Status
Không mở trả lời sau này.
Hạng D
13/9/09
3.006
10.477
113
52
Simacai nằm ở phía Cực Bắc của đất nước, thuộc tỉnh Lào Cai. Đây là một câu chuyện gần như thật 100% về chuyến đi phượt tết của tụi em năm đó, thằng bạn có khiếu văn chương đã viết thành truyện và in thành sách, mời các bác đọc chơi

Đón tết ở Simacai
Tạp bút
Anh bạn phóng viên ảnh gọi điện: "Này ông, mệt mỏi quá, tù túng quá, không gia đình toàn tập đi!" Tôi đồng ý một cách hào hứng.

Những người còn son rỗi, đón Tết ở nhà hay ở đâu đó trên quả đất là chuyện không khó. Đối với tôi, tuy là thằng hay đi nhưng tết nhất thế này, bỏ vợ bỏ con ở nhà là chuyện khó. Tìm lúc thuận lợi tôi bảo với mấy đứa con: “Tết này bố đi vắng. Thằng Cả cấm cướp tiền mừng tuổi của con Gái. Mấy đứa ở nhà thay bố giúp mẹ chúng mày chuẩn bị Tết nhé". Vợ tôi đang ngồi gói bánh chưng trong bếp, nghe thấy, hỏi vọng : "Bố nó lại đi à? mà đi đâu thế? năm hết tết đến rồi". Tôi bảo: "Lên mạn ngược".

Tôi gọi thêm mấy người đồng hành. Ngoài tôi và cậu phóng viên, còn hai kẻ chán đời khác. Một kẻ là Võ Sư, bạn thân thiết của tôi vốn ham thơ phú, thích Nguyễn Tuân, nhưng lại sợ vợ. Từ ngày kết giao với tôi cũng ngấm được phần nào chân lý đơn giản vợ là cái nợ đời. Kẻ kia thì làm giám đốc một công ty bé tí tẹo buôn bán máy tính. Cũng muốn thoát cái cảnh cơm áo gạo tiền.

Vợ tôi xếp cho mấy cái bánh chưng, khúc giò, ngậm ngùi bảo: "Bố nó đi cẩn thận. Ngày tư ngày tết, hàng quán không có đâu. Đói thì khổ”. Tôi bảo: "Nguời xưa tiêu dao chỉ có thanh kiếm với túi thơ. Đọc thơ, múa kiếm, uống rượu. Tôi chả thấy nói đến ăn bánh chưng với ăn giò bao giờ cả”. Vợ tôi nguýt một cái rõ dài: "Đói rã họng ra đấy còn múa kiếm với đọc thơ. Bố nó điên nặng quá!"

Sáng sớm 30 tết chúng tôi khởi hành. Trời hanh hanh lạnh. Đường phố thưa thớt người đi lại. Trên xe có 4 người. Tôi cầm lái. Ba cậu kia đang hô hố ha há kể cho nhau nghe làm sao để lừa vợ lừa con để được đi chuyến này. Võ Sư yêu thơ ngân nga:

Lấy gió làm lời, cây rừng làm nhạc.
Ta hát vang bài Du ca.
Lấy mây mù làm giấy, nước sông làm mực.
Ta vẽ nên cung đường bất hủ.

- Thơ thẩn như cục cứt ấy. - Cậu giám đốc lầu bầu rồi rút trong hành trang của mình một chai rượu vodka - Làm một hớp cho khí thế. Riêng cầm tài thì uống hai hớp, lái cho lụa.

Xe đã chạy đến đường cao tốc Thăng long. Hai bên đường, những người bán đào quất đã xếp thành dãy. Thấy bảo đào năm nay mất mùa rất đắt. Võ Sư bảo tôi dừng xe mua cành đào, bảo:"Để tao buộc cành này lên nóc xe cho nó máu. Tí nữa gặp, mua thêm con gà trống. Vừa đi vừa gáy cho có không khí". Mọi người trên xe hưởng ứng vỗ tay khen Võ Sư có đầu óc thơ ca. Bạn tôi sướng, cười nhe bộ răng như bừa gẫy. Trông chả ăn nhập gì với tâm hồn thi sỹ! Võ Sư như chợt nhớ, hỏi: "Mà mình đi đâu nhỉ". Tôi bảo: “Lên Simacai". Võ Sư giở bản đồ, dò dẫm xem Simacai nằm ở đâu.

Chiều hôm đó chúng tôi lên đến Bắc Hà.
Chị chủ nhà trọ thấy bốn thằng bước xuống xe chạy ra xua tay quầy quậy: "Mấy bố bản, về đi. Qua tết hãy đến. Mọi người nghỉ cả rồi".
Chúng tôi không hiểu gì hỏi lại: "Hết phòng à?"
Đến lượt chị chủ ớ người đứng như phỗng rồi nở nụ cười cầu tài: "Còn chứ, còn chứ. Tôi tưởng các ông lên nhận TV".
Chúng tôi nhìn nhau, hoá ra thằng nào cũng mặc quần áo Mèo đen. Chị chủ nhà giải thích tiếp: "Tôi làm ở ban Định Canh Định Cư. Nhà nước đang phát không TV cho những bản vùng sâu vùng xa. Trông các anh cứ như bố bản".

Tôi và Võ Sư ở một phòng. Cậu giám đốc với cậu phóng viên ở phòng bên cạnh. Chúng tôi chuyển đồ vào phòng. Cành đào trên nóc xe như gặp bão trái mùa, rụng gần hết hoa. Tôi cho chị chủ nhà làm quà. Trên này người ta vào rừng chặt đào, không có đào cảnh như dưới xuôi. Chị chủ nhà lại hỏi: "Các bác là công an à? Cái xác mới tìm thấy bên khe núi bị làm sao thế”? Tôi bảo: "Không, chúng tôi không là công an. Chúng tôi là những kẻ tâm thần".
Chị chủ nhà không dám hỏi tiếp, quay mặt đi chỗ khác. Cô con gái chị chủ nhà vừa quét nhà vừa liếc tôi tủm tỉm. Có lẽ ở tuổi mười bảy, mười tám cô ấy hiểu từ tâm thần rộng hơn mẹ cô.

Tám giờ tối chúng tôi ra đường. Thị trấn Bắc hà tĩnh lặng. Một vài người dân tộc hối hả bước về nhà cho kịp giao thừa. Chắc bản của họ phía sau rặng núi đằng kia. Đèn đường vàng vọt. Một vài gia đình đang ăn bữa tất niên. Có tiếng cụng ly nhưng không ồn ã như dưới xuôi. Trời lạnh. Tôi xốc lại cổ áo, đội thêm cái mũ cho ấm.

Tôi chợt nhìn thấy một ngưòi đàn ông đang ngồi trên vỉa hè. Tóc dài quá vai, cứng quèo, xù như lông nhím. Quần áo rách nát. Bên cạnh là cái bao tải dứa không rõ có gì bên trong. Người đàn ông đang ngồi ăn bánh chưng. “Hay chưa kìa” - Tôi chỉ cho mấy người bạn: "Đấy, thế mới là giang hồ". Chúng tôi tiến đến ngồi xuống bên cạnh. Người đàn ông giấu cái bánh vào bao dứa, nuốt vội miếng nhai dở trong mồm, nhìn chúng tôi ngờ vực.
Tôi bảo: "Tao không cướp bánh của mày đâu, cứ ăn đi. Tao ngồi chơi với mày thôi". Tôi đưa thuốc ra mời. Người đàn ông lấy liền cả bao rồi cất đi. Tôi bảo người đàn ông: "Như mày là sướng, chẳng phải lo nghĩ gì". Võ Sư bốc đồng: "Hay là hôm nào anh em tổ chức đi ăn xin". Tôi bảo: "Tao chưa điên như thế".

Giao thừa chúng tôi về phòng trọ. Bày con gà, cái bánh ra sân. Thắp nén nhang vái trời, đất, ông bà tổ tiên rồi bật rượu uống với nhau. Lúc này, ở nhà, chắc thằng Cả đang kê ghế thắp hương. Nó cũng lớn rồi, thay tôi làm được khối việc.

Cô con gái bà chủ chạy ra sân ngồi cùng chúng tôi. Tôi mời một chén. Uống đi em, uống cho hồng má, son môi. Rượu vào, mắt cô bé lúng liếng, xinh tệ. Ngày xưa, tôi đếm từng ngày đợi Tết. Tết tôi có áo mới, được đốt pháo, được mừng tuổi. Giờ già rồi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy Tết. Từ Tết này đến Tết kia nhanh tựa cái nháy mắt. Tôi nói khẽ với cô bé, chẳng ăn nhập gì với không khí giao thừa: "Đừng làm người lớn, khổ lắm!" Cô bẽ khẽ nhíu mày, lắc lắc đầu, mắt ươn ướt hỏi tôi: “Anh có thích thơ tình không". Tôi bảo không và chỉ sang Võ Sư: "Thơ ca thì hỏi ông kia kìa. Nhưng thơ của ông ấy toàn mông với vú thôi". Cô bé cười hinh hích kêu bậy quá rồi chạy vào nhà.

Sáng mùng một. Tôi dậy sớm đánh thức mọi người. Thay bộ quần áo mới, sang chúc tết anh chị chủ nhà rồi đi ra ngoài đường đón xuân. Tết trên này lặng lẽ. Chúng tôi thích thế. Chúng tôi đi tìm người đàn ông đêm qua để mừng tuổi. Chỗ ông ta ngồi chỉ còn chiếc lá bánh và mấy đầu mẩu thuốc lá.

Ngày mùng một trôi qua lặng lẽ như tôi muốn. Chập tối đã thấy cậu phóng viên máy móc đầy người, đứng đợi ở sân. Giục giã mọi người mau mau để xem Xoè. Tôi rủ cô con gái bà chủ đi cùng. Cô ta nghĩ một lúc rồi gật đầu đồng ý.

Xoè của người Thái. Thanh niên nam nữ vừa múa vừa hát, cồng chiêng ùm xoẹ. Tôi không hiểu họ hát về cái gì vì không biết tiếng dân tộc. Cô con gái chủ nhà giải thích, bài này cầu mưa thuận gió hoà, bài kia về tình yêu... Cậu phóng viên bấm máy lia lịa. Cậu giám đốc ve vãn cô này một tý, cô kia một lát. Võ Sư bạn tôi cũng nhảy múa, la hét như điên. Vui đáo để!

Xem chán. Múa chán. Mọi người rủ nhau về. Cô con gái chủ nhà cứ nấn ná, ý chừng rủ tôi đi chơi tiếp. Cô đang ở độ tuổi muốn thành người lớn. May tôi là thằng tử tế. Không thì đêm ấy cô ta thành người lớn thật.

Sáng mùng hai, chúng tôi lên xe ra khỏi thị trấn Bắc Hà. Hai bên đường hoa mận, hoa mơ nở trắng núi trắng rừng. Võ Sư thốt lên: "Đẹp quá, đời người, mấy ai được nhìn thấy cảnh này". Một mầu trắng xóa kéo dài tít tắp tưởng chừng đến tận cuối chân trời. Hoa tuyết trời Tây cũng trắng đến thế là cùng.

Gần trưa chúng tôi đến được lễ hội Xín Chải của người Mèo. Hội được tổ chức trên một bãi đất rộng bằng cái sân vận động. Những cô gái Mèo Hoa váy đỏ sặc sỡ, da trắng hồng, mắt đen láy địu con đi hội. Hội có ném còn, đu tiên, múa giáo, thổi khèn. Các cô gái nhìn chúng tôi lạ lẫm hỏi bằng thứ tiếng líu lo của họ. Tôi đần mặt cười ngớ ngẩn. Một cô giọng Kinh lơ lớ bảo: "Bọn mày ở Lai Châu sang chơi à? Sao không nói tiếng Mông?" Tôi cười: "Tao là người Kinh, quần áo tao mua ở Lai Châu". Tôi nhìn các cô đắm đuối rồi trêu tiếp: "Tao thích chúng mày lắm. Lấy tao nhé". Các cô gái hi hi cười, dụi đầu vào vai nhau giấu khuôn mặt ửng hồng.

Cậu phóng viên mải miết chụp ảnh, đấy là niềm đam mê của cậu ta. Võ Sư nhẩy vào hội múa giáo. Bệnh nghề nghiệp nổi lên, tay chân ngứa ngáy không yên. Ông múa máy bài quyền gì đó nhưng lâu ngày không tập tành nên cơ khớp cứng đờ. Thanh niên Mèo đứng quanh hò reo cổ vũ, ông lại càng hăng. Tôi vội kéo ông ra, bảo: "Ông đừng dại, thằng nào nó cho ông hòn gạch vào đầu thì khốn". Ông cãi lại: "Ở đây làm gì có gạch". Tôi bảo: "thì đá vậy, đá còn rắn hơn gạch".

Buổi trưa, chúng tôi ăn luôn tại hội. Không có thắng cố như hồi nào sách vẫn viết. Những người đàn bà Mèo bây giờ bán món mì bánh đa thịt lợn. Món này, chắc cao sang hơn thắng cố lại dễ chế biến, bảo quản.

Thị trấn Simacai có hơn chục nóc nhà chạy dọc hai bên đường. Chúng tôi dừng lại tìm chỗ uống nước. Mấy bà già Mèo bắc ghế ra đường ngồi phơi nắng. Họ im lìm, mắt lim dim như ngồi thiền. Cái thị trấn bỗng nhốn nháo khi xe ô tô chúng tôi đến. Trẻ con chạy túa ra đường, nháo nhác, chỉ trỏ. Mấy chú bộ đội biên phòng trên mỏm đồi bên cạnh cũng chạy ra sân xem. Ở đây buồn quá mà!

Chúng tôi đi tiếp lên Cán Cấu dự hội. Về cơ bản cũng giống như ở Xín Chải, có thêm cuộc thi bắn nỏ. Lễ hội trên một quả đồi trọc. Phần lớn người ở đây không biết tiếng Kinh, giao tiếp vô cùng vất vả. Mấy đồng chí công an viên trẻ tuổi, thấy chúng tôi bèn hỏi giấy tờ. Đây là vùng giáp biên giới nên có qui chế hành chính riêng.

Đêm hôm ấy, vào bản thì xa, chúng tôi ngủ trên xe để mai đi chơi tiếp. Trời lạnh, thi thoảng tôi lại thức giấc, khởi động xe, bật lò sưởi. Võ Sư ngủ mơ, miệng lải nhải cái gì không rõ. Chắc là nhắc lại lời bài hát của người Mèo. Tay chân anh cụng cựa, giật giật, chắc là đang đánh võ.

Ngày hôm sau, lịch trình tiếp tục như thế. Chúng tôi muốn đi tìm sự trinh nguyên, đi đến những nơi còn hoang dã, bản năng, để tạm quên đi cuộc sống đô thị ngột ngạt hiện tại. Võ Sư lại cao hứng bốc đồng: "Hay là bỏ Hà Nội lên đây ở". Tôi lại bảo: "Tao chưa điên như thế".

Tối hôm ấy, chúng tôi lại về Bắc Hà. Chị chủ nhà thông báo: "Tìm ra được thằng giết người rồi. Chém vỡ đầu cướp của rồi vùi xuống khe". Tôi lẩm bẩm: "Lại vì tiền ư? Sao không vì tình nhỉ". Nếu vụ án này mà là vì tình, chắc chắn hung thủ sẽ nhận được sự cảm thông của tôi.
Cô con gái chủ nhà vui mừng chạy ra đón chúng tôi. Tôi nhìn thấy ánh lửa trong đôi mắt biêng biếc ấy. Buổi tối, cô lại rủ tôi đi chơi. Tôi từ chối. Tôi bảo: "Mai bọn anh về rồi". Cô khẽ thở dài: “Bao giờ anh lại lên đây". Tôi trả lời không biết và bảo cô vào nhà.
Sáng hôm sau, chúng tôi về sớm. Cô con gái chủ nhà đã đứng đợi ở xe ô tô. Cô giúi vào tay tôi tờ giấy, bảo là thơ tình. Tôi cười, nhắc lại: "Đừng làm người lớn, khổ lắm".

Về đến Yên bái, tôi bật điện thoại di động. Lập tức chuông đổ liên hồi. Tôi hối hận vì đã bật sớm. Đầu dây bên kia có tiếng nói: "Chúc mừng năm mới, chúc năm nay anh ăn nên làm ra bằng năm bằng mười năm ngoái". Tôi lẩm bẩm: "Lại tiền" rồi ngơ ngác, tiếc nuối hỏi mọi người trên xe: "Hết tết rồi à"?


Cao Sơn.
 
Hạng B2
27/3/11
354
1
0
phong cách hành văn của bác rất chân thực, gần gũi với đời thường! Cool.... ^^
 
Hạng D
13/9/09
3.006
10.477
113
52
Lâu quá rồi nên em bị thất lạc mất ảnh to, chỉ còn mấy tấm nho nhỏ tìm lại được

Đón Tết ở Simacai

Trong hình này là mấy thằng tụi em đi phượt hôm đó, mặc quần áo người Mèo nên bà chủ nhà trọ tưởng là bố bản ra xin TV. Bên trái nhất là Cao Sơn, tác giả của truyện, giữa là "nhà báo" và bên phải là "võ sư", còn em là cái thằng chụp ảnh nên không có trong ảnh hihi

Đón Tết ở Simacai

Con gái H'mong Bắc Hà thật đẹp

Đón Tết ở Simacai

Trang phục rất là sặc sỡ
 
Last edited by a moderator:
Status
Không mở trả lời sau này.