngáng mấy thanh gỗ để người đi bộ và xe máy có thể lưu thông, nhưng vẫn vô cùng nguy hiểm, bởi những khối đất đá lỏng lẻo phía trên có thể ập xuống bất kỳ lúc nào.
10.jpg
Động cơ dầu với động cơ "cơm" đều đi chung một con đường
Chỉ còn cách đích vài cây số, nhưng chúng tôi đành quay đầu trong sự hụt hẫng dâng trào. Tuy nhiên, chiếc xe Pajero Sport vẫn hoàn thành sứ mệnh của nó một cách xuất sắc, từ đường trường, đèo dốc, và đặc biệt là cả những nơi chưa hề có đường (off-road). Trở về trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn, chúng tôi thầm nhủ “Hẹn gặp lại Tà Xùa một ngày không xa!”.

Mong chờ diện mạo mới

Quốc lộ 6 cũ cho thấy rằng nó không thể bị bỏ quên. Nó không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của hàng trăm đồng bào còn đang sinh sống trong vùng, mà còn là tuyến đường dự phòng để hỗ trợ đắc lực khi con đường mới gặp sự cố.
Ngay lúc này, dự án nâng cấp Quốc lộ 6 cũ vẫn đang được triển khai thi công. Dự kiến sau khi hoàn thiện, mặt đường trải nhựa vẫn chỉ đủ rộng như một tuyến đường liên huyện, nhưng ít ra đó cũng là hành động để một tuyến đường huyết mạch còn sống mãi với thời gian.


Phát huy công năng của Super Select 4WD

Super Select 4WD – hệ thống dẫn dộng danh tiếng trên đường đua Rally của Mitsubishi – cho phép chuyển đổi từ 1 cầu sang chế độ 2 cầu chủ động ngay cả khi xe đang chạy với tốc độ 100km/h.

Nhà sản xuất đã tính đến tất cả các dạng địa hình mà chiếc xe có thể chinh phục, và đưa ra hệ thống dẫn động với 4 chế độ khác nhau. Chế độ 2H (dẫn động 2 bánh, tốc độ cao) sử dụng trên đường trường hay cao tốc, trong khi chế độ 4H (dẫn động 4 bánh chủ động, tốc độ cao) giúp tăng độ bám đường, sử dụng trên điều kiện đường xấu hoặc trơn trượt. Chế độ 4HLc (4 bánh chủ động, tốc độ cao kết hợp với khóa vi sai trung tâm) sử dụng trong điều kiện đường khó khăn, off-road. Cuối cùng là chế độ 4LLc (4 bánh chủ động, tốc độ chậm kết hợp với khóa vi sai trung tâm) sử dụng trong điều kiện đường cực kỳ trơn trượt, khó khăn, off-road.

Chìa khóa để Super Select 4WD vượt trội hơn hẳn các hệ thống dẫn động sử dụng bộ vi sai thông thường chính là khóa vi sai trung tâm nằm trong hộp số phụ. Nếu không được trang bị bộ phận này, xe có thể bị mắc kẹt trong vũng lầy hay địa hình lổn nhổn do một bánh nào đó bị mất độ bám. Trong trường hợp đó, khóa vi sai trung tâm sẽ điều tiết lực kéo sang những bánh còn lại, giúp xe vượt qua chướng ngại vật. Không những thế, hộp số phụ còn giúp thay đổi tỷ số truyền, giúp tăng lực kéo khi cần tải nặng ở tốc độ chậm trên địa hình cực xấu.

Ngôi sao trong hành trình Everest Base Camp

Đầu tháng 7/2013, 3 chiếc xe Mitsubishi Pajero Sport đã lập kỳ tích với hành trình Caravan đến Tây Tạng chinh phục Everest Base Camp ở độ cao hơn 5.200m với quãng đường 14.000km trong suốt 31 ngày liên tục. Điều đáng nói là trong số 3 chiếc xe đó, có 2 xe trang bị hệ thống dẫn động 2 cầu, trong khi chiếc còn lại là bản máy xăng với hệ dẫn động 1 cầu. Cả 3 chiếc xe đều là xe nguyên bản.

Đoàn xe đã đi qua những địa hình phức tạp như đồi núi, đèo dốc quanh co, off-road với thời tiết thay đổi liên tục, thậm chí có vùng vô cùng khắc nghiệt. Hành trình Caravan đã kết thúc thành công, và Pajero Sport không chỉ chứng tỏ là một chiếc xe gia đình rộng rãi, tiết kiệm, mà còn là chiếc SUV đầy uy lực trên mọi loại địa hình.

Theo Autocar Vietnam

 
Last edited by a moderator:
Tập Lái
2/1/14
48
1
8
Hôm trước em có test thủ PS máy dầu (1 cầu) mà nghe tiếng máy ồn quá. Không biết PS máy xăng có good hơn nhiều ko vậy các bác???
 
Os.driver nói:
Hôm trước em có test thủ PS máy dầu (1 cầu) mà nghe tiếng máy ồn quá. Không biết PS máy xăng có good hơn nhiều ko vậy các bác???
Xe Bác test ở đại lý đa số là đời đầu(2011) nên ko được êm lắm như sau này.Máy xăng thì bốc lắm nhưng chân ga nhạy nên ai ko quen đễ bị XXX vào tường hay cột đèn.
Bác muốn test máy xăng thì báo em biết để em sắp sếp xe bác thử.
 
Hạng B2
6/4/10
353
151
43
52
Hí hí, cứ nhắc tới 2 cầu là lòng em lại nôn nao!!!