VIP
10/2/06
110
0
0
Sau chuyến đi Tây Tạng trong tháng 8 vừa qua, phóng viên Binh Nguyên của báo Tuổi Trẻ có loạt bài ký sự đường xa khởi đăng bắt đầu từ ngày hôm nay, 17/09/2006, xin gởi đến các bác cùng thưởng lãm .

Để xem hình ảnh và video clip, xin vui lòng vào trang website của báo Tuổi Trẻ: www.tuoitre.com.vn
 
Last edited by a moderator:
VIP
10/2/06
110
0
0
RE: HIMALAYSA, HÀNH TRÌNH TỪ ĐÔNG SANG TÂY

Trải nghiệm Everest


TTCT - 11g30 ngày 29-5-1953, nhà leo núi (người New Zealand) Edmund Hillary và người dẫn đường Tenzing Norgay (người Sherpa (*)) là những người đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest - “nóc nhà thế giới” cao 8.848m.

Nhưng từ đó đến nay, hàng trăm người khác đã mãi mãi nằm lại trên đường lên đỉnh Everest. Thám hiểm Everest đồng nghĩa với cuộc trải nghiệm đánh đổi bằng cả sinh mạng...

8g10 ngày 1-9-2006, con đường mòn trong khu bảo tồn thiên nhiên Chomolungma dẫn lên Everest Base Camp nằm ở độ cao 5.200m phủ đầy băng giá hiện ra trước mắt. Chúng tôi đã vượt hàng ngàn cây số trong rặng Himalaya để đến đây một lần chiêm ngưỡng Everest.

Tượng đài trong băng giá vĩnh cửu

Sương mù tan dần, chân dung “nóc nhà thế giới” thật gần mà cũng thật xa đã sừng sững ngay trước mắt. Anh Tinda Sherpa, chủ nhân một túp lều ở Everest Base Camp, nói: “Các anh thật may mắn, có những người hạ trại trên này hàng tuần liền nhưng vẫn chưa một lần thấy được đỉnh Everest bởi sương mù, bão tuyết...”.

Everest Base Camp (EBC) - trại căn cứ, nơi tập kết của những nhà thám hiểm đến từ khắp thế giới để chuẩn bị cho cuộc chinh phục độ cao 8.848m. Tôi hỏi: “Hillary đã từng qua đêm trong túp lều nào, từng chinh phục con đường mòn đầy sỏi đá nào bên dòng sông băng Rongbukr?”. Nhưng Tinda Sherpa cho biết: “Sir Hillary chưa bao giờ đặt chân đến nơi này! Hillary và Norgay đã chinh phục Everest từ sườn núi phía nam (thuộc Nepal), còn đây là EBC sườn phía bắc (thuộc Tây Tạng). Với người Sherpa, EBC mới chính là con đường tiên phong cho việc chinh phục Everest”.

Theo lời kể của Tinda thì trước Hillary và Norgay 29 năm, ngày 8-6-1924 từ EBC của sườn phía bắc này, hai nhà thám hiểm người Anh George Mallory 38 tuổi và Andrew Irvine 22 tuổi đã được những đồng đội nhìn thấy lần cuối cùng trong một trận bão tuyết khi họ còn cách đỉnh Everest gần 100m. Năm 1979, nhà thám hiểm Trung Quốc Wang Hongbao trong một cố gắng lên đỉnh đã thấy một xác người mà ông tin rằng đó là xác của Mallory hoặc Irvine, nhưng đó cũng là những thông tin cuối cùng mà người ta nhận được từ Wang, bởi ngay ngày hôm sau Wang cũng tử nạn do rơi xuống vực băng sâu hàng trăm mét.

Năm 1999, một đoàn thám hiểm người Mỹ đã phát hiện dưới một vực băng sâu cách đỉnh 600m một thi thể nằm úp mặt trong lớp tuyết dày, đôi tay đang vươn lên phía trước. Thi thể gần như còn nguyên vẹn, mặc chiếc áo có dòng chữ thêu “G.L.Mallory”. Nhiều người Sherpa kể rằng khi đưa xác Mallory lên khỏi vực, thân thể ông đầy thương tích, hai chân và tay phải bị gãy, họ không thể biết ông đã đặt chân được lên đỉnh Everest hay chưa nhưng gương mặt ông thoáng nụ cười mãn nguyện.

Những người Sherpa cho biết xác của những nhà chinh phục Everest bị tử nạn đều được băng tuyết lưu giữ như những tượng đài vĩnh cửu...

“Tử vì đạo!”


Các thành viên chinh phục Everest Base Camp (từ trái sang): Lê Công Thiện (Ngân hàng ANZ), Binh Nguyên (báo Tuổi Trẻ), Xuân Đức (Công ty Vận tải biển Việt - Nhật)
Trong chuyến đi này có một người mà tôi luôn muốn được một lần diện kiến, đó là Apa Sherpa, người duy nhất trên thế giới đã 16 lần chinh phục thành công đỉnh Everest. Nhưng đáng tiếc ông Apa Sherpa đã sang Mỹ huấn luyện một toán leo núi quốc tế. Nhưng tôi lại có may mắn khác khi được ông Ang Tshering Sherpa, chủ tịch Hiệp hội Những người leo núi Vương quốc Nepal (NMA), giới thiệu với Mingma Golu Sherpa, 26 tuổi, người đã sáu lần chinh phục thành công đỉnh Everest.

Mingma nói năng nhỏ nhẹ, dáng cao gầy như vận động viên điền kinh, nhưng với những người thám hiểm Everest đến từ khắp thế giới, Mingma là “anh hùng của những anh hùng”. Anh tập leo núi từ rất sớm, từ vị trí phu khuân vác, rồi người dẫn đường và nhanh chóng trở thành nhà thám hiểm chuyên nghiệp từ năm 16 tuổi. Mingma kể: “Tôi không thể nào quên được lần đầu tiên lên đến đỉnh, sau hơn 20 ngày khởi hành từ EBC, đỉnh 8.848m hiện ra ngay trước mắt trong ánh nắng rực rỡ, những áng mây nằm dưới chân mình, sự kiệt sức, mệt mỏi đều tan biến nhường chỗ cho niềm hạnh phúc mà không gì ở trần gian có thể so sánh được”.

Sự kiên cường với những tố chất đặc biệt của cơ thể những người dũng cảm nhất thế giới vẫn là quá bé nhỏ so với sự vĩ đại của thiên nhiên. Mingma thú thật anh cũng đã nhiều lần thất bại trên đường chinh phục độ cao tuyệt đối này và cũng nhiều lần đối mặt với cái chết, có lần chỉ cách đỉnh 200m nhưng đành phải quay về vì bão tuyết. Nhiều lần Mingma nhìn thấy xác của những người thám hiểm bỏ mạng trước đó, nhưng anh không động vào họ mà để họ yên nghỉ vĩnh viễn giữa nơi mà họ đã quyết chí chinh phục.

Tôi cũng đã gặp người thiếu niên trẻ nhất thế giới chinh phục Everest, đó là Temba Tseri. Temba đã chinh phục thành công “nóc nhà thế giới” khi vừa tròn 15 tuổi. Một năm trước khi thành công, cậu đã phải tháo khớp năm ngón tay do băng giá ở Everest.

Theo ông Ang Tshering, chỉ tính riêng từ năm 1953 đến nay đã có 93 người Sherpa gốc Nepal “tử vì đạo” trên con đường chinh phục Everest từ sườn phía nam, còn nếu tính chung cả phía bắc (Tây Tạng) thì con số này là 150 người. Mùa xuân năm nay, người ta mới tìm được xác của 18 nhà thám hiểm gồm 11 người Nepal và bảy người Pháp ở độ cao 7.000m (họ đã gặp bão tuyết vào ngày 20-10-2005). Đây là một trong những thảm họa lớn nhất của Everest từ trước đến nay. “Vì sao quá hiểm nguy nhưng người ta lại muốn chinh phục nó?” - tôi hỏi ông Ang Tshering. Ông nói: “Việc chinh phục Everest đã là một thứ tôn giáo của những nhà thám hiểm khắp thế giới, họ sẵn sàng tử vì đạo ngay trên thánh địa của mình”.

Sự hiểm nguy của Everest không chỉ là bão tuyết, vực băng sâu, bệnh tật, đói khát, mà đôi khi đến từ điều đơn giản nhất: thở! Nhóm chúng tôi đã từng trải qua những giây phút cực kỳ căng thẳng bởi ai cũng bị chảy máu mũi vì hội chứng khó thở của bệnh độ cao (Acute Mountain Sickness - AMS). Khi đến thị trấn Tingri (ở độ cao 5.000m) cách Everest hơn 100km về phía bắc, một thành viên trong nhóm chúng tôi phải cấp cứu do bị ngất vì không thể thở được dù trước đó đã thở bằng bình oxy.

Bác sĩ ở trạm xá Tingri cho biết trong tám năm qua đã có hàng trăm nhà thám hiểm được đưa từ Everest về đây cấp cứu vì triệu chứng AMS và đã có bốn người tử vong vì không hạ độ cao kịp thời. Nhóm chúng tôi đã quyết định đưa thành viên bị nạn vượt hơn 300km về biên giới Nepal để hạ độ cao xuống còn 2.700m trước khi những người còn lại hành quân lên Everest Base Camp.

Với chúng tôi - những kẻ “ngoại đạo”, việc lên đến Everest Base Camp là một trải nghiệm trong tầm tay, còn đỉnh cao chót vót 8.848m trên kia thì xin hẹn lại kiếp sau. Được chiêm ngưỡng “nóc nhà thế giới” một lần đã là quá đủ dù rất khao khát tầm cao...

Chúng tôi bắt đầu hành trình xuyên Himalaya từ Lhasa (độ cao 3.600m) qua đỉnh La Ken La (5.190m) để đến hồ Namtso, rộng đến 1.961km2. Đây là hồ nước mặn duy nhất trên thế giới nằm ở độ cao 4.720m (chặng đường 500km) - Khởi hành đi Shigatse dọc thung lũng Yarlung Tsangpo qua hồ Yamdrok Tso, vượt đèo Karo và hàng loạt đèo khác trong hệ thống núi Nojin Kangsa cao 4.000-5.000m (chặng đường dài 321km) - Vượt “thung lũng chết” ở độ cao 4.000m để đến Shegar (độ cao 4.350m) với chặng đường dài 245km. Vào khu vực bảo tồn thiên nhiên Chomolungma đến tu viện cổ Rong Buk (100km). Chinh phục Everest Base Camp ở độ cao 5.200m - Vượt chặng đường dài 360km qua đèo Nyalmo Tong La (5.000m), đèo Thang La (5.214m) sau đó hạ độ cao xuống khu vực Nyanlam (3.600m) và về thị trấn biên giới Zhangmu (2.700m). Vượt biên giới Korandi nhập cảnh Nepal và theo đường đèo dài 200km về Kathmandu - thủ đô Nepal, kết thúc hành trình.



BINH NGUYÊN

(*) Một bộ tộc ở vùng núi Everest sống bằng nghề khuân vác và dẫn đường chinh phục Everest bởi họ có một tố chất cơ thể rất đặc biệt.
 
VIP
10/2/06
110
0
0
RE: HIMALAYSA, HÀNH TRÌNH TỪ ĐÔNG SANG TÂY

Chủ Nhật, 17/09/2006, 05:16 (GMT+7)

Himalaya hành trình từ Đông sang Tây (kỳ 1):

Vũ điệu trong mây
Năm người chúng tôi khởi hành chuyến đi từ đông sang tây qua dãy Himalaya với ước mơ cháy bỏng... (tác giả thứ hai từ trái sang)
TT - Mời bạn đọc cùng phóng viên Tuổi Trẻ hành trình từ đông sang tây của dãy Himalaya hùng vĩ. Ngàn dặm gió bụi xuyên qua dãy Himalaya không chỉ khám phá những bí ẩn của đời sống tâm linh trong “vùng đất chư thiên”, những số phận khắc nghiệt trong miền băng giá vĩnh cửu và còn để ngậm ngùi dưới chân đỉnh Everest về những anh hùng vô danh trên con đường chinh phục “nóc nhà thế giới”.

Xem video Clip

Những câu chuyện kỳ bí về Himalaya hùng vĩ, những nhà chinh phục Everest, tên những đỉnh núi cao nhất của “thánh mẫu vũ trụ” Hi Mã Lạp Sơn... và ước mơ được đi trên một con đường xuyên qua dãy Himalaya bao nhiêu năm đã thôi thúc chúng tôi lên đường.

Ước mơ cháy bỏng

Nhiều thông tin trên mạng, đặc biệt là từ những bạn trẻ ở Mỹ và châu Âu, cho rằng cách đơn giản nhất để đến với dãy Himalaya vẫn là con đường khởi đầu từ Nepal. Lý do thứ nhất: có khá nhiều chuyến từ khắp nơi trên thế giới đến sân bay Tribhuvan ở thủ đô Kathmandu của Vương quốc Nepal, nơi đó có hàng loạt công ty lữ hành chuyên tổ chức những chuyến chinh phục mạo hiểm đi sâu vào Himalaya. Lý do thứ hai: từ Kathmandu có thể vượt những ngọn đèo cao 4.000-5.000m để lên Everest và chỉ cách Everest hơn trăm cây số đường chim bay. Trên mạng Everestnews.com cũng khuyên đi theo con đường này với hành trình từ 6-8 ngày đi bộ từ Kathmandu (nằm ở độ cao 1.700m) vào Lukla (2.860m) rồi đi dần lên qua Namche để tập làm quen dần với không khí loãng và hội chứng bệnh độ cao. Đây cũng là con đường quen thuộc mà hầu hết những nhà thám hiểm đỉnh Everest từ khắp thế giới đã chọn hơn nửa thế kỷ qua.

Thế nhưng cuối cùng chúng tôi chọn con đường ngược lại khi anh Trần Xuân Hùng (phó giám đốc Công ty Du lịch thanh niên xung phong - VYC) - một trong những người đề xướng chuyến hành trình - liên hệ được với một đối tác tại thủ phủ Lhasa (Tây Tạng, Trung Quốc). Họ cho biết có thể tổ chức một chuyến đi bằng xe vượt địa hình xuyên qua Himalaya từ đông sang tây từ Lhasa (3.600m) băng qua hồ Yamdrok Tso, vượt núi Nojin Kangsa (5.000m) để đến Shigatse (3.900m), Shergar (4.350m), Tingri (5.000m), theo đường mòn vào khu bảo tồn thiên nhiên Chomolungma, sau đó chuyển qua ngựa để lên Everest Base Camp (trại căn cứ để chinh phục Everest), rồi từ đó vượt đèo Nyalmo Tong La (5.000m), Thang La (5.214m) để xuống vùng đồng bằng cao Nyalam (3.600m) về biên giới Zhangmu vào Nepal theo cửa khẩu Kondari... Đó là cung đường tương đối an toàn và rút ngắn được thời gian hơn, vì từ nhiều năm qua Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho hàng ngàn kilômet hệ thống các con đường từ Tây Tạng xuyên qua dãy Himalaya, đặc biệt là con đường mang tên “Hữu Nghị” kéo dài đến tận biên giới Nepal. Cũng đã có hẳn một tuyến xe buýt Trung Quốc - Nepal đi trên “nóc nhà thế giới” khánh thành từ nhiều năm qua và đi trong nhiệt độ mùa thu tương đối thích hợp với thể trạng người VN, nhưng lại dễ gặp hiện tượng băng tan khá nguy hiểm.

Ngày 14-8-2006, năm thành viên trong đoàn chúng tôi lên đường. Cả năm đều là những người từng có kinh nghiệm thử thách qua những chuyến đi mạo hiểm đường dài trong và ngoài nước: Lê Công Thiện (Ngân hàng ANZ),Trần Xuân Hùng (VYC), Huỳnh Xuân Đức (Công ty Vận tải biển Việt - Nhật), Nguyễn Trọng Tuyến (Sở Giao thông - công chính TP.HCM) và tôi. Chúng tôi lên đường với uớc mơ cháy bỏng là cắm được lá cờ tổ quốc lên Everest Base Camp đúng vào Quốc khánh 2-9.

Nơi trời và đất giao hòa


Dãy Himalaya chụp từ máy bay - Ảnh: TRẦN XUÂN HÙNG
Ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), chúng tôi khá phấn khởi khi nhận được tấm giấy phép đặc biệt để vào Tây Tạng. Hiện nay, khách nước ngoài muốn vào khu tự trị Tây Tạng ngoài visa thông thường còn phải xin thêm giấy phép đặc biệt, nhưng khi hỏi vì sao phải xin giấy phép đặc biệt thì chỉ nhận được câu trả lời đơn giản: “Đây là khu vực đặc biệt ”, không giải thích gì thêm.

Chuyến bay sớm của Hãng hàng không Tứ Xuyên lao vào không trung trong ánh nắng rực rỡ báo hiệu những tín hiệu tốt lành cho chuyến hành trình dài ngày bằng đường bộ sắp tới của chúng tôi. Hành khách đi trên chuyến bay phần lớn là người Trung Quốc, đến Tây Tạng để khám phá vùng đất huyền bí này. Trong năm 2005 chỉ có 55.000 khách du lịch đến Tây Tạng, trong đó đa số là người phương Tây. Người ta hi vọng trong năm nay, khi tuyến đường sắt cao nhất thế giới nối liền Bắc Kinh với Tây Tạng vừa được đưa vào hoạt động (tháng 7-2006), lượng khách đến Tây Tạng sẽ tăng gấp đôi. “Tuyến đường sắt trên mây” này có thể chạy với tốc độ 120km/giờ trên địa hình đồng bằng và 100km/giờ trong những vùng băng giá với hệ thống đường ray chống đóng băng rất hiện đại.

Cảnh vật qua ô cửa sổ máy bay vô cùng ngoạn mục. Trời và đất gần như không có khoảng cách, chỉ có những đám mây, những đỉnh núi tuyết vùng vẫy với vũ điệu giao hòa giữa trời và đất. Rặng Himalaya sườn phía đông gần như nằm sát cánh chiếc Airbus 319 của chúng tôi. Một cảnh quan thiên nhiên tôi chưa từng thấy bao giờ, những rặng núi cường tráng phủ đầy tuyết trắng vươn lên từ giữa các tầng mây, trời như đang nằm dưới chân những ngọn tuyết sơn và đất như đang thỏa mãn sự ôm ấp của bầu trời. Bỗng một nàng tiên xuất hiện giữa nơi giao hòa trời và đất này, với sự uyển chuyển của vũ điệu hòa vào tiếng nhạc trầm bổng. Cô tiếp viên hàng không người Tạng trẻ đẹp đã hóa thân vào nàng tiên quay cuồng trong điệu luân vũ trên chín tầng mây. Tôi không hiểu tiếng Tây Tạng qua lời bài hát của cô gái, nhưng cái rực rỡ, sôi động cuồng nhiệt của cô gái Tạng đã nói lên tất cả, mời gọi nhưng không sỗ sàng, trong trắng nhưng không xa cách, khao khát nhưng không bao giờ thỏa mãn. Người ta gọi Tây Tạng là “vùng đất của chư thiên”, nhưng tôi lại có cảm giác sắp bước vào con đường của những vũ điệu trong mây trong hàng ngàn dặm đường trước mắt.

Sân bay Gongga ở ngoại vi thủ phủ Lhasa nằm trong thung lũng Yarlung Tsangpo. Đây cũng là tên dòng sông huyền thoại mà bất cứ người Tạng nào khi sinh ra cũng giáp mặt với nó lần đầu tiên, bởi ở đây có tập tục đứa trẻ ra đời phải được nhúng xuống dòng sông băng giá này để xem nó có tồn tại được ở vùng đất cao nhất, khắc nghiệt nhất trần đời này không. Người Tạng bảo Yarlung Tsangpo là “mẹ của các dòng sông”, họ tin rằng những giọt sương đầu tiên tạo nên dòng sông dài 1.000km này xuất phát từ đỉnh Everest và là cội nguồn của những dòng sông vĩ đại ở châu Á như sông Hằng, Mekong, Dương Tử, Hoàng Hà... Weixi - cô phiên dịch người Tạng, người đã khoác lên vai chúng tôi những tấm lụa trắng tinh theo nghi thức ban phước lành của người Tạng - nói: “Cứ đi hết dòng sông này là đến cội nguồn Everest”.


Đỉnh Everest trong nắng sớm - Ảnh: BINH NGUYÊN
Himalaya là một dãy núi ở châu Á phân chia tiểu lục địa Ấn Độ khỏi cao nguyên Tây Tạng, là nơi hội tụ của 14 đỉnh núi cao nhất thế giới: các đỉnh cao trên 8.000m, bao gồm cả đỉnh Everest cao 8.848m so với mực nước biển. Dãy Himalaya trải khắp năm quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Nó cũng là nơi khởi nguồn của ba hệ thống sông lớn trên thế giới, đó là lưu vực các sông như sông Ấn, sông Hằng - Brahmaputra và sông Dương Tử. Khoảng 750 triệu người sống trên lưu vực của các con sông bắt nguồn từ dãy Himalaya, tính luôn cả Bangladesh. (Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)


BINH NGUYÊN

-----------------------------------

Hầu hết những tu viện trên con đường thiên lý chúng tôi đi qua đều nằm trên đỉnh núi như những pháo đài vững chắc của cõi tâm linh. Thế nhưng ở tận những nơi hẻo lánh nhất trong rặng Himalaya, chúng tôi đã thấy bụi trần lan nhanh như những trận tuyết lở...

Kỳ tới: Pháo đài tâm linh
 
VIP
10/2/06
110
0
0
RE: HIMALAYSA, HÀNH TRÌNH TỪ ĐÔNG SANG TÂY

Himalaya hành trình từ Đông sang Tây (Kỳ 2): Pháo đài tâm linh


Các tu sĩ Lạt Ma giáo xuống núi dạo phố - Ảnh: BINH NGUYÊN
TT - Hầu hết những tu viện trên con đường thiên lý chúng tôi đi qua đều nằm trên đỉnh núi như những pháo đài vững chắc của cõi tâm linh. Thế nhưng ở tận những nơi hẻo lánh nhất trong rặng Himalaya, chúng tôi đã thấy bụi trần lan nhanh như những trận tuyết lở.

>> Kỳ 1: Vũ điệu trong mây

>> Video clip hành trình Hymalaya

Sự trần trụi ở Potala

Tôi đã từng bị mê hoặc trước những bức ảnh cung điện Potala ở thủ phủ Lhasa (Tây Tạng, Trung Quốc) được chụp vào bốn mùa trong năm cực kỳ ấn tượng, với chiều cao 137m, uy nghi như một pháo đài thời trung cổ dựa lưng vào ngọn Hồng Sơn (Marpori) luôn phủ tuyết vào mùa đông.

Cung điện được xây dựng từ năm 1644 với hai khu vực được tô tường theo hai màu truyền thống đền đài Tây Tạng. Bạch Dinh - dinh thự trắng - được xây dựng trong 38 năm (1644-1682) và Xích Dinh - dinh thự đỏ - xây dựng 11 năm (1682-1693), nơi đây không chỉ là nơi làm việc, thờ phượng, nhà nguyện, giảng đường tu tập mà còn có cả hệ thống am thất, stupa của tám vị Đạt Lai Lạt Ma. Một thời Potala là biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực và trái tim của Tây Tạng. Vậy mà...

Potala hiện ra trước mắt chúng tôi như một rạp hát hơn là trái tim của Lhasa, những dãy phố xá hiện đại vây chặt lấy cung điện uy nghi. Lính canh đứng dày đặc khắp cung điện, mọi người vào phải mua vé (100 nhân dân tệ, khoảng 200.000 đồng).


Cô bé Tạng một mình trong hoang mạc giá rét - Ảnh: BINH NGUYÊN

Lấy lý do bảo vệ cung điện nên tất cả hộp quẹt đều phải bị tịch thu, nhưng bên trong cung điện vô số khách hành hương tha hồ đi mọi ngóc ngách châm những bình mỡ trâu yak vào hàng vạn ngọn nến để cúng dường. Nhiều tu sĩ đang lâm râm cầu nguyện, nhưng khi chúng tôi đưa máy chụp ảnh lên, một số đấng tu hành cũng mở mắt ra để... đòi thu tiền chụp. Nhiều vị đang thiền định, tu tập sáu âm thần chú "úm ma ni pak me hum..." vừa lấy điện thoại di động ra nghe...

Hầu hết tu viện, đền thờ như Drepung, Jokhang, Tashihunpo, Rongbuk... mà chúng tôi đi qua, nơi đâu cũng thấy người ta thu tiền tham quan và thu tiền chụp ảnh một cách tự nhiên, nhiều khi du khách không có tiền lẻ, các tu sĩ cũng nài nỉ... đưa tiền chẵn để thối lại!

Tôi hỏi Weixi (cô gái phiên dịch) vì sao lại như thế, cô giải thích: "Ngày xưa hầu như không có chuyện này, dần dà đời sống khó khăn, các tu viện phải tự lo không chỉ đời sống tâm linh mà còn cuộc sống hằng ngày nên đời sống cõi trần len vào cõi tâm linh rất nhanh chóng". Hôm đến Tashihunpo, nhìn những tu sĩ vẫn mang những đôi giày vải, ăn những chiếc bánh nướng bằng lúa mạch to lớn kỳ dị, tôi đã hiểu phần nào lời của Weixi.

Con đường thiền định để đạt đẳng cấp Lạt Ma của hàng chục ngàn tu sĩ khắp Tây Tạng đang bị vây chặt bởi sự trần trụi của hạ giới. Những tu sĩ trẻ nơi chốn hoang vu luôn e ngại về xuất xứ hàng trăm năm của những đôi giày vải thô kệch trước những đồng môn đến từ những tu viện các thành phố lớn luôn diện giày Nike, Adidas và điện thoại di động đắt tiền...


Tác giả (phải) cùng đại sư ở Tàng Kinh Các, tu viện Drepung - Ảnh: TRẦN XUÂN HÙNG



Đại sư ở Tàng Kinh Các

Một buổi sáng lạnh lẽo, trong những bước chân mệt nhọc cất bước lên Tàng Kinh Các của tu viện học thuật Drepung nằm trên đỉnh núi xa, có một vị tu sĩ nhập thiền, tay lần tràng hạt mà không hề để ý đến những lữ khách đang tha hồ chụp ảnh, quay phim xung quanh.

Vị đại sư tuy đã tu tại Drepung hơn 20 năm nhưng ông thú thật vẫn chưa đạt tới đẳng cấp Lạt Ma. Cả tu viện có đến 600 tu sĩ, 300 người như ông đã tu hàng chục năm nơi này, số còn lại đến từ phía đông xa xôi nhưng đến giờ chỉ có bốn vị đạt đến đẳng cấp Lạt Ma. Ông hãnh diện cho biết Drepung là nơi các Đạt Lai Lạt Ma đời thứ II, III, IV tu luyện và ông may mắn được giao nhiệm vụ cai quản Tàng Kinh Các.

Ông nói: "Để trở thành Lạt Ma là cả một đời tu luyện và khổ hạnh theo giáo lý nhà Phật đã dạy, vương vấn bụi trần làm gì để đắc tội với chốn chư thiên. Sự giác ngộ là do ta đi tới chứ không phải tự nhiên mà đến". Tôi hỏi về những nhộn nhạo, trần tục giữa chốn chư thiên, đại sư không than phiền mà chỉ im lặng lần tràng hạt, đầy ưu tư...

Đức hạnh ở chốn bụi trần

Khi chúng tôi kể cho Weixi nghe câu chuyện của một người VN từ Tây Tạng trở về kể rằng anh ta đã vào một tiệm massage để làm tình với một cô gái Tạng, sau đó quay trở lại mời cô ta đi ăn tối và kết bạn thì Weixi giận chúng tôi cả ngày và cho rằng điều đó xúc phạm người Tây Tạng.

Weixi sinh ra ở vùng nông thôn hẻo lánh phía nam Tây Tạng, vì đói kém nên năm 10 tuổi cô đã một mình lặn lội ra Lhasa để kiếm sống, cô đã làm mọi nghề để có tiền ăn học, trở thành một trong những nữ hướng dẫn viên du lịch cừ khôi nhất Lhasa "chuyên trị" những chuyến đi vượt Himalaya từ đông sang tây.

Weixi cho biết người Tây Tạng có thể làm mọi việc để tồn tại giữa vùng đất vô cùng khắc nghiệt này kể cả ăn xin, kể cả chấp nhận chết rét giữa bão tuyết, nhưng cô chưa bao giờ nghe chuyện phụ nữ Tây Tạng bán thân nuôi miệng.

Khi trên đường từ Shegar vượt qua hàng trăm cây số trong vùng hoang mạc đầy sỏi đá ở độ cao 5.000m để đổ về vùng "đồng bằng cao" Nyanlam gần biên giới Nepal, đi cả nửa ngày trong gió thét mà không hề thấy một bóng người, chúng tôi nghĩ thầm nếu lỡ không may gặp tai nạn chắc hẳn chúng tôi sẽ không tồn tại nổi vì đói rét và cô độc.

Vậy mà chúng tôi bắt gặp một cô gái tuổi dậy thì đang chăn đàn trâu yak một mình giữa hoang mạc mênh mông. Cô đói và khát, sẵn sàng ngửa tay xin một mẩu bánh nhỏ, nhưng chạm vào cô bé là điều không thể. Người lái xe cho biết cô bé có thể tồn tại giữa nơi hoang vu này mà không hề sợ bị ai xâm hại. Đó là tính cách của người Tây Tạng!

Bất cứ trên những nẻo đường nào đến Himalaya, chúng tôi đều gặp những người Tây Tạng tay cầm Mani tschor khor (vòng quay chuyển pháp luân) và quay liên tục, miệng lâm râm sáu âm thần chú "úm ma ni pak me hum". Theo triết lý Phật tử phái Lạt Ma giáo, khi Mani tschor khor khởi động là đang lập lại hành động tâm linh của Phật pháp cách đây 2.500 năm để đi đến giác ngộ.

Người Tây Tạng tin rằng đó là lúc hội tụ những năng lực tốt đẹp nhất của con người. Đức hạnh chốn bụi trần đã được người Tây Tạng xem là tính cách hàng đầu kể từ hàng ngàn năm trước, khi hoàng đế Tùng Tán Can Bố của đế quốc Tây Tạng đưa công chúa Văn Thành của nhà Đường Thái Tông của Trung Quốc về kinh đô Potala bắt đầu cho việc du nhập Phật pháp vào Tây Tạng...

Họ có thể vừa đi vừa cung tế theo nghi thức "tam bộ nhất bái" hàng ngàn cây số - một nghi thức tôn giáo khổ hạnh nhất trên thế giới để hành hương về thánh địa. Có người đi cả một đời vẫn chưa thể thấy miền đất thánh. Người Tây Tạng có thể tồn tại như thế nào giữa không gian như miền Bắc cực chỉ với một con trâu yak?

BINH NGUYÊN
 
VIP
10/2/06
110
0
0
RE: HIMALAYSA, HÀNH TRÌNH TỪ ĐÔNG SANG TÂY

Cuộc sống trên “nóc nhà thế giới”


Những túp lều du mục bên hồ Namtso - Ảnh: Binh Nguyên

TT - Những người sống trên “nóc nhà thế giới” đã tồn tại như thế nào giữa những đỉnh núi cao hàng ngàn mét bao quanh, nhiệt độ mùa đông xuống đến âm 40-500C?

>> Kỳ 2: Pháo đài tâm linh
>> Kỳ 1: Vũ điệu trong mây
>> Video clip

Vượt lên đời sống băng giá khắc nghiệt, họ vẫn luôn khao khát một cuộc hành hương khổ hạnh nhất thế giới trong cuộc đời.

Khi mùa đông đến sớm

Để chống lại sự khắc nghiệt của độ cao trên “nóc nhà thế giới”, chúng tôi đều mang theo những bình ôxy cá nhân để làm một việc tưởng chừng như quá đỗi bình thường đối với con người: thở! Không khí ở độ cao 4.000 - 5.000m quá loãng khiến nhịp thở thường bị rối loạn và dẫn đến thiếu ôxy trầm trọng trong cơ thể, thậm chí nếu không hạ độ cao kịp thời có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Hôm chúng tôi chinh phục đỉnh La Ken La cao 5.190m, nhiều người đã hụt hơi, tim đập loạn xạ, không thể tự chủ từng cử động của mình. Sau khi thực hiện chuyến khảo sát hồ Namtso - hồ nước mặn duy nhất trên thế giới ở độ cao 4.720m - đã có người bất tỉnh vì thiếu ôxy.

Làm sao những người trên đỉnh núi cao nhất thế giới này có thể tồn tại hàng ngàn năm từ cái thuở chưa hề có thiết bị thở, bình ôxy? Cô phiên dịch Weixi cho biết người Tây Tạng từ ngàn xưa đã tập kiểm soát hơi thở của mình bằng phương pháp thiền của các du già pranayama - những độc cư ẩn sĩ trên những ngọn núi cao mà không ai có thể lên tới được.

Họ đã sáng tạo phương pháp thiền để có thể tồn tại qua hàng chục mùa đông băng giá trong điều kiện ăn uống khắc khổ nhất. Chúng tôi cũng thử tập, hít thở thật sâu, nhưng càng hít sâu càng thấy kiệt sức mau hơn bởi càng hít sâu khối lượng không khí vào phổi, tim gấp hai ba lần làm cho tim phải làm việc nhiều hơn dẫn đến mất sức.

Bây giờ đang là mùa thu, nhiệt độ chưa khắc nghiệt lắm, nhưng những ngọn gió núi vẫn như cắt vào da thịt, mỗi lần cởi găng tay ra để chụp ảnh là một cực hình vì gió rét. Chúng tôi ghé vào tránh gió và ăn trưa trong một túp lều của người Tạng bên hồ Namtso.

Chủ nhân túp lều là một phụ nữ trẻ với đàn con nhỏ mà mặt đứa bé nào cũng sưng tấy do nắng, gió và giá rét. Người mẹ trẻ Tsedendorkaj thở dài và chỉ ra dãy núi bên kia hồ: “Mùa đông năm nay có lẽ đến sớm, bây giờ đang là mùa thu mà đỉnh của ngọn Nyianchen Tangu (cao 6.000m) đã phủ đầy tuyết trắng, một năm vất vả lại đến rồi đấy!”.

Không chỉ chị Tsedendorkaj và những người sống ven hồ Namtso mới lo lắng, mà hầu hết những người sống du mục trên Himalaya đều có chung tâm trạng, bởi quanh năm họ chỉ có khoảng ba tháng làm lụng, sinh kế khi tuyết tan để tích lũy cho chín tháng băng giá khắc nghiệt.

Chị Tsedendorkaj không có tài sản gì ngoài túp lều du mục và đàn trâu yak bên hồ để bán sữa trâu yak, trà bơ, những chiếc bánh nướng khô khốc kiểu Tạng cho lữ khách ghé thăm hồ Namtso. Để tồn tại được qua mùa đông kéo dài, chị phải cố dành dụm cho được 2.000 tệ trong những tháng này, mùa đông đến nhanh nguy cơ đói kém càng cao.

Những đứa trẻ cứ đứng nhìn du khách phương xa ăn trứng, trái cây mang theo không chớp mắt. Chúng tôi ai cũng im lặng nhường khẩu phần của mình cho chúng...


Đoàn người "tam bộ nhất bái" của Tintu Sampe đi từ Chawola về Lhasa đã hơn bốn tháng - Ảnh: Trần Xuân Hùng
Con đường khổ hạnh

Trên đường từ đỉnh La Ken La trở về, trong làn mưa rơi, chúng tôi không tin vào mắt mình khi phía trước mặt là những đoàn người đang hành hương về thánh địa đền Jokhang - một trong những ngôi đền linh thiêng nhất Tây Tạng - với nghi thức “tam bộ nhất bái” (đi ba bước, bái một lạy), một nghi thức tôn giáo dành cho những người hành hương được xem là khổ hạnh nhất thế giới.

Quần áo của họ rách bươm cho dù mũi giày, đầu gối, cánh tay và phần ngực đều được những miếng da trâu dày che chắn rất cẩn thận để chống xây xát khi thực hiện động tác “nhất bái” bằng cách xoài cả người về phía trước trên con đường sỏi đá.

Khi chúng tôi đến hỏi thăm và tặng ít tiền, trái cây cho một đoàn “tam bộ nhất bái” trẻ tuổi, anh Tintu Sampe - 25 tuổi, quê ở tận Chawola hẻo lánh ở miền đông bắc Tây Tạng xa xôi - cho biết nhóm anh có bốn người, đều là những nông dân mộ đạo.

Đối với những người theo Lạt Ma giáo khắp Tây Tạng, một lần trong đời người đều hành hương theo nghi thức “tam bộ nhất bái” về thánh địa Jokhang. Họ đã chuẩn bị chi phí, sức khỏe cho chuyến hành hương này từ nhiều năm qua.

Những chuyến đi về đến Jokhang là niềm vinh dự lớn lao không chỉ của bản thân, mà còn của gia đình, làng mạc của họ. Tintu và nhóm hành hương không hề biết khoảng cách từ Chawola đến Jokhang là mấy trăm cây số, đã bao nhiêu lần thay các tấm da bảo vệ đôi chân, đôi tay và ngực, nhưng họ đã đi ròng rã như thế được hơn bốn tháng trời và hi vọng khoảng một tháng nữa sẽ đến được thánh địa Jokhang!

Thân thể của những người trong đoàn “tam bộ nhất bái” của Tintu đầy thương tích, lộ phí mang theo đã cạn, họ sống qua ngày bằng cách khất thực ven đường. Nhưng họ vẫn vui và cười rất tươi khi chúng tôi chụp ảnh, vì theo Tintu, không phải ai cũng đủ điều kiện và sức khỏe để thực hiện chuyến hành hương khổ hạnh của cả đời người này.

Tôi được nghe câu chuyện xúc động về một gia đình ở vùng Yatung, giáp biên giới với Sikim (miền nam Tây Tạng). Người cha đã bán hết đàn gia súc để thực hiện ước nguyện hành hương “tam bộ nhất bái” về thánh địa xa xôi, nhưng ông đã kiệt sức và chết mất xác trên con đường núi cô quạnh.

Chờ mãi không thấy cha trở về, người con khi lớn lên lại quyết tâm thực hiện ước nguyện của cha. Lên đường “tam bộ nhất bái” qua bao đỉnh núi cao, qua bao thung lũng sâu của rặng Himalaya hùng vĩ để về đến được Jokhang và dâng lên bàn thờ Phật lời khấn cầu hoàn thành sứ mạng đức tin thay người cha đã khuất.

Hai đời người cho một cuộc hành hương khổ hạnh, nhưng họ vẫn mãn nguyện. Vì với họ, cuộc đời là miên viễn cứ xoay vòng như bánh xe mani của vòng quay chuyển pháp luân. Trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, chuyến hành hương khổ hạnh “tam bộ nhất bái” được xem là dài nhất, gian khổ nhất được ghi nhận là của thánh tăng Hư Vân (mất năm 1959), ông đã đi suốt ba năm trời trong tuyết trắng và vượt qua chặng đường dài đến 2.500 km!

Đêm trời lại mưa, cả một ngày mệt mỏi sau những chặng đường dài giá rét, vậy mà tôi không thể chợp mắt được. Tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh của Tintu và đoàn người hành hương “tam bộ nhất bái”. Họ đang làm gì giữa trời đất băng giá kia, con đường hành hương của họ có đến được Jokhang trước một kiếp người?...

BINH NGUYÊN


Đàn trâu yak - "cứu tinh" của người Tây Tạng giữa vùng băng tuyết - Ảnh: Binh Nguyên


Trên những chặng đường Himalaya, chúng tôi luôn thấy những túp lều cô quạnh trên các đỉnh núi cao chót vót của người Tây Tạng du mục. Cuộc sống của họ luôn gắn chặt với đàn trâu yak - đó là một trong những nguồn nuôi sống và là “cứu tinh” của đời sống du mục từ ngàn đời nay.

Ngay trung tâm thủ phủ Lhasa, trên các vật phẩm lưu niệm, biểu tượng trong khắp đời sống người Tây Tạng, hình ảnh trâu yak luôn ở vị trí số một. Nhiều người Tạng nói rằng không biết số phận của họ sẽ đi về đâu nếu không có đàn trâu yak.

Họ uống sữa trâu, ăn thịt trâu. Mỡ trâu cũng được chế biến thành một loại bơ đặc biệt, vừa là thực phẩm chống lại cái lạnh, vừa là nhiên liệu để thắp sáng trong đêm đông. Bộ da và lông là thứ không thể thiếu với họ để làm giày, quần áo chống lại cái lạnh mùa đông âm 40-500C.



oOo

Người ta gọi Everest là cực thứ ba của Trái đất, ngoài Bắc cực và Nam cực, bởi độ cao tuyệt đối của đỉnh núi. Một con đường “hành hương” gian nan không kém của những người dũng cảm đến từ khắp thế giới. Nhưng Everest lại chính là sự bất công của tạo hóa...

Kỳ tới: Everest - cực thứ ba của Trái đất
 
Hạng B2
26/7/05
341
9
18
RE: HIMALAYSA, HÀNH TRÌNH TỪ ĐÔNG SANG TÂY

Khi chúng tôi kể cho Weixi nghe câu chuyện của một người VN từ Tây Tạng trở về kể rằng anh ta đã vào một tiệm massage để làm tình với một cô gái Tạng, sau đó quay trở lại mời cô ta đi ăn tối và kết bạn thì Weixi giận chúng tôi cả ngày và cho rằng điều đó xúc phạm người Tây Tạng.
Thông tin này là từ "Giọt hoa trong nắng" của Văn Cầm Hải: chẳng lẽ bác này xạo nhỉ? Bác Cavan xác nhận dùm em được 0?
 
VIP
10/2/06
110
0
0
RE: HIMALAYSA, HÀNH TRÌNH TỪ ĐÔNG SANG TÂY

@thunder: Ý của tác giả viết rất rõ, tôi nghĩ không cần phải "xác nhận" như bác yêu cầu.
 
Hạng B2
26/7/05
341
9
18
RE: HIMALAYSA, HÀNH TRÌNH TỪ ĐÔNG SANG TÂY

@Caravan:
Bác thứ lỗi, em rất thích bài phóng sự của Binh Nguyên nhưng cũng rất khoái "Giọt hoa trong nắng" của VCH. Em chỉ thắc mắc vì VCH viết rất cụ thể. Hơn nữa ngay trong bài của BN cũng cho thấy các bậc tu hành cũng bị "kinh tế thị trường hóa" rất nhiều. Chẳng lẽ các cô gái Tạng lại "miễn nhiễm"? Có thể Ms. Weixi hơi "lý tưởng" quá chăng?
Kính bác!
 
Hạng B2
6/9/06
128
6
0
RE: HIMALAYSA, HÀNH TRÌNH TỪ ĐÔNG SANG TÂY

Trích đoạn: thunder

các bậc tu hành cũng bị "kinh tế thị trường hóa" rất nhiều. Chẳng lẽ các cô gái Tạng lại "miễn nhiễm"? Có thể Ms. Weixi hơi "lý tưởng" quá chăng?

Bác còn nghi ngờ thì tự bản thân bác đến Tây Tạng một lần thì sẽ giải đáp rõ thôi .... Những gì Nguyen Binh trải qua và cảm nhận đuợc đã ghi rõ hết rồi còn gì ...
 
Hạng C
28/8/05
971
3
0
Hồ Chí MInh City
RE: HIMALAYSA, HÀNH TRÌNH TỪ ĐÔNG SANG TÂY

"Giọt Hoa trong nắng" của bác Văn Cầm Hải viết theo em thì hơi hình tượng hoá vấn đề, có những chuyện viết hư cấu và có vẻ như là nghe kể lại hơn là tận mắt chứng kiến.

Cái phóng sự của bác Bình Nguyên là người thật việc thật hiện nay.

Bác thunder cứ thế mà so sánh nhé.