Mọi người đều đã quá quen thuộc với xe Land Cruiser của Toyota rồi nhỉ, nó là một trong những loại xe 2 cầu nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng Toyota còn có 1 loại xe 2 cầu ác chiến hơn nhiều so với Land, đấy là Mega Cruiser
Nghe tên Mega đã thấy to rồi phải không nhỉ?
Đây là loại xe 2 cầu to nhất của Toyota đấy, kích thước này:
Chiều dài 5m09 chưa kể lốp dự phòng thì nghe cũng chưa dài lắm, còn ngắn hơn Ford Ranger (5m13), thế thì Mega ở cái chỗ nào?
Đây ạ, xem cái chiều rộng của nó này, 2m17 chưa kể gương. Ở trong thân xe nó mà còn rộng đến 2m05.
Chiều cao cũng tương xứng với chiều rộng, 2m08
Còn đây mới là cái Mega nhất này
Thấy gì không?
Khoảng sáng gầm xe là 420 mm.
Xin nhắc lại là 420mm, có nghĩa là hơn gấp đôi hầu hết các loại xe 2 cầu khác, vốn chỉ khoảng 200mm.
Mega Cruiser vốn xuất thân từ xe quân sự của Nhật, có thể coi là một đối thủ ngang sức ngang tài của Hummer, Mỹ. Do chưa được phổ biến rộng rãi trên thế giới, cộng với giá bán tại Nhật đã khoảng 90.000$ nên các website nói về loại xe này cũng rất hạn chế.
Tuy thế, một tính năng khiến cho Mega Cruiser ăn đứt Hummer, đấy là ngoài khả năng dẫn động bốn bánh toàn phần (full time 4WD), nó còn có khả năng lái cả 4 bánh (4WS = 4 wheel steering), khiến cho bán kính vòng quay của nó chỉ còn 5.6m (ối giời ơi, quả xe Vitara của tôi cũng đã đến 5.4m rồi), vì thế nó có thể xoay trở ở những địa hình hẹp rất tốt.
Hệ thống động cơ và truyền động của Mega được đặt kín ở trong thân xe, hầu như không thể bị chướng ngại vật va phải
Với kích thước khổng lồ như thế, không gian bên trong xe quả là mênh mông.
Cái cục to to ở giữa 2 ghế trước chính là hộp số tự động 4 số + cầu phụ 2 tốc độ. Ngoài ra còn có cả radio cassette cũng gắn ở bên cạnh lái xe, thay vì ở phía trước.
Còn đây là panen điều khiển của xe, khá đơn giản.
Ở trên bảng điều khiển, bên cạnh tay lái, phía trái, có 1 cái công tắc, phóng to ra như sau:
Bạn có đoán ra đấy là cái gì không?
Đấy là công tắc điều chỉnh áp suất của lốp xe đấy, có 2 mức, 2.2kg/cm2 dùng cho đi địa hình không lún như đất đá, và mức 1.0kg/cm2 dùng để đi địa hình lún như cát, bùn. Phải giảm áp suất để cho diện tích lốp nằm trên bề mặt tăng lên, giảm lực đè lên bùn, cát.
Đây là mặt cắt ngang của lốp xe và hệ thống vành + trục, cái phần màu xám là đường đi của không khí từ máy nén khí, qua trục vào vành và vào lốp xe.
Bây giờ là hình của hệ thống trục + bánh răng truyền động đến bánh xe.
Phía bên phải của hình là 2 trục 1 to 1 nhỏ. Trục to bên trên là trục truyền động chính từ bộ vi sai, lực sẽ đi qua 1 cặp bánh răng rồi mới đến trục của bánh xe nằm bên dưới. Vì thế khoảng sáng gầm xe đã được nâng lên cao, đạt mức 420mm.
Trục nhỏ bên dưới chính là đường dẫn khí vào để bơm và xì lốp đấy.
Cũng vì thiết kế trục bánh răng truyền động đến từng bánh xe, nên đĩa phanh không có chỗ ở ngay bên trong của bánh xe nữa, mà phải đặt lên trên, ngay bên ngoài của bộ vi sai. Như vậy trục truyền động đến bánh xe phải chịu toàn bộ lực phanh, chứng tỏ nó phải rất khỏe.
Bạn đã mệt mỏi chưa? Mấy cái hình cuối này là nội thất và ngoại thất của Mega, miễn bình luận nhé.
Còn cuối cùng là thông số kỹ thuật
Toyota MegaCruiser 1997
-Loại xe station wagon có mui cứng, 6 chỗ ngồi, 4 cửa
-Dài: 5090mm, rộng: 2170mm, cao: 2075mm
-Khoảng cách trục: 3395mm, khoảng cách giữa tâm 2 bánh: trước 1795mm/ sau 1775mm, khoảng sáng gầm xe: 420mm
-Góc tiếp cận trước: 49 độ, sau: 45 độ
-Bán kính quay vòng: 5.6m (lái cả bánh trước và sau)
-Trọng lượng: 2850kg (không tải), Trọng lượng toàn tải: 3780kg
-Động cơ 15B-FT, 4106cc, diesel, 4 xilanh, có bộ tăng áp và làm mát khí nạp, 4 van mỗi xilanh
-Công suất: 114kW ở 3200rpm, Mômen: 390Nm ở 1800rpm
-Truyền động: 4 số tự động, 4x4 toàn phần với khoá vi sai trung tâm, tỷ số cầu chậm 2.488:1, tỷ số truyền của trục bánh răng 1.69:1
-Hệ thống treo: trước/sau: tay đòn - lò xo giảm chấn, phanh: đĩa trước sau (trong thân xe)
-Lốp xe: 37x12.5R17.5 8-ply