Hạng B2
11/12/10
334
1
18
"Bác sĩ" của E-gara trên diễn đàn Ô tô Sài Gòn (www.otosaigon.com), trong suốt thời gian giải đáp thắc mắc cho các thành viên diễn đàn và tiếp xúc với nhiều tài xế nhận thấy có một số quan niệm hay cách sử dụng xe chưa đúng, Chuyên trang Ô tô Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã đặt hàng "bác sĩ" tổng hợp các vấn đề này để cùng chia sẻ với bạn đọc.

1. Xăng A95 tinh khiết hơn A92: Thực ra không phải vậy, chỉ số ốc tan (octane) của xăng chỉ là thông số chống kích nổ của xăng. Từng loại động cơ sẽ phải sử dụng xăng thích hợp tùy theo tỉ số nén. Nếu là động cơ có tỉ số nén thấp thì dùng 92 hay 95 không có khác biệt gì mấy.


2. Xe dùng nhiều thiết bị điện thì cần bình ắc qui to: Thực ra, bình điện chỉ là thiết bị trữ điện năng khi xe không nổ máy, khi xe đã nổ máy thì mọi trách nhiệm cung cấp điện dồn vào máy phát điện xe. Việc xe "thiếu điện" chỉ được giải quyết triệt để khi thay máy phát có công suất phù hợp. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao trên các xe thế hệ mới bây giờ, kích thước bình điện khá khiêm tốn, bởi vì nó gần như chỉ đảm nhiệm chức năng khởi động động cơ và chức năng phụ là ổn định điện áp trong hệ thống khỏi các xung nhiễu do máy phát điện gây ra.

3. Khi nước làm mát cạn thì phải châm dung dịch làm mát (Coolant), khi nước bình điện cạn thì phải châm a-xít (Acid): Không nên làm vậy, chất lỏng bốc hơi chủ yếu là nước. Chỉ cần châm thêm nuớc tinh khiết cho đến mức cần thiết là đủ. Việc pha trộn nhiều loại Coolant không cùng gốc hay làm tăng nồng độ a-xít trong bình điện có thể làm hại cho hệ thống làm mát hay làm giảm tuổi tho bình điện. Việc sạc bình định kỳ cũng là không cần thiết, việc thiết thực là duy trì mức điện dịch đạt yêu cầu.

4. Bánh xe càng rộng bản càng bám đường:
Thực tế các xe thể thao hay có bộ mâm to đùng và lốp mỏng dính, trông rất đã nhưng nhà sản xuất làm vậy không phải để xe bám đường hơn. Lực ma sát tạo ra của lốp xe với mặt đường chủ yếu phụ thuộc vào khối lượng xe, chất lượng cao su lốp, kết cấu khung gầm. Việc thay bánh xe to và mỏng sẽ dẫn đến những hệ lụy như: xóc và ồn xe, sai số đo công tơ mét (Counter Meter), mau mòn lốp, giảm tuổi thọ các chi tiết chịu lực như rutin trụ, bạc đạn bánh xe.... mà hiệu quả bám đường không cải thiện gì đáng kể. Hãy nhìn những chiếc “phi thuyền mặt đất” F1, nó được trang bị những bộ lốp (vỏ) khá dày dặn để đảm bảo vận tốc và khả năng bám đường cao nhất.

5. Phanh ABS, EBD… là "thiên thần hộ mạng":
ABS sẽ hỗ trợ rất nhiều nhưng không phải là tất cả! Việc lái xe cẩn thận, lường trước mọi tình huống mới chính là thiên thần hộ mạng của bạn. Lái xe cẩu thả, chạy nhanh phanh gấp, lấy cua tốc độ cao... sẽ rất nguy hiểm dù xe có ABS hay không. Hãy nghĩ đến những nguyên tắc vật lý căn bản nhất khi vật thể chuyển động cong để hình dung ra mối nguy hiểm khi vào cua và thắng gấp! Khi bánh xe đã hổng khỏi mặt đất thì ABS hay EBD còn tác dụng gì nữa?

6. Đạp bàn đạp ga vài cái trước khi nổ máy (để bơm xăng) và trước khi tắt máy (để sạc bình): Việc làm này rất ít khi hiệu quả thực sự, bơm xăng tiếp liệu là bơm điện (khi mở công tắc mới chạy) hay bơm cơ khí (dẫn động bởi trục cam, vận hành khi cốt máy quay) nên không hề bị tác động khi nhấn ga.

Ở các dòng xe dùng chế hòa khí có bơm tăng tốc thì thao tác này có thể giúp 1 ít xăng được phun vào họng hút làm đậm hòa khí nhưng có khi lợi bất cập hại, nếu chế hòa khí đó còn tốt thì việc hòa khí đậm quá có thể làm ướt buồng đốt và bugi, xe rất khó nổ máy!

Việc khác là khi xe đã nổ máy và vận hành thì máy phát sẽ cung cấp điện cho bình điện lập tức, trong quá trình xe chạy thì bình xem như đã đầy điện và việc sạc thêm trong vài giây có ý nghĩa gì? Hơn nữa, việc rồ ga và tắt máy đột ngột cũng đôi khi làm dư xăng ở cổ hút, có thể làm "ngộp xăng" ở lần khởi động kế tiếp.


9057f22082009101754_w_500.jpg
Nên bảo dưỡng xe định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất - Ảnh minh họa

7. Nhớt nào cũng là... nhớt: Trong xe có rất nhiều thiết bị cần dầu bôi trơn, truyền áp suất, làm mát... Cần phải sử dụng các loại dầu bôi trơn hay hóa chất cho thật chính xác. Bản thân các loại dầu cũng có các thông số và phẩm cấp riêng, việc dùng lẫn lộn là rất nguy hiểm hoặc chí ít là làm hỏng hay giảm tuổi thọ xe. Các loại dầu phổ biến là:

- Dầu động cơ (Engine oil): là loại dầu mà nhiều người biết đến nhất, từ xe máy cho tới xe... lửa đều phải dùng! Tuy nhiên, nó cũng chia làm nhiều phẩm cấp và chủng loại khác nhau. Thông số hay được nói tới nhất lại là độ nhớt (SAE) thay vì phẩm cấp (Grade) S... cho máy xăng và C... cho máy dầu. Độ nhớt thích hợp cho động cơ xe tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường nên đa phần các nhà nhập khẩu hay sản xuất đều chọn bán loại phù hợp, là người tiêu dùng ta chỉ nên quan tâm tới phẩm cấp thôi. Động cơ xe sẽ được nhà sản xuất khuyến cáo dùng dầu nhớt có phẩm cấp tối thiểu, dùng tốt hơn mức đó thì tốt hơn nhưng đừng dùng thấp hơn!

Ví dụ xe bạn được khuyên dùng dầu SG, đừng ngần ngại gì khi mua 1 can dầu SJ về thay, nhưng nhớ là không bao giờ cho xe dùng dầu SE nhé! Có một việc cần nói thêm là chỉ châm dầu động cơ trong mức cho phép, việc châm quá nhiều dầu không những không làm "mát máy" như nhiều người nghĩ mà còn tổn hại đến công suất và tuổi thọ động cơ

- Dầu hộp số và bộ cầu (Gear oil): đây là loại dầu cho bánh răng, có độ nhớt cao hơn dầu động cơ và ít phải thay định kỳ hơn. Tuy nhiên không phải vì thế mà xem thuờng nó. Việc thay sai dầu vào hộp số hay bộ cầu (thường gặp nhất là thay dầu động cơ vào hộp số) đã làm cho nhiều bác tài phải khóc ròng vì hối hận đó. Hãy tham khảo chính xác loại dầu truyền động mà xe bạn cần, thường là SAE 90 cho hộp số và cầu chung hộp số (cầu trước) và SAE 120 cho cầu vi sai (cầu sau).

- Dầu hộp số tự động (Automatic Transmission oil - AT oil): đây là loại dầu khá đặc biệt, tuy là có độ nhớt tương đương SAE 10 nhưng lại khác nhiều với các loại dầu bôi trơn thông thường có cùng độ nhớt. Việc chọn đúng loại dầu mới giúp xe bạn vận hành êm ái, phát huy đúng công suất và tránh được những hư hỏng không đáng có với bộ số tự động, một bộ phận nổi tiếng về sự phức tạp, tinh xảo và khó sửa chữa.

Có vài nhãn xe ghi rất rõ ràng loại dầu hộp số AT phải thay, thậm chí tới cả hãng sản xuất cũng được khuyến cáo. Dầu AT này tuy có hơi khó mua và thay thế nhưng việc thay nó định kỳ và đúng chủng loại là rất cần thiết.

- Dầu phanh (Brake Fluid): đây là cách gọi chung cho dầu thủy lực dùng trong hệ thống phanh và ly hợp cho hộp số tay (manual). Bản thân tôi đã không chỉ một lần gặp phải và xử lý việc hệ thống phanh bị châm nhầm dầu động cơ. Hết sức phiền phức vì đường ống bị kết tủa đóng kẹt, các chi tiết cao su bị nở dãn, phải thay thế toàn bộ và súc rửa toàn hệ thống. Đặc biệt nếu là xe có ABS thì nên... đặt hàng bộ Actuator (bộ kích dùng cho thắng ABS)mới là vừa.

Thường thì dầu phanh chỉ hụt 1 ít do bố thắng (má phanh) mòn, như vậy thì không cần châm thêm vì khi thay bố mới mực dầu sẽ tự đầy lên lại. Nếu dầu phanh cạn nhanh tới mức báo đèn thì phải kiểm tra ngay, chắc chắn có sự rò rỉ ở đâu đó, việc này cực kỳ nguy hiểm như thế nào chắc tôi không cần phải nói thêm.

Việc châm dầu hay thay dầu vì vậy nên hết sức cẩn trọng, theo kinh nghiệm thì nếu không biết chắc là dầu hiện dùng là loại nào thì chí ít cũng thay loại dầu phanh cùng màu (vàng, đỏ...) để tránh những hư hỏng đáng tiếc. Tốt nhất nếu bạn muốn đảm bảo, hãy thay toàn bộ dầu phanh bằng một loại dầu mà bạn chọn, sau đó chỉ châm thêm đúng loại đó khi bạn sửa chữa xe.

- Dầu tay lái trợ lực: Đây cũng là 1 loại dầu nên đề cập tới. Thường thợ hay lấy dầu... pha xăng của xe 2 thì để châm hay thay cho bạn. Hãy chặn đứng thói quen đó bằng cách bắt họ mua đúng loại dầu mà nhà sản xuất khuyên dùng, nếu không làm được điều đó thì hãy thay dầu của hộp số tự động vào, đó là việc làm đúng kỹ thuật. Nếu xe bạn đang dùng là AT thì việc thủ sẵn một bình dầu AT trong xe để châm cho hộp số và trợ lực lái là không thừa đâu. Cũng như dầu phanh, việc hụt nhanh dầu tay lái cũng cần kiểm tra ngay lập tức để khắc phục kịp thời. 


- Dung dịch làm mát (Coolant): Thường thì xe bạn đã có sẵn nó trong hệ thống làm mát (HTLM), bạn chỉ cần châm thêm nước tinh khiết vào hệ HTLM là đủ. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy nước trong HTLM của xe bạn có vẻ bẩn hay là muốn thử dùng vài loại Coolant mà bạn mới phát hiện ra thì hãy thay toàn bộ nước làm mát trong xe bạn và súc rửa luôn HTLM trước khi thay Coolant mới.

8. Xe đi lâu sẽ bị "nóng máy", cần nghỉ ngơi và nước máy càng mát càng tốt: Đây là quan niệm chỉ đúng với những xe trục trặc về hệ thống làm mát. Thường thì sau khi khởi động, động cơ sẽ gia nhiệt rất nhanh do bản thân nhà sản xuất muốn vậy, nhưng khi đạt đến nhiệt độ vận hành mong muốn thì việc tăng nhiệt độ ngừng lại. Một động cơ chuẩn thì dù trời nắng hay mưa, ngày hay đêm, leo dốc hay đổ đèo, xe chở hàng hay chỉ 1 người lái, đi 2km hay 700km... thì nhiệt độ cũng vẫn ổn định ở một mức.

Nếu động cơ xe bạn thay đổi nhiệt độ theo từng điều kiện khách quan thì có nghĩa là đã đến lúc bạn kiểm tra tổng quát xe rồi đó. Cũng chính vì vậy, đôi khi không cần lo lắng thái quá khi bạn phải dùng xe chạy số thấp trong một quãng đường khá dài (đèo, núi...), hãy tập trung vào việc điều khiển xe và chọn mức số sao cho xe chạy mạnh và chủ động tốc độ.

Ngoài ra, nếu xe bạn đang hoạt động tốt thì bạn sẽ thấy rằng nước máy sẽ rất mau chóng đạt đến một mức nhiệt độ nào đó. Điều đó chứng tỏ là nhà sản xuất đã tìm thấy một nhiệt độ cho động cơ hoạt động hiệu quả nhất và cố gắng thiết kế sao cho động cơ được hoạt động ở nhiệt độ đó.

Vậy nên việc làm sao cho động cơ "mát" hơn như một số anh thợ khuyên bạn là không cần thiết và phản tác dụng. Bạn sẽ phải trả nhiều tiền xăng hơn, bực bội hơn vì xe "lực xực" và về lâu dài, có thể sẽ mau phải đại tu máy hơn đó.

9. Bánh bơm càng căng đi càng "nhẹ", bánh bơm non hơi (mềm) thì thắng (phanh) ăn hơn:
Đây là quan niệm khá phổ biến. Bánh xe bơm quá căng sẽ làm mất tác dụng giảm chấn của bánh xe và làm bánh xe "nảy" trên mặt đường làm giảm hiệu quả phanh (không phải là do diện tích tiếp xúc bé đi như nhiều người nghĩ). Cũng chính vì vậy, bánh xe non hơi sẽ làm mất ổn định trong việc điều khiển xe mà hiệu quả phanh không tăng lên được tí nào. Ngoài việc bơm bánh xe sai thông số chuẩn của nhà sản xuất có thể làm giảm tuổi thọ của vỏ xe, gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng xe trên đường.

10. Việc "ép ga" (số thấp tua lớn) sẽ làm hại động cơ hơn là "ép số" (tua nhỏ số cao): Do cảm thấy tua máy chậm lại và tiếng máy nhỏ lại khi ép số nên đa số các bác tài thường hay "ép số" vì nghĩ là làm vậy máy quay ít hơn, sẽ bền và lợi xăng. Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm, gây giảm thọ động cơ nghiêm trọng.

Tuyệt đại đa số các cơ phận trong động cơ đều sử dụng bạc trượt ma sát và bôi trơn thủy động, việc đặt tải trọng lớn lên động cơ trong khi số vòng quay thấp (bơm dầu tạo áp lực kém) có thể phá hủy màng dầu bôi trơn và làm mòn các chi tiết trượt. Việc tua máy cao tuy gây cảm giác gầm rú nhưng lại ít gây thiệt hại cho động cơ mấy ngoài việc tốn nhiên liệu, gây ồn và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, hãy chọn số vòng quay hợp lý khi lái xe.

11. Ở các xe số AT, dung số L hay số 1 sẽ leo dốc khỏe hơn số D: Đây là quan niệm thường thấy ở đa số các chủ xe sử dụng xe AT, đặc biệt là phái nữ. Thực chất, dù để D hay L(1) thì xe luôn khởi hành bằng số 1 trong bộ AT, moment kéo ở bánh xe khi vượt dốc sẽ vẫn chẳng thay đổi gì khi ta để D hay L. Mục đích của nhà sản xuất khi chế tạo ra các cấp số điều khiển được là để người lái chủ động được cấp số khi sử dụng xe trên những đọan đường đặc thù như đèo dốc, cua tay áo… Khi đó xe cần giữ mức số thấp để tăng độ ổn định cũng như tận dụng được lực hãm xe của động cơ (engine braking).

12. Có vài loại "phép lạ" cho xe của bạn: Với thời đại thông tin hiện nay, đặc biệt là khi giá nhiên liệu đang tăng tới chóng mặt, hàng ngày bạn sẽ nhận được không chỉ 1 lần những quảng cáo thần diệu làm cho xe của bạn trở nên ưng ý hơn bao giờ hết. Nào là thời gian sẽ bị xóa phai dấu ấn với công nghệ mạ không điện cực, nhiên liệu giảm 30% với Plasma tạo ra trong buồng đốt, hiệu suất tăng 40% vì các chú phân tử xăng bé tí đã được xếp ngay hàng thẳng lối,... Chưa hết, người ta còn kèm theo cho các bạn 1 mớ chứng từ hổ lốn minh chứng là cái này hay được xài trong tàu Discovery, cái nọ trong dàn khoan đâu đó ở Siberia, món kia được tin dùng trong quân đội Mỹ và NATO...

Hãy biết vượt qua những lời đường mật đó và đừng hành hạ xe của bạn bằng ba cái sản phẩm bịp bợm này, đừng bao giờ lâm vào cảnh "tiền mất tật mang" vì những gã bán dầu cù là công nghệ nanô. Hãy tin vào những nguyên tắc cơ bản nhất mà môn vật lý phổ thông đã trang bị cho bạn để đừng biến thành nạn nhân của những sản phẩm tuy đắt tiền nhưng nếu "vô thưởng vô phạt" thì cũng đã là may mắn lắm.

13. Thể hiện sự chăm sóc xe bằng cách đánh bóng nó thường xuyên: Bạn có bao giờ tự hỏi là tại sao xe bạn bóng vậy sau mỗi lần đánh? Thực tế là trong sáp đánh bóng (Car Wax) ngoài những hóa chất nền làm sạch và thấm bóng sơn xe, còn có 1 lượng nhất định bột mài làm mòn lớp sơn bị đánh. Việc đánh bóng xe quá nhiều lần khi nó chưa thật sự mờ cũ sẽ làm nước sơn xe bạn nhanh chóng bị mòn, mất lớp bảo vệ và bị bạc màu.

Hãy chăm rửa sạch xe bằng các dung dịch rửa xe chuyên dùng, giữ bóng lớp sơn bằng các dung môi làm bóng sơn một cách nhẹ nhàng. Đừng để xe bạn bẩn quá lâu làm chất bẩn khắng sâu vào sơn làm mất độ bóng vốn có.

14. Vỏ (lốp) xe cứ còn gai là còn tốt: Điều này chắc hẳn là đúng nhưng chưa đủ. Thường thì vỏ xe luôn có ấn định thời gian sử dụng gần như “đát” của thuốc hay thực phẩm, thời gian này thường là 2-3 năm khi bán mới và 5-7 năm khi sử dụng, tùy theo điều kiện bảo quản, sử dụng, thời tiết và chất lượng sản xuất.

Trên vỏ xe luôn có ghi số tuần và năm sản xuất. Ví dụ: 1809 nghĩa là sản xuất ở tuần thứ 18 năm 2009, chiếc vỏ xe này sẽ được khuyến cáo không bán cho người tiêu dùng vào tuần thứ 18 năm 2012 và không nên sử dụng quá năm 2016.

Do có thành phần cấu tạo là cao su nên vỏ xe dễ bị lão hóa, rạn nứt, giảm tính đàn hồi và độ ma sát với mặt đường theo thời gian. Chính vì vậy, đừng nghĩ là “bộ chân” xe mình còn tốt nếu chỉ quan sát thấy lớp gai còn sắc nét và cao ráo, có thể lớp cao su đã lão hóa, hơi ẩm thấm vào làm mục ruỗng lớp bố bên trong, vỏ xe có thể nổ hông bất cứ lúc nào nếu đã quá đát (hạn sử dụng).

Link
 
Chi Hội Phó SOS
4/7/10
4.664
1.923
113
38
Cà Mau
Rất hữu ích, thanks bác chủ. Nhờ bài này mà em mới biết trước giờ mình có nhiều quan điểm sai quá. Thanks bác cái nữa
033102beer_1_prv.gif
 
Hạng B2
5/8/10
492
12
18
TpHCM
Cám ơn bác đã chia sẻ. Đọc xong mới thấy quá nhiều quan điểm sai lầm
080402cool_prv.gif