Thêm động lực cho bác đây
http://m.dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/nhung-ong-bo-tuyet-cu-meo-20150918094243632.htm
Ông bố xăm hình máy trợ thính để con thấy mình rất giống bố
http://m.dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/nhung-ong-bo-tuyet-cu-meo-20150918094243632.htm
Ông bố xăm hình máy trợ thính để con thấy mình rất giống bố

Rất cảm ơn những lời động viên, chia sẻ của các bác.
@Duy Nguyen: Tại lúc em ở Cần Thơ em cũng chưa xác định chính xác được nên em không chia sẻ với bác, thậm chí bố mẹ đẻ em cũng không chia sẻ vì sợ các cụ buồn.
Em tiếp.
Qua gần hai tháng kiểm tra, đo đi, đo lại và xác định chính xác cu cậu bị điếc bẩm sinh. Hai vợ chồng về nhà buồn không tả xiết, nhìn con chơi đùa mà nước mắt cứ chảy ngược vào trong. Đêm đêm, sau khi con ngủ hai vợ chồng vắt tay lên trán nằm suy nghĩ mông lung, nước mắt vợ lại chảy dài mà em không biết an ủi làm sao, cứ nắm tay nhau đứa khóc ngược, đứa khóc xuôi... Ngẫm lại những gì đã qua, hai vợ chồng chiêm nghiệm nguyên nhân cu cậu bị điếc là vì sao? Thông thường bác sĩ khuyến cáo trong quá trình mang thai nếu thai phụ bị bệnh cần uống thuốc thì phải có chỉ định của bác sĩ... Vợ em khi mang thai thì gần như chẳng bao giờ uống thuốc, cũng chỉ cảm sốt, viêm họng sơ sơ mà lần nào thì cũng tới bệnh viện để khám và bác sĩ kê toa, thuốc uống thì cũng chỉ là những loại đơn giản chứ không phải loại kháng sinh liều cao hay uống thuốc tùy tiện. Vậy là nguyên nhân di chứng do uống thuốc kháng sinh trong giai đoạn mang thai bị loại trừ. Vậy sao cu con lại bị như vậy? Ngẫm đi ngẫm lại, hai vợ chồng sức khỏe bình thường, sinh hoạt bình thường, năm nào cũng khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm kiểm tra đều không vấn đề gì, vợ em thậm chí còn biết và nhớ chính xác khoảng thời gian thụ thai không sai lệch quá 10 ngày... Nghĩ mãi cũng không ra, cuối cùng em chột dạ, trước đó vợ em đi Sing chơi mấy ngày, khi về bị cảm cúm cả tuần không khỏi vì không chịu đi bác sĩ cũng như mua thuốc uống, sau một tuần không khỏi mới đi khám tại phòng khám tư nhân và lấy thuốc uống, uống chừng 3 ngày thì khỏi hẳn. Nhưng sau đó gần cả tháng mới thụ thai cơ mà... Hai vợ chồng lại suy tư tiếp, vợ em chợt nhớ và nói tên loại thuốc uống khi đó, hai vợ chồng liền tra google thì đó là loại thuốc kháng sinh liều cao, sáng hôm sau gọi điện thoại hỏi bác sĩ Nhân trước làm bên Nhi đồng 1 thì được biết loại thuốc này khi uống vào cơ thể thì dư lượng kháng sinh cần phải có một thời gian nhất định mới tiêu hết. Cuối cùng nguyên nhân cũng được tìm ra... Có thể không chính xác 100% là thứ đó nhưng chắc chắn rằng đấy là lý do duy nhất mà vợ chồng em vấp phải. Các bác nếu có người thân có kế hoạch sinh em bé thì cần lưu ý thêm điều này để tránh gặp phải tình huống không mong muốn như em...
Vợ chồng lại tiếp tục mày mò, tìm hiểu về các phương pháp khắc phục tình trạng trẻ bị khiếm thính, từ các trang mạng, diễn đàn trong nước, đến các trang mạng, diễn đàn nước ngoài, từ các bác sĩ bệnh viện nhi đồng đến bệnh viện tai mũi họng... Cuối cùng phương án được chọn tối ưu nhất là mua máy trợ thính cho cu cậu. Tất nhiên, còn phương án khác nhưng em sẽ nói rõ hơn ở phần sau để đi sâu hơn vào từng phương pháp nhằm giúp những người không may mắn như em hiểu kỹ hơn về các phương pháp khắc phục, chữa trị.
Vậy là hai vợ chồng lại đưa con lên Trung tâm trợ thính ngay Lý Thái Tổ, chỗ cu cậu đã nhiều lền lên kiểm tra và khám. Sau khi tìm hiểu một rừng máy trợ thính, từ Trung Quốc đến Nhật Bản, từ Thụy Điển đến Đức, từ Mỹ đến Thụy Sĩ... với vô vàn mức giá khác nhau, từ vài triệu đến gần 100 triệu, từ loại dùng cho điếc nhẹ đến loại dùng cho điếc sâu... Cuối cùng hai vợ chồng em chọn máy trợ thính công suất cao Phonak Naida Q của Thụy Sĩ - Công ty chuyên về các hệ thống không giây và thiết bị nghe. Theo thông tin của nhà sản xuất thì loại máy này có công suất mạnh nhất trên thị trường hiện nay và đáp ứng với mọi mức độ khiếm thính từ trung bình đến sâu, có tính năng Dịch Chuyển Âm Thanh Tần Số Cao.

Hình máy em lấy trên trang của nhà sản xuất

Hình khi cu cậu đeo
Chi phí cho cặp máy này là 36 triệu (18 triệu/bên). Gắn máy cho cu cậu xong thì chỉ cài đặt mức độ âm thanh tạm thời, cần phải cho cu cậu làm quen dần rồi mới tiến hành chỉnh máy, máy này có một giắc cắm vào thiết bị kết nối với máy tính để hiệu chỉnh theo các tần số đo thực tế thính lực, từ thấp đến cao. Trung tâm hẹn 2 tuần sau lên chỉnh máy. Bước lên xe về nhà, hai vợ chồng lòng tràn đầy hy vọng, thầm mong trời đất phù hộ cho cu cậu nghe được những âm thanh của thế giới nhân sinh quan... Hai tuần đầu cu cậu bắt đầu có phản ứng với âm thanh khi nghe nhạc, nhất là nhạc có âm thanh từ guitar, đàn bầu, đàn tranh. Mỗi khi mở nhạc là cu cậu khoa chân, múa tay có vẻ thích thú... Vợ chồng nhìn nhau mừng mừng, tủi tủi... , niềm hy vọng lại càng nhiều thêm... Có một thực tế là nhiều khi gọi tên cu cậu, vỗ tay thì cu cậu vẫn ít có phản ứng, thậm chí là gọi lớn tiếng cũng vậy, có lẽ do máy chưa được hiệu chỉnh nên cu cậu chưa nghe được hết... Thôi thì cứ đợi lần đo và hiệu chỉnh tới xem sao...
Vậy là cứ 2 tuần 1 lần, vợ chồng em lại đưa cu cậu lên đo thính lực và chỉnh máy (chắc có bác thắc mắc tại sao phải đo đi đo lại như vậy, lý do là não bộ của con trẻ chưa phát triển hoàn thiện, hệ thống dây thần kinh cũng vậy, khi trẻ nghe sẽ kích thích dây thần kinh số 6,7 và não bộ phát triển theo để thích ứng, giống như quy trình tiến hóa vậy). Mỗi lần lên là mỗi lần đo, mỗi lần chỉnh máy, từ lúc âm thanh máy phát ra bên ngoài không nghe được (mức trung bình), đến lúc âm thanh máy phát ra bên ngoài nghe ồ ồ, rè rè rất lớn... Nhưng khả năng nghe của cu cậu vẫn vậy, vẫn chỉ là những tiếng đàn guitar, đàn bầu, đàn tranh... Còn những âm thanh khác thì có lẽ là lúc được, lúc không...
Từ niềm hy vọng, lại chuyển dần sang nỗi lo, tại sao tiếng đàn thì nghe được, những âm thanh khác lại không. Hai vợ chồng lại tiếp tục mày mò, tìm hiểu những giải pháp khác... cùng với đó vẫn theo đuổi giải pháp hiện tại, nói chung hai vợ chồng xác định "thà bắt nhầm chứ không bỏ sót". Qua rất nhiều lần đo đi đo lại, test ngược, test xuôi, từ Trung tâm này đến Trung tâm khác, từ Bệnh viện này đến bệnh viện khác, cứ chỗ nào có thể kiểm tra là vợ chồng em đưa cu cậu tới... Cuối cùng vất vả chạy ngược, chạy xuôi thì xác định được cu cậu không chỉ điếc sâu mà khả năng nghe những âm thanh tần số thấp rất kém, thường khả năng cảm thụ âm thanh là từ 70hz trở lên, trong khi giọng nói bình thường tần số 15hz đến 25hz (dải tần giọng nói có thể lên tới 250Hz nhưng rất khó nghe vì chói tai). Nghĩa là cu cậu chỉ có thể nghe những âm thanh ở ngưỡng tần số cao. Vậy là lại chỉnh máy, lại đo... Niềm huy vọng của hai vợ chồng em lại thu hẹp lại, với những máy trợ thính hiện nay, không có loại máy nào có thể kích tần đến như vậy được, mà nếu có kích được thì nó đồng đều theo cấp số nhân, như vậy những âm thanh tần số cao cu cậu bị vượt ngưỡng và cũng không nghe được, vi dụ như tiếng còi xe chẳng hạn.
Niềm huy vọng thu hẹp, nhưng không có nghĩa là hết. Vợ chồng em nhủ thầm, đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn. Phương án cuối cùng cũng được đặt ra, phương án này không phải đến lúc này vợ chồng em mới nghĩ tới, mà là đã tìm hiểu từ ban đầu, nhưng vì trong phác đồ xử lý tật khiếm thính thì đó là phương án cuối cùng khi tất cả các phương pháp khác không hiệu quả hoặc không thành công. Lý do là vì nó tốn rất nhiều tiền, có thể đối với những gia đình trung lưu thì chi phí đó không đáng kể, nhưng với điều kiện của vợ chồng em thì đó là khoản chi phí rất lớn, bằng cả một căn nhà tầm trung ở cái miệt Biên Hòa... Ngoài ra còn phải qua phẫu thuật nên ít nhiều cũng có rủi ro, có thể thành công, cũng có thể không thành công vì các nguyên nhân chủ quan (cu cậu không thích ứng, dây thần kinh thính giác không phát huy hiệu quả...), cũng có thể là nguyên nhân khách quan (thiết bị chưa có thể đáp ứng được bệnh lý...)....
Xin phép các bác em tiếp chuyện các bác sau, giờ em qua lớp huấn luyện ngôn ngữ cu cậu đang theo học bên Ngô Gia Tự. Rảnh rỗi em sẽ chia sẻ và tiếp chuyện với các bác.
Em tiếp.
Phương án cuối cùng được đưa ra... "Cấy ốc tai điện tử"...Vậy là lại tiếp tục chuỗi ngày lê lết từ Biên Hòa, lên Sài Gòn... May là thời gian này em được điều động từ Cần Thơ về Long An nên cũng gần, vì vậy có thể tranh thủ chạy đi chạy về được. Việc cấy ốc tai điện tử cần phải trải qua rất nhiều đợt xét nghiệm, xét nghiệm máu, bạch cầu, hồng cầu... và kiểm tra cấu trúc giây thần kinh, xương ốc tai, ốc tai trong... và đồng thời với đó là thực hiện việc chích ngừa theo chỉ định để hạn chế các bệnh tật, rủi ro phát sinh trước, trong và sau quá trình phẫu thuật. Ròng rã 6 tháng trời lê lết... từ đưa con đi kiểm tra, thăm khám đến chọn loại ốc tai... Nói về thiết bị một chút để các bác khi có nhu cầu tìm hiểu sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Ốc tại điện tử hiện tại ở VN thường sử dụng của Medel (Áo), Cochlear (Australia) và Advanced Bionics (Mỹ). Trong đó, Medel là hãng được nhiều người chon nhất vì chi phí không quá cao, từ khoảng 530 triệu/2 bên (1 bên khoảng 380 triệu), đến loại cao cấp khoảng 1.200 triệu/2 bên. Hai hãng còn lại ít được dùng hơn do chi phí thiết bị quá cao, trung bình đều trên 1 tỷ.
Em cũng nói thêm một chút về sự khác biệt giữa vấn đề nghe thông thường và nghe qua ốc tai điện tử. Với người bình thường, âm thanh từ môi trường theo vành tai đi vào và âm lực tác động lên màng nhĩ, màng nhĩ cũng giống như tấm màng trống nhằm lọc các âm thanh từ môi trường để làm trong âm thanh hơn giúp người nghe dễ dàng phân biệt các loại âm thanh. Trường hợp bị thủng hai rách màng nhĩ con người vẫn có thể nghe được nhưng do chức năng lọc âm thanh của màng nhĩ bị vô hiệu nên các tạp âm sẽ tác động lên ốc tai làm người nghe có cảm giác như âm thanh kèm theo đàn ong vo ve, ồ ồ ... Âm thanh sau khi tác động lên màng nhĩ bằng âm lực thì khi đó các tế bào lông bên trong ốc tai sẽ bị tác động theo, tế bào lông là những sợi lông rất mịn và mảnh nằm trong lòng của ốc tai trong. Các bác cảm giác khi âm lực tác động lên tế bào lông nó gần giống với cánh đồng lúa đang trổ đòng trong cơn gió thoáng qua vậy. Tế bào lông kết nối với giây thần kinh thính giác, vì vậy khi âm lực tác động lên tế bào lông thì giây thần kinh thính giác sẽ cảm nhận được và truyền lên não bộ, lúc này con người sẽ cảm nhận và hiểu được âm thanh. Khả năng nghe này được gọi chung là "Thính Giác"
Nghe qua ốc tai điện tử lại là một trường hợp hoàn toàn khác, âm thanh từ môi trường sẽ đượ thiết bị thu bên ngoài thu lại, xử lý và chuyển hóa thành sóng từ và truyền vào ốc tai điện tử bên trong (gắn ở khoảng giữa da đầu và vỏ não). Ốc tai điện tử bên trong bao gồm hai phần chính, phần thu nhận sóng từ và chuyển hóa thành dòng điện, phần dãy điện cực (gồm khoảng vài chục cặp điện cực) nhận dòng điện và tác động lên ốc tai bằng những điện cực - trạng thái điện giật, tất nhiên với cường độ dòng điện rất nhỏ. Do người bệnh không thể nghe được âm thanh thông thường nên việc tác động lên ốc tai bằng những điện cực phản ứng trực tiếp, ngay tức thì với âm thanh bên ngoài sẽ giúp người nghe cảm nhận được ........ nhưng không phải bằng "thính giác".... mà bằng "xúc giác". Chính vì vậy, sau khi cấy ốc tai điện tử thì người được gắn phải tham gia các lớp huấn luyện nghe bằng "xúc giác. Đây là giai đoạn trường kỳ, đầy gian nan, khó khăn vất vả. Thông thường đối với người bị điếc bẩm sinh thì 06 tháng đầu mới nghe hiểu được các âm link (âm đơn - a - i - u - m...) và nói được các từ đơn giản như ba - ma - ạ - ... Khoảng từ 2 đến 3 năm trẻ mới có thể nói được những câu có từ 3 đến 5 từ. Cu con em giờ đã biết nói "ạ", "ba", "cạp cạp", "Uhm bò", "bye bye", "măm măm".
Khám ở BV Tai Mũi Họng xong, em vẫn chưa yên tâm lắm nên đem cu cậu qua VB Nguyễn Tri Phương (do có quen BS Trân), rồi các trung tâm khác. Mục đích em cần là xác định các yếu tố bệnh lý, cấu trúc cụ thể trước khi thực hiện nhằm củng cố niềm tin và cũng là để cùng với đội ngũ y bác sĩ phối hợp xử lý sau này. Đồng thời với đó là lựa chọn nơi thực hiện ca phẫu thuật, điều này rất quan trọng vì chi phí thiết bị rất lớn, cùng với đó là cu con em còn quá nhỏ nên cần chọn kỹ càng hơn. Ở nước ngoài các trường hợp này thường được thực hiện từ khi trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, tuy nhiên đó là nước ngoài, không phải VN nên em đã quyết định từ trước là chờ cu cậu 2 tuổi mới thực hiện để có thời gian chuẩn bị cũng như đảm bảo mức độ an toàn cao hơn.
Cuối cùng, quay đi quay lại em chon BV QT Thành Đô. Cũng phải nói thêm, BV Thành Đô không có tên tuổi gì mấy, nhưng do em thuộc diện có liên quan trong Group nên biết về mức độ đầu tư máy móc thiết bị cũng như cơ sở vật chất của BV này thuộc hàng số má. Bác sĩ thì cơ bản nếu mình muốn ai thì bệnh viện đều đáp ứng được. Vậy là em tiến hành kiểm tra, xét nghiệm các bước tiền phẫu thuật cho cu con nhà em ở đây. Phải nói, Quốc tế cái con khỉ gì cũng mắc, khám với xét nghiệm chưa lần nào quẹt thẻ dưới 1 triệu, Xquang cũng xêm xêm 1 triệu, MRI thì 5 - 6 triệu gì đấy... Rồi chích ngừa uốn ván, trích ngừa viêm não mô cầu ... Nói chung, lên xuống khám, xét nghiệm tiền phẫu thuật cũng tốn vài trên dưới 50 chai. Đúng là tốn tiền thật nhưng được cái yên tâm, bác sĩ chia sẻ thông tin từ nhóm máu, kết quả xét nghiệm, hình ảnh Xquang, MRI cắt lớp, chỉ từng giây thần kinh, từng vấn đề của màng nhĩ, ốc tai...
Vậy là cu con em đã có kết quả chính thức là bị dị tật ốc tai bẩm sinh. Người bình thường thì vòng xoắn ốc tai trong là 2,5 vòng. Trong khi đó cu con em chỉ có 1,5 vòng, đồng thời tế bào lông không rõ ràng và phân tán không đều nên sức nghe kém. Sức khỏe cu con em ổn, đảm bảo sức khỏe để phẫu thuật.
Đúng dịp nghỉ 30/4 vừa rồi, hai vợ chồng em quyết định đưa con lên mổ, kíp mổ gồm bác sĩ Nhân và một chuyên gia người Malaysia. Chuyên gia này là do đội ngũ bác sĩ bệnh viện và Group hỗ trợ em. Ca mổ được thực hiện từ khoảng 8 giờ đến 11 giờ, do được bác sỹ gây tê thay vì gây mê nên khoảng 30 phút sau cu cậu tỉnh, do phòng mổ chỉ cho 1 người vào nên em ưu tiên cho vợ vào với con, còn em đứng ngoài chờ. Khi bác sỹ gọi vào nhìn cu con đầu quấn băng trắng toát thấy sót hết cả ruột. Bác sĩ và chuyên gia có trao đổi sơ qua với em về kết quả ca phẫu thuật bước đầu thành công. Bế cu con về phòng nằm nghỉ, vợ chồng lại nhìn nhau mừng mừng, tủi tủi... cu con khóc một chút rồi cũng ngủ ngon lành... Hai tiếng sau cu con tỉnh giấc và đói bụng nên hai vợ chồng cho uống sữa, thấy cu cậu vừa ôm bình sữa bú vừa nấc nấc vì đau, bước mắt thì rịn ra hai bên khóe mắt, nhìn thật nao lòng, vừa thương con chịu đau, vừa mừng vì đã qua phẫu thuật và ăn uống được... Vợ chồng em cũng yên tâm hơn.
3 ngày lưu lại bệnh viện với lịch trình quen thuộc, sáng dậy cho cu cậu ăn cháo, giữa buổi sữa, trưa cháo, giữa buổi chiều sữa, chiều tối cháo... Ngày 1 - 2 cữ thay băng, 4 cữ chích thuốc giảm đau cộng kháng sinh chống viêm nhiễm. Qua ngày thứ 3 cu cậu gần như đã bình phục, thậm chí có phần lên ký hơn so với lúc mới nhập viện. Bv đưa cu cậu đi chụp lại hai bên tai để kiểm tra lại kết quả phẫu thuật gắn ốc tai, kết quả điện cực được đặt đúng vào vị trí trong ốc tai trong, sức khỏe cu cậu bình thường có thể xuất viện. Vậy là em làm thủ tục xuất viện luôn. Cũng may cho em là đợt này BV thực hiện miễn phí ca phẫu thuật cho cu con em chỉ với 1 đề nghị là cho sử dụng hình ảnh, phác đồ điều trị, thông tin... em ok ngay, bớt 5 - 7 chục chai trở lên chứ ít gì. Vậy là 3 ngày nằm phòng 5 sao cộng thuốc men, phẫu thuật .... thanh toán hết có 1,5 triệu.

Hình vết mổ gắn thiết bị bên trong
Cu con 5 ngày sau khi phẫu thuật

Cu con 5 ngày sau khi phẫu thuật

Và hiện tại.
Có làm cha làm mẹ mới biết tình thương dành cho con là vô bờ bến! Cầu mong cho F1 của bác chủ sớm phục hồi!
bác làm em nhớ bama quáCó làm cha làm mẹ mới biết tình thương dành cho con là vô bờ bến! Cầu mong cho F1 của bác chủ sớm phục hồi!
