Hạng F
Thành viên BQT
8/6/16
5.628
12.531
113
Sài Gòn
TP HCM yêu cầu khởi động lại đề án lệch ca - lệch giờ


Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa, dù đụng chạm nhưng vẫn phải nghiên cứu triển khai việc lệch ca - lệch giờ để giảm ùn tắc đang ngày càng nghiêm trọng.

Ông Lê Văn Khoa vừa giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề án đi làm lệch ca, lệch giờ để kéo giảm tình trạng kẹt xe.
"Triển khai giải pháp đi làm lệch ca, lệch giờ sẽ đụng chạm nhưng vì cái chung thì vẫn phải làm, thế giới đã làm rồi và mang lại hiệu quả. Nếu cứ bàn lui muôn đời không thực hiện được", ông Khoa nói và yêu cầu đề án phải được trình sau Tết Nguyên đán.

TP HCM yêu cầu khởi động lại đề án lệch ca - lệch giờ



Vấn đề này, theo ông Khoa, thành phố không chủ quan triển khai với nhóm đối tượng lớn vì sẽ gây ra khó khăn. Phải làm thận trọng, chừng mực và theo khu vực có thể quản lý như khối công chức nhà nước, trường học... "Sinh viên thường thức khuya học bài, dậy trễ nên có thể đi học trễ hơn so với học sinh tiểu học", ông Khoa lấy ví dụ và cho biết nếu đạt kết quả tốt sẽ từng bước mở rộng.Phó chủ tịch UBND TP HCM dẫn chứng ở nước ngoài công chức khối hành chính đi làm trễ về trễ, khối nhà máy sản xuất đi làm sớm về sớm… "Tất nhiên, khi mình triển khai có người nói phải rước con rước cái, nhưng nếu nói vấn đề đó thì muôn đời không làm được", ông Khoa nêu quan điểm.

Chủ trương học lệch giờ làm lệch ca đã được chính quyền TP HCM nghiên cứu từ năm 2001. Tháng 10/2007, thành phố đưa ra kế hoạch 6650 với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, giải pháp đầu tiên và được xem là trọng tâm chính là bố trí lại giờ làm việc và học tập.

Phó chủ tịch thành phố phụ trách lĩnh vực giao thông đánh giá tình trạng ùn tắc hiện rất nghiêm trọng. Vì vậy, cùng với nhiều chương trình khác, "lệch ca - lệch giờ" là một trong những giải pháp cấp bách trong năm 2017. "Không nói nhiều bàn nhiều nữa, giải pháp đã đưa ra hết rồi giờ bắt tay vào làm thôi", ông Khoa nói.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nói rằng ông ủng hộ đề án này. Từ khoảng 10 năm lại đây, ngành giáo dục thành phố đã bố trí học lệch giờ giữa các cấp học khoảng 15 phút để giảm ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, phòng giáo dục các quận huyện cũng sắp xếp giờ tan học cho các trường ở cùng một tuyến đường lệch nhau 15-30 phút để tránh kẹt xe do lượng phương tiện đổ về cùng một lúc. Các trường học ở cùng một tuyến đường phải thống nhất giờ học, nghỉ để có khoảng trống "lệch giờ".

"Việc bố trí lệch giờ học thời gian qua đã mang lại hiệu quả, giảm bớt áp lực giao thông giờ tan ca. Tôi nghĩ phương án bố trí lệch giờ giữa các trường trên cùng một tuyến đường cần duy trì", ông nói và cho biết, với đặc thù ngành giáo dục việc triển khai các tuyến xe buýt của trường đưa đón học sinh cũng góp phần giảm áp lực giao thông.

Cùng với phương án lệch ca - lệch giờ, UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở GTVT làm việc với đơn vị đề xuất đề án thu phí ôtô vào nội đô bổ sung, hoàn chỉnh lại đề án để sớm trình UBND TP HCM xem xét. Đồng thời, phải hoàn thành 34 công trình cấp bách trong năm 2017 như kế hoạch đã đề ra để kéo giảm ùn tắc.


Nguồn : Vnexpress