Việc áp thuế ôtô cũ nhập khẩu: "Các đại gia muôn ngàn lần cảm ơn"!
"Chúng tôi chân thành cảm ơn quý tổng cục vì sự ủng hộ quý báu"... Lời cảm ơn trên của Cty Toyota VN gửi tới Tổng cục Hải quan (TCHQ) bởi "sáng kiến" áp thuế tuyệt đối, đẩy giá xe ôtô cũ NK lên cao hơn xe mới sản xuất trong nước.
Song chính "sáng kiến" này đã tạo điều kiện cho các đại gia thực hiện được "cam kết" không giảm giá ôtô trong năm 2006. Đây cũng là tiêu điểm kinh tế thu hút dư luận trong tuần.
Để đối phó với xe cũ NK, các đại gia đã áp dụng chiêu thức khuyến mãi phần trăm giá bán, trên hình thức họ vẫn treo giá bán như cũ, đây thực tế chỉ là chiêu thức đánh lừa các nhà hoạch định chính sách khi áp thuế tuyệt đối cho xe NK, còn tại các salon ôtô, các nhân viên bán hàng sẵn sàng hạ giá từ 8.000-10.000USD cho khách mua xe. Vô hình trung, cách làm này đã làm thất thu một lượng lớn tiền thuế của Nhà nước. Cùng một chiếc xe bán ra, hoá đơn xuất có thể giữ nguyên giá nếu bán cho cơ quan nhà nước, lại có hoá đơn xuất thấp hơn nhiều giá niêm yết (nếu bán cho tư nhân) nhưng vẫn được cơ quan thuế coi là chuyện bình thường. Đây có thể coi là hành vi bán phá giá.
Trong khi Thứ trưởng Bộ TC Trương Chí Trung vẫn trước sau như một duy trì bảng giá tính thuế tuyệt đối cho xe cũ NK, mà không căn cứ vào giá xe thực bán của các LD để điều chỉnh như trong quyết định 69/QĐ-TTg. Thật khôi hài khi ông Trung phàn nàn: "Tại sao nước ngoài không thấy thắc mắc, mà chỉ thấy người dân bức xúc?". Xin thưa, các Cty LD đang được chính chủ trương của Bộ TC bảo hộ để móc túi người tiêu dùng trong nước, thì làm sao họ thắc mắc được. Họ chỉ có thể cảm ơn thôi!
Cũng không thể bỏ qua một bất công khác - đó là việc các nhà quản lý cũng như các đại gia đang thao túng thị trường ôtô trong nước đã cố tình coi xe cũ như một thứ ngoáo ộp để hù doạ dư luận. Từ đó, một loạt hàng rào cả chính thức lẫn không chính thức được dựng lên, tất cả đều để làm nản lòng những ai có ý định NK xe cũ. Trong khi xe cũ được quản lý chặt chẽ bao nhiêu, thì xe lắp ráp trong nước được quản lý lỏng lẻo bấy nhiêu, chính các nhà sản xuất cũng phải công nhận những loại xe lắp ráp tại VN chỉ có thể sử dụng tại VN mà không thể xuất được đi đâu. Xe ôtô lắp ráp trong nước chất lượng thấp, nhưng giá cao nhất!
Thế nhưng các nhà quản lý không hề công khai lộ trình giảm thuế xe cũ, giảm giá xe trong nước và người tiêu dùng không hề được biết một cách tường tận. Chỉ thấy các nhà hoạch định chính sách mỗi người nói một kiểu: "Ông tài chính" nói thuế cao để bảo hộ công nghiệp ôtô trong nước; "ông thương mại" thì nói nhập xe cũ giá rẻ, chất lượng tốt sẽ buộc các LD trong nước nâng cao chất lượng, hạ giá bán...
Tháng 5.2006, có 10 chiếc xe nhập về tuy là xe cũ, nhưng vẫn còn tốt hơn nhiều so với xe mới lắp ráp trong nước, giá tất nhiên rẻ hơn, khiến cho các nhân viên HQ xưa nay chỉ quen với giá xe cao nhờ bảo hộ và giá tối thiểu được áp một cách duy ý chí không thể tin nổi, dù đó là sự thật. Vì vậy, HQ đã không chấp nhận giá mua xe mà các DN khai báo, với lý do giá DN khai báo trong tờ khai HQ thấp hơn so với giá xe cũ họ tra trên mạng (!?). Có thể khẳng định đây là cách làm máy móc của HQ. Bởi vì giá trên mạng là giá của các công ty kinh doanh đưa lên để tham khảo, còn xe cũ là xe thuận mua vừa bán, người mua có quyền mặc cả hoặc mua tận nhà người bán.
Thật khó hiểu, QĐ 69/QĐ-TTg đã được chính Thủ tướng ký ban hành, khi đưa ra thực hiện vẫn bị làm cho sai lệch. Nếu áp thuế theo giá HQ tra trên mạng, thì vô hình trung bảng thuế tuyệt đối do Thủ tướng ban hành không còn giá trị! Nếu HQ thực sự có trách nhiệm với việc chống thất thu thuế cho đất nước, tại sao hơn chục năm qua lại làm ngơ cho các hãng ôtô nước ngoài NK vào VN các bộ linh kiện ôtô đắt gấp nhiều lần xe nguyên chiếc bán trên thị trường, gây thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế, mà không hề có cuộc tham vấn nào?
Tất nhiên, các đại gia hiện đang thao túng thị trường ôtô nước ta vui mừng hơn ai hết. Rồi đây sẽ còn nhiều lời cảm ơn của các đại gia này gửi tới các nhà làm chính sách vì hơn ai hết, họ gặt hái được rất nhiều cái lợi từ những "sáng kiến" kiểu này! (Nguồn Báo Lao Động)