PMC
Lơ Xe
12/1/04
2.381
168
63
Xa Cảng Miền Tây
Lịch sử Citroën


logo.gif



Hồi tôi còn nhỏ, đối diện phía xéo nhà tôi là nhà ông Ba Tắc-xông. Cái tên nghe như tiếng Tây của ông cũng không cần ai phải giải thích, vì trước cửa nhà ông có một chiếc xe hơi màu đen, to và kềnh càng. Ông ngoại tôi nói đó là xe Tắc-xông của Tây và tôi thì chưa thấy ông Ba chạy chiếc xe đó bao giờ, và nó hình như cũng không hề lăn bánh kể từ khi tôi nhìn thấy nó lần đầu tiên. Có lần tình cờ tôi vô nhà ông, lúc đó mới có dịp nhìn gần thì nhận thấy chiếc xe dường như đã hư, bốn vỏ xẹp lép, bên trong bụi bám lên ghế dày cả lớp. Nghe nói ông Ba Tắc-xông ngày xưa đã từng đi du học ở Pháp, sau đó về nước cũng làm cho người Pháp, và ông đã từng sử dụng chiếc xe này.

Đó hình như là ấn tượng đầu đời của tôi về xe hơi, và tôi vẫn còn nhớ như in vẻ đẹp kiêu hãnh của nó, mà sau này lớn lên tôi mới biết tên đầy đủ của nó là Traction Avant do hãng Citroën chế tạo. Nước sơn đen tuyền, hai vè trước cong lượn đầy kiểu cách, cản xe mạ crôm bóng loáng, 2 chữ V ngược đặt trên nền kẻ sọc thoáng đãng của mặt nạ ở đầu xe. Hai đèn pha thì giương lên như cặp mắt của chú ếch, nhưng đầy vẻ quý phái...


Một chút hồi ức để mở đầu cho bài này, về hãng xe Citroën và các mẫu xe tiêu biểu…


<hr/>


Citroën là một hãng sản xuất xe hơi của Pháp, được thành lập vào năm 1919 bởi André Citroën. Ngày nay hãng này là một phần của tập đoàn PSA Peugeot Citroën Group.

Nguyên thủy là một hãng chế tạo xe cho thị trường đại chúng cùng với những thiết kế mộc mạc, nhưng vào năm 1934 Citroën đã gây chấn động thế giới bằng phát minh dẫn động cầu trước mang tên Traction Avant (1934-1956). Cho đến tận thập niên 1980, Citroën vẫn được cho là hãng xe có phong các thiết kế rất độc đáo. Các mẫu xe đáng chú ý khác về sau có thể kể như chiếc H Van (1947-1981, "HY"), chiếc 2CV (1948-1990, hay "Vịt con xấu xí"), DS (1955-1975, "Nữ thần") và chiếc CX (1974-1989).

Câu chuyện về Citroën bắt đầu từ André Citroën cũng là người sáng lập công ty. Sau thời gian phục vụ trong quân đội Pháp, ông mở một doanh nghiệp riêng chuyên sản xuất các loại bánh răng của hộp số. Đến năm 1919 thì hãng của ông bắt đầu chế tạo xe hơi, đầu tiên là mẫu Type A.


Type A

Citroen_A_8_CV_Torpedo.jpg


typea.jpg


car10hp.jpg


Vào năm 1924, Citroën bắt đầu quan hệ làm ăn với một kỹ sư người Mỹ tên là Edward Gowan Budd. Kể từ năm 1899 ông Budd đã phát triển loại khung thép định hình để chế tạo các toa xe lửa. Sau đó ông tiếp tục sản xuất thân xe bằng thép cho rất nhiều hãng xe, đầu tiên là hãng Dodge. Citroën là hãng đầu tiên tại Châu Âu giới thiệu loại thân xe hoàn toàn bằng thép vào năm 1928. Vào năm 1930, ông Budd đã sáng chế cho Citroën một mẫu thân xe liền một khối và dẫn động cầu trước và là tiền thân của chiếc Traction Avant 7CV (5kW) ra mắt năm 1934. Chiếc xe này đã tạo nên một khuôn mẫu cho các hãng xe khác noi theo trong suốt 30 năm sau đó, ví dụ như Mini, Volkswagen và nhiều hãng khác.

Vào buổi đầu thì những chiếc xe này bán rất chạy, nhưng các hãng cạnh tranh vẫn còn sử dụng kết cấu bằng gỗ cho thân xe, và họ đã cho tung ra loại xe có thiết kế khí động học. Citroën thì coi như bó tay vì không thể tái thiết kế thân xe của mình và vì vậy nó bắt đầu trở nên lạc hậu và lỗi thời. Vượt qua những trở ngại về kiểu dáng, xe Citroëns vẫn được bán rất nhiều chỉ vì một ưu điểm là giá rẻ, và đây cũng là điều làm cho hãng xe bị thua lỗ. Hoàn cảnh này đã thôi thúc André Citroën phát triển chiếc Traction Avant, một chiếc xe đầy chất sáng tạo khiến cho các đối thủ cạnh tranh khác phải "tắt đài". Nhưng việc chạy đua để đạt thành quả trong việc phát triển chiếc Traction Avant cũng đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí và góp phần làm suy yếu tình hình tài chính của công ty.

Với chủ định giới thiệu khả năng vận hành của xe tại các vùng hiểm trở, Citroën cũng từng đứng ra bảo trợ các đoàn thám hiểm tại Châu Á (Croisière Jaune) và Châu Phi (Croisière Noire). Các đoàn thám hiểm luôn bao gồm các nhà khoa học và các nhà báo, nên về phương diện thông tin đại chúng thì coi như thành công tốt đẹp.

Đến năm 1934, các khoản nợ nần đã làm cho Citroën có nguy cơ bị phá sản, và cổ đông lớn nhất lúc bấy giờ là hãng vỏ xe Michelin đã giành được toàn bộ quyền điều hành.

Năm 1948 Citroën cho ra mắt mẫu xe 2CV tại Triển lãm xe Paris.


1960 2CV

2CV.jpg

Năm 1955 thì mẫu xe DS được giới thiệu. Đây là mẫu xe đầu tiên chính thức sử dụng hệ thống giảm xóc hơi thủy lực (hydropneumatic) huyền thoại của Citroën. Trước đó hệ thống này đã được thử nghiệm trên những chiếc Traction đời cuối. Chiếc DS có tính năng trợ lực cho các hệ thống lái, thắng và giảm xóc. Hệ thống cao áp tương tự cũng dùng để kích hoạt các piston nằm dưới nắp hộp số, nhằm vận hành bộ ly hợp. Đây là một kiểu hộp số bán tự động được Citroën đặt tên là "Citromatic". Hệ thống thủy lực cao áp này đã hình thành nên một nền tảng cho nhiều loại xe Citroen trong nửa sau của thế kỷ 20, bao gồm các mẫu SM, GS, CX, BX, XM và Xantia.

Năm 1965 Citroën mua lại hãng xe Panhard của Pháp với hy vọng sử dụng các chuyên môn về dòng xe hạng trung của Panhard để bổ sung cho các dòng sản phẩm vốn có là loại xe nhỏ rẻ tiền (như là 2CV, Ami) và loại lớn đắt tiền (như là DS, ID). Năm 1967 Citroën giành được quyền điều hành Maserati, một hãng xe thể thao của Ý, và cho giới thiệu mẫu xe thể thao Grand Tourer SM được gắn động cơ V6 của Maserati. Ra đời không đúng thời điểm vì bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng dầu hỏa, chiếc Grand Tourer cũng nhanh chóng mất dạng vì không đạt lợi nhuận.

Sự kết hợp với Maserati đã gây nên những thua lỗ trầm trọng, kéo theo những chi phí bảo hành "trời ơi" cho các mẫu xe hay bị bệnh như GS và CX, dẫn đến kết cục là Peugeot đã mua lại Citroen vào năm 1976. Sự sát nhập này tạo nên một tập đoàn mới có tên PSA Group.

Trong thập niên 1980, các mẫu xe Citroën đa phần dựa trên nền tảng của xe Peugeot. Mẫu BX 1982 vẫn sử dụng hệ thống giảm xóc hydropneumatic, nhưng được trang bị động cơ có nguồn gốc Peugeot. Vào cuối những năm 1980, PSA thường sử dụng chung các thành phần cơ bản cho cả hai hiệu xe. Ví dụ mẫu XM có cùng động cơ và khung sườn với chiếc Peugeot 605, còn mẫu Xantia 1993 thì trừ lớp vỏ bề ngoài ra, còn lại giống y như Peugeot 406.

Citroën đã phát triển một dòng xe nhỏ tại Romania với tên gọi Oltcit, và cũng đồng thời được bán dưới tên Citroen Axel.

Tính cách tiếp cận năng động về thiết kế cũng như kiểu dáng của Citroen đã bị bóp nghẹt dưới sự cai trị bảo thủ của Peugeot. Chiếc 2CV lí lắc rốt cuộc cũng bị khai tử vào ngày 27-7-1990, sau khi dây chuyền sản xuất được đưa từ Pháp sang Bồ Đào Nha năm 1988.

Mặc cho những rắc rối giữa Peugeot và Citroen, Citroen vẫn tiếp tục truyền thống sáng tạo của mình bằng những mẫu xe mới như C2 và Xsara Picasso. Thậm chí nó còn được mở rộng sang các thị trường mới như Trung Quốc, nơi mà chiếc C3 và Xsara luôn sát cánh cùng các mẫu nội địa như ZX Fukang và Elysée. Việc giới thiệu những mẫu mới hơn như chiếc C6, mẫu xe được mong đợi lâu nay để thay thế chiếc XM, cho thấy Citroen vẫn cam kết không ngừng sáng tạo trong thế kỷ 21.



nguồn tổng hợp từ Internet
 
Last edited by a moderator:
  • Like
Reactions: thietbiloc
PMC
Lơ Xe
12/1/04
2.381
168
63
Xa Cảng Miền Tây
RE: Citroën và niềm kiêu hãnh Traction Avant

Traction Avant

006.jpg


Traction_20.jpg



Citroën Traction Avant, hoặc gọi tắt là Traction, là tên gọi của một mẫu xe đầy tính sáng tạo, được Citroen chế tạo vào thập niên 1930. Theo tiếng Pháp thì Traction Avant, có nghĩa là "kéo từ phía trước", là cụm từ dùng chung cho các xe dẫn động cầu trước mà trong số đó Citroen là một trong những hãng xe tiên phong nổi bật nhất. Xe Traction gồm có các kiểu 7 CV (5 kW), 11 CV (8 kW) và 15 CV (11 kW). Riêng kiểu thiết kế mẫu 22 CV (16 kW) trang bị động cơ V8 cũng từng được chế tạo nhưng ngày nay chẳng còn chiếc nào.

Traction Avant được thiết kế bởi André Lefèbvre vào giai đoạn cuối năm 1933, đầu năm 1934. Ngoài tính năng dẫn động cầu trước, chiếc xe cũng giới thiệu việc sử dụng bộ khung liền khối (monocoque), bánh trước treo độc lập, giảm xóc thanh xoắn. Xe có trọng lượng nhẹ hơn đáng kể so với kiểu thiết kế truyền thống vào thời đó, giúp xe đạt đến tốc độ 100km/h (cũng là tốc độ rất nhanh vào thời đó), và chỉ tiêu thụ có 10lít/100km.

Xe được sản xuất tại 3 nhà máy tại Châu Âu:

Paris, France.
Forest, Belgium.
Slough, United Kingdom - Phiên bản tay lái nghịch dành cho các xe sản xuất tại Anh.


Ban đầu mẫu gốc là một chiếc sedan nhỏ có động cơ 1303 cc. Các mẫu sau đó có động cơ 4 máy, 1911 cc và to nhất là loại 6 máy, 2867 cc.

Năm 1955 Citroën chuyển qua sản xuất mẫu DS, đời đầu tiên cũng dùng chung động cơ với Traction. Traction chấm dứt sản xuất vào tháng Bảy 1957. Có tổng cộng 760.000 chiếc đã được chế tạo.

Xe Traction thường được xuất hiện trong các phim ảnh liên quan đến Chiến Tranh Thế Giới II, nhất là hình ảnh các sĩ quan Đức Quốc Xã trong trang phục đen, đi xe Traction màu đen.


Traction_Avant_180784.jpg


Năm 1934: ra mắt mẫu 7A đầu tiên của Traction, động cơ 32 bhp, 1.3 lít.

Mẫu 7B nhanh chóng xuất hiện sau mẫu 7A, động cơ 1.5 lít, 35 bhp và loại thể thao 7 Sport mạnh hơn với máy 1.9 lit, 46 bhp.

Mẫu 7C giới thiệu năm 1935, trang bị động cơ 1.6 lít, 36 bhp, thay thế cho 7B.

Mẫu 7 Sport được thay thế bởi mẫu 11 Légère.

Mẫu 7A chỉ có loại sedan 4 cửa, còn 7B và 7 Sport còn có loại 2 cửa mui xếp và loại 2 chỗ ngồi.

Mẫu 11 CV giới thiệu vào năm 1935 - dài và rộng hơn mẫu 7CV, có máy 1.911 cc của chiếc 7 Sport.

Cũng trong năm 1935, mẫu V8 22CV được công bố nhưng chẳng bao giờ được sản xuất.

Năm 1936, tất cả xe Traction Avant được trang bị cơ cấu lái bánh răng. Cản xe được sơn thay vì mạ crôm như các đời trước.

Năm 1938, mẫu 15 Six động cơ 6 máy, được giới thiệu, dù chỉ có 90 chiếc được bán ra. Có dung tích 2.8 lít, 6 xy lanh cho ra 77 bhp, chiếc 15 Six đạt tốc độ tối đa 130 km/h.

Mẫu 11BL và 11 B được tăng thêm 10 bhp công suất, và có thêm chữ "Performance" vào phía sau tên gọi vào năm 1939.

Từ 1940 đến 1946, sản xuất bị ngừng trệ. Mẫu mui xếp bị bỏ hẳn, chỉ vài trăm chiếc được sản xuất, trong đó có 1o chiếc 15 Six Limousin.

Sau chiến tranh sản xuất được phục hồi, Citroën giới thiệu 3 mẫu tại Triễn lãm xe Paris 1946 - mẫu 11 Légère, 11 Normale và mẫu 15 Six, toàn bộ là sedan.

Năm 1954, giới thiệu mẫu 15 Six H được trang bị hệ thống giảm xóc bánh sau bằng hơi thủy lực (hydropneumatic).

Với sự ra đời của mẫu DS19, cũng đồng thời là sự chấm hết cho mẫu 15 Six. Mẫu 11s cũng được thay thế bởi mẫu ID19 vào năm 1957.

citroen-traction-avant-01.jpg
 
  • Like
Reactions: thietbiloc
PMC
Lơ Xe
12/1/04
2.381
168
63
Xa Cảng Miền Tây
RE: Citroën và niềm kiêu hãnh Traction Avant


Khi tôi bắt đầu vào tiểu học thì đã không còn người Pháp, nhưng xe hơi Pháp thì vẫn còn đó như những chứng tích của một thời thuộc địa. Những chiếc Peugeot 403 dáng bầu tròn, Peugeot 404 có hai đuôi vuốt nhọn như đuôi cá vẫn xuôi ngược trên đường, và nghe nói chúng đã có một thời lẫy lừng phục vụ cho các công chức cao cấp, các doanh gia cỡ bự. Thỉnh thoảng tôi lại thấy những chiếc Citroen có dáng rất ngộ được họ gọi là xe "đơ-sô-vô" (deux chevaux - hai ngựa) và sau này lớn lên tôi cứ thắc mắc là tại sao lại gọi là "xe hai ngựa", vì nếu là công suất máy thì con số mã lực phải lớn hơn nhiều. Thuộc loại xe hơi bình dân nên chủ nhân của những chiếc 2CV lúc đó đa số là những tiểu thương, các hội đoàn xã hội, tổ chức tôn giáo như chùa, nhà thờ, v.v… Nó vừa có dạng sedan 4 cửa, vừa có dạng 2 chỗ ngồi và một thùng chứa hàng phía sau như xe tải.

Những hình ảnh đó đã đi theo tôi cho đến tận ngày hôm nay, và nhờ có internet tôi đã lục thêm được những thông tin về chiếc Citroën 2CV…

<hr/>


Citroën 2CV[/b]


2CV là chữ viết tắt của deux chevaux trong tiếng Pháp, có nghĩa là "hai ngựa", có nguồn gốc từ bậc thang tính thuế về mã lực cho xe hơi của nước Pháp thời đó. Thí dụ như chiếc Traction Avant theo bậc tính thuế đã được chia thành các hạng 7CV, 11CV, 15CV và 22CV. Citroën 2CV là một chiếc xe rất phổ thông của Pháp. Từ năm 1948 đến 1990 đã có tổng cộng hơn 5 triệu chiếc được sản xuất, tính luôn cả mẫu sedan và các kiểu cải tiến đa dụng.


Mẫu 2CV năm 1960

2CV.jpg


Lịch sử

Vào đầu thập niên 1930, Pierre Boulanger là người đã giới thiệu một thiết kế làm kinh ngạc mọi người thời bấy giờ. Nó được gọi đùa là "cây dù trên 4 bánh xe", có giá thành rẻ, có thể chở được 2 nông dân cùng với 100 kg nông phẩm từ nhà ra chợ, với vận tốc 60 km/h. Nó có thể vượt qua những con đường làng lầy lội và tiêu hao không tới 3 lít xăng cho đoạn đường dài 100 km. Nhưng đặc tính nổi tiếng nhất của nó là có thể chở trứng chạy bon bon qua các cánh đồng đã cày xới mà trứng vẫn không bị vỡ. Các thiết kế về sau của ông Boulanger có mui cao hơn làm cho người ta có thể đội được nón trong khi lái xe.

Ở đây chúng ta lại gặp lại André Lefebvre, chính là người đã thuyết phục ông chủ André Citroën ứng dụng công nghệ dẫn động cầu trước cho chiếc Traction Avant. Thuộc hàng kỹ sư xe hơi giỏi nhất của Pháp lúc bấy giờ, André Lefebvre được giao chủ nhiệm Dự án TPV (Toute Petite Voiture - Xe Rất Nhỏ). Vào năm 1939 thì một số mẫu thiết kế đầu tiên đã được hoàn tất. Các mẫu này có phần lớn các bộ phận được làm bằng nhôm và động cơ giải nhiệt bằng nước. Ghế ngồi thì được treo bằng dây thòng xuống từ nóc xe.

Suốt thời gian nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới II, hãng Michellin (cổ đông chính của Citroen) và ban điều hành công ty đã quyết định dấu kín Dự án TPV, không cho quân Đức biết vì sợ rằng dự án sẽ bị áp dụng cho các mục đích quân sự. Một vài chiếc TPV được chôn tại các địa điểm bí mật, có một chiếc được cải trang thành dạng pickup, số khác thì bị tiêu hủy, còn ông Boulanger thì có được khoảng thời gian suốt 6 năm sau đó để nghiên cứu về những cải tiến cho chiếc xe.


1978 2CV AK400 Van

1978.citroen.2cv.750pix.jpg


Mãi đến năm 1994, khi ba chiếc TPV được phát hiện trong một nhà kho, làm tăng thêm số lượng vỏn vẹn hai chiếc nguyên mẫu (prototype) đã được tìm thấy trước đó. Đến năm 2003 thì tổng số lượng TPV được xác nhận là năm chiếc. Trong suốt thời gian dài mọi người đều nghĩ rằng không còn chiếc TPV nào tồn tại sau chiến tranh vì nó bị dấu quá kỹ đến mức thất lạc luôn. Thực sự thì toàn bộ các chiếc TPV vẫn còn nguyên, mặc dù đã từng có một chỉ thị nội bộ phải tiêu hủy chúng triệt để vào những năm 1950. Việc các chiếc TPV vẫn tồn tại là nhờ một số công nhân đã không tuân theo lệnh và lén dấu chúng đi, vì họ có cảm nhận về giá trị lịch sử của chúng.

Sau khi chiến tranh kết thúc, các báo cáo nội bộ của Citroen cho thấy việc sản xuất TPV đã không có tính khả thi về mặt kinh tế, vì giá nhôm đang tăng cao trong thời hậu chiến. Hãng đã quyết định thay thế hầu hết các bộ phận nhôm bằng các bộ phận làm bằng thép. Và rồi có thêm những thay đổi khác, trong đó đáng chú ý nhất là động cơ làm mát bằng không khí, ghế ngồi kiểu mới và kiểu dáng thân xe được thiết kế lại bởi kỹ sư Flaminio Bertoni. Hãng Citroen đã mất 3 năm để tái thiết lại chiếc TPV, và cánh nhà báo chờ hoài không chịu nỗi đã đặt cho nó biệt hiệu mới là " TPV - Toujours Pas Vue" (Vẫn Chưa Thấy!).

Cuối cùng thì Citroën cũng đã giới thiệu chiếc xe tại Triễn lãm xe hơi Paris Salon 1948. Các ký giả đã nhạo báng chiếc xe có lẽ vì hãng đã không thực hiện một chiến dịch quảng cáo nào cho nó trước đó. Nhà báo Boris Vian đã mô tả chiếc xe như một "sự sai lầm biết đi", và đa số người cho rằng nó là một loại "xe khổ hạnh". Nhưng lịch sử đã chứng minh được rằng chiếc xe này đã tạo được thiện cảm trong quan điểm của rất nhiều người, và nó là một cuộc cách mạng trong thị trường xe gia dụng, nhất là tại Pháp.

Chiếc 2CV là một thành công vĩ đại về mặt thương mại. Trong suốt nhiều tháng liền, danh sách khách hàng chờ mua xe kéo dài đến tận ba năm. Sản lượng ban đầu vào năm 1949 chỉ 4 chiếc/ngày, đã tăng lên 400 chiếc/ngày vào năm 1950. Có vài mẫu đời đầu được sản xuất tại nhà máy của Citroen tại Slough, nước Anh. Ngoài ra còn có mẫu hai cửa cũng được chế tạo, mang tên Bijou.

Thị trường chủ yếu của nó là Pháp và một số nước Châu Âu. Ban lãnh đạo bảo thủ của Michellin lúc đó luôn đặt nặng vấn đề thu hồi vốn đầu tư, cho nên không hề có một chiến lược sản xuất và tiếp thị nào để phát triển doanh số xuất khẩu cho chiếc xe ở quy mô toàn cầu. Do đó chiếc 2CV đã bị thua thiệt một cách ngậm ngùi về tiếng tăm, nhất là so với một "con bọ" nổi tiếng cùng thời - chiếc Volkswagen Beetle được bán trên khắp thế giới.


Thiết kế kỹ thuật

Bộ khung gầm kép hình chữ H, thanh dạng ống như thiết kế máy bay, được phủ một lớp thép mỏng. Động cơ 2 xy-lanh, làm mát bằng không khí, thiết kế bởi Walter Becchia dựa trên kiểu động cơ của xe mô-tô BMW Boxer. Dẫn động cầu trước khiến cho việc điều khiển xe dễ dàng và an toàn. Mui vải bạt có thể cuốn lại hoàn toàn. Xe có một đèn sau và một đèn thắng. Cây gạt nước mưa vận hành bởi hệ thống cơ khí thuần túy: một dây cáp được nối với hộp số, và để giảm chi phí dây cáp này cũng vận hành luôn đồng hồ tốc độ. Vì vậy tốc độ của cây gạt nước sẽ phụ thuộc vào tốc độ của xe, và khi xe dừng ở giao lộ thì cây gạt nước cũng ngừng luôn. Tuy nhiên nó cũng có thể vặn bằng tay.

Hộp số có 4 tốc độ là một tính năng tiên tiến đối với hạng xe rẻ tiền vào thời đó. Lúc đầu ông Boulanger chủ định cho chiếc xe có 3 tốc độ, bởi ông cho rằng khách hàng sẽ cảm thấy sự phức tạp khi vận hành chiếc xe có 4 số. Vì vậy, số 4 đã được ghi là chữ "S" (surmultipliée) có nghĩa như "overdrive" (hết số) trong tiếng Anh. Cần số thì song song với mặt táp-lô và có tay cầm cong lên trên.

Động cơ được làm mát bằng không khí đã làm xe ít hỏng hóc hơn, vì nó không có nước làm mát, không có két nước, không có bơm nước và không có nhiệt kế. Nó cũng không có bộ chia điện vì cả hai bu-gi đều đánh lửa cùng lúc sau mỗi kỳ thứ hai. Trong các mẫu nguyên thủy, ngoại trừ hệ thống thắng ra thì không còn bộ phận hoạt động thủy lực nào trên xe, vì các bộ giảm xóc được dựa trên một hệ thống quán tính.


Động cơ

Mẫu xe đầu tiên có động cơ 4 thì, 2 xy-lanh đối xứng theo phương nằm ngang có tổng dung tích 375 cc, cho ra 9 bhp (7 kW).

Năm 1955 là loại 425 cc được giới thiệu, sau đó là loại 602 cc (cho ra 28 bhp @ 7000 rpm) vào năm 1968. Với động cơ 602 cc thì chiếc xe thật ra đã được liệt vào loại 3CV trong bảng tính thuế, nhưng cái tên thương mại của nó vẫn không đổi. Loại 435 cc cũng được đưa ra cùng thời điểm để thay thế cho loại 425 cc. Chiếc 435 cc được đặt tên là 2CV 4, trong khi chiếc 602 cc được gọi là 2CV 6.

Động cơ 602 cc đời 1970 có công suất 33 bhp (25 kW) được coi là mẫu 2CV có công suất mạnh nhất. Còn loại 602 cc đời 1979 mới hơn thì lại có công suất nhỏ hơn, chỉ có 29 bhp (22kW) @ 5750 rpm. Mặc dù yếu hơn nhưng loại máy này hiệu quả hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và tốc độ cực đại cũng cao hơn. Phiên bản cải tiến cuối cùng của loại động cơ 2CV được trang bị cho chiếc Citroen Visa, cũng là loại 2 xy-lanh, dung tích 652 cc và hệ thống đánh lửa điện tử. Hãng Citroen không bao giờ lắp loại máy này cho xe 2CV, tuy nhiên một số người đam mê đã "lên đời" chiếc 2CV của họ bằng loại động cơ 652 này.


Biến thể tại Việt Nam: La Dalat


dalat.htm


dalat1.jpg


dalat2.jpg


dalat3.jpg


Từ năm 1936, hãng Citroën đã thiết lập một chi nhánh tại Đông Dương, lúc đó là thuộc địa của Pháp, với tên gọi Société Automobile d'Extrême-Orient (Hiệp hội xe hơi Viễn Đông).

Năm 1970, thì đổi tên thành Công Ty Xe Hơi Citroen, trực thuộc Hiệp hội Công Nghiệp và Thương Mại (Société Industrielle et Commerciale), chuyên lắp ráp xe La Dalat. Đây là một biến thể của mẫu Baby Brousse đã được sản xuất tại Iran.

Chiếc La Dalat được lắp động cơ Flat-2, 602 cc của mẫu Citroen 2 CV 1970.

Nhà máy đặt tại Sài Gòn và đã chấm dứt hoạt động vào năm 1975.


2CV trong phim

Chiếc 2CV đã xuất hiện trong một số phim của danh hài Louis de Funès. Trong cảnh mở đầu của bộ phim Le Corniaud, chiếc 2CV lái bởi Bourvil đã bị đụng tan tành bởi chiếc Rolls-Royce do Louis de Funès điều khiển.

Trong phim Blake Edwards "Revenge of the Pink Panther" (1978), viên thanh tra Clouseau có một chiếc 2CV mà anh ta gọi là "con ong bạc".

Năm 1979, bộ phim hoạt hình Nhật The Castle of Cagliostro, có một chiếc 2CV tham gia trong cảnh rượt đuổi đầu tiên. Đạo diễn nổi tiếng Hayao Miyazaki của Nhật cũng là đạo diễn đầu tiên sở hữu một chiếc 2CV. Cũng trong năm này, chiếc 2CV đã xuất hiện trong một phân đoạn ngắn của phim Apocalypse Now.

Vào năm 1981, một chiếc 2CV trang bị động cơ Flat-4 của chiếc Citroen GS đã tham gia trong bộ phim của James Bond có tựa For Your Eyes Only. Hãng Citroen đã cho xuất xưởng lô xe có tên "2CV James Bond", trang bị động cơ Flat-2, sơn màu vàng có vẽ số 007 ở cửa trước, với cả những vết đạn bắn giả.


Biệt danh

Đa số người Pháp gọi nó là "Deuche" và "Dedeuche". Họ cũng gọi nó là "cây dù trên bánh xe". Người Hà Lan là những người đầu tiên gọi nó là "de lelijke eend", nghĩa là con vịt xấu xí, và một số khác lại gọi là "de geit" nghĩa là con dê. Tại Đức thì nó được gọi là "die Ente", cũng là con vịt. Nó có một tên tiếng Anh khác là Tin Snail (ốc sên bằng thiếc).


Chiếc 2CV đời sau với đèn pha hình vuông

2cv-red.jpg



Dấu chấm hết cho 2CV

Chiếc 2CV đã được sản xuất trong 42 năm, và cuối cùng thì mẫu xe cũng không thể đáp ứng hết những đòi hỏi của người tiêu dùng như là tốc độ, sự tiện nghi và tính an toàn. Nó đã thua các mẫu xe đời mới về tất cả mọi phương diện. Đặc tính về kiểu cách độc đáo cũng không thể cứu vãn nổi sự tồn tại của nó trong các dây chuyền sản xuất của Citroen. Vào năm 1988, hãng quyết định chấm dứt sản xuất 2CV tại Pháp, nhưng nó vẫn được tiếp tục ra lò tại Bồ Đào Nha thêm hai năm nữa. Và tại đó, chiếc 2CV màu xám, mang số khung VF7AZKA00KA376002, là chiếc 2CV cuối cùng được xuất xưởng vào ngày 27-7-1990.


Các ký hiệu Model

Sedan

* A (1948-?)
* AZ
* AZAM
* AZL
* AZKA (2CV6, ?-1990)
* AZKB (2CV4)

Đa dụng (Utility)

* AU
* AZU, AZU 250
* AK 350
* AK 400, AKS 400
* AYCD (Acadiane)

 
Last edited by a moderator:
PMC
Lơ Xe
12/1/04
2.381
168
63
Xa Cảng Miền Tây
RE: Citroën và niềm kiêu hãnh Traction Avant

Citroën DS


DS là cách chơi chữ viết tắt từ chữ Déesse trong tiếng Pháp, có nghĩa là Nữ Thần. Citroen DS được sản xuất và bán ra từ năm 1955 cho đến 1975. Chiếc DS có những đặc điểm như thân xe dài, láng luốt và mượt mà, hệ thống giảm xóc thủy lực, dẫn động cầu trước và một nội thất rộng rãi và cực kỳ tiện nghi.

Citroen_Ds100.jpg


Lịch sử các mẫu DS

1968 - 1975

Sau 10 năm được phát triển một cách bí mật nhằm tạo ra một hậu duệ xứng đáng cho chiếc Traction Avant huyền thoại, chiếc DS 19 đã được giới thiệu vào ngày 5-10-1955 tại Triễn Lãm Xe Hơi Paris. Sự xuất hiện của chiếc xe cùng với thiết kế đầy tính sáng tạo đã ngay lập tức hớp hồn tất cả công chúng và làm điên đảo ngành công nghiệp xe hơi. Có 743 đơn đặt hàng đã được ký trong vòng 15 phút đầu tiên, và khi kết thúc cuộc triễn lãm thì con số đã tăng lên đến 12.000 đơn đặt hàng.

Điểm đặc biệt gây sự chú ý từ cái nhìn đầu tiên là hệ thống giảm xóc của nó, khi đứng yên thì toàn bộ thân xe như xẹp xuống sát đất như một chú ếch đang nghỉ ngơi, nhưng một khi máy khởi động là chú ếch vươn mình đứng dậy, hệ thống thủy lực nâng gầm xe lên để sẵn sàng lao đi. Chúng ta sẽ có cơ hội để nói về hệ thống giảm xóc mang tính đột phá này trong một bài khác.

DS19 President, một bản phục chế xe của Tổng Thống Pháp

50PresidentDS.JPG

Tuy nhiên, do giá khá cao nên chiếc DS có doanh số cũng không nhiều lắm, và hãng đã cho giới thiệu tiếp mẫu ID (cũng là cách viết tắt chơi chữ từ Idée, có nghĩa là 'ý tưởng') vào năm 1957, nhằm đáp ứng các khách hàng hay cân nhắc chuyện giá cả. Chiếc ID cũng có cùng thiết kế thân xe với chiếc DS, nhưng động cơ lại mang tính truyền thống hơn. Mẫu wagon có tên Break ID cũng được giới thiệu vào năm 1958.

Tháng Chín năm 1962, chiếc xe được đổi mới ở phần mũi với thiết kế tăng thêm hiệu quả khí động học, gia tăng lượng không khí trao đổi và một, hai cải tiến khác. Một phiên bản nâng cấp hạng sang có tên DS Pallas được giới thiệu vào năm 1965. Mẫu này có những tính năng tiện nghi như cách âm tốt hơn, nệm ghế bằng da và các vành bánh xe được trang trí.

50FieldofDS.JPG

Năm 1967, lại một lần nữa chiếc xe được tái thiết kế. Phiên bản này có 2 đèn trước nhô lên hơn một chút, làm cho xe có hình dạng trông như cá mập. Đèn pha có thể đổi hướng theo tay lái, giúp cho tài xế có thể nhìn rõ ở góc quẹo. Mẫu wagon Break (tại thị trường Anh có tên là ID Safari) cũng được nâng cấp. Dầu thủy lực được đổi sang loại siêu công nghệ có tên là LHM (Liquide Hydraulique Minéral).

Để góp phần đa dạng hóa cho mẫu xe DS, mẫu DS mui xếp được trình làng từ năm 1958 cho đến 1973. Các mẫu mui xếp này hầu hết được xây dựng trên khung gầm của loại sedan và gia cố thêm tính chịu lực. Chịu trách nhiệm thiết kế dòng DS có số lượng giới hạn này là kỹ sư Pháp Henri Chapron. Ông Chapron cũng là người chế thêm các mẫu DS 2 cửa (DS coupe)và DS sedan kéo dài (DS Lorraine).

1972 Citroën DS Safari

citds21s72.jpg


Những chiếc động cơ DS và ID đã chứng minh được sự hoạt động bền bỉ trong suốt 20 năm. Thoạt đầu trong giai đoạn thiết kế, động cơ 6 máy ngang (Flat-6) dựa trên loại Flat-2 của chiếc Citroen 2CV đã được đề nghị nhưng bị phá sản do có rất nhiều trục trặc kỹ thuật.

Mẫu DS19 đầu tiên được lắp động cơ 3 xy-lanh dung tích 1911cc của loại Traction Avant. Sau đó thì được thay thế bằng động cơ 5 xy-lanh dung tích 1985cc vào năm 1965, với tên mẫu mới là DS19a, và từ Tháng 9-1969 thì tên là DS20.

Mẫu DS21 thì ra cùng đời năm 1965, nhưng động cơto hơn chút, 5 xy-lanh dung tích 2175cc. Đây cũng là loại động cơ mà sau này được tăng thêm công suất nhờ vào sự ra đời của hệ thống phun xăng điện tử (EFI) của hãng Bosch vào năm 1970. Vì vậy DS được coi là mẫu xe thương mại đầu tiên trên thế giới có hệ thống phun xăng điện tử.

Mẫu DS23 chào đời năm 1973, động cơ dung tích 2347cc với cả hai loại chế hòa khí và phun xăng điện tử.

DS23 Break

citds23break74bis.jpg

Các mẫu ID và những phiên bản khác cũng đi theo hành trình cải tiến tương tự, nhưng thường thì ra sau các mẫu DS cùng hạng khoảng 1 năm. Riêng các mẫu ID thì không có loại động cơ giống như DS23 và cũng không có phun xăng điện tử.

DS thật sự ngưng sản xuất vào năm 1975 cho dòng DS Saloon (sedan) và 1976 cho dòng DS Break (wagon), nhường chỗ cho một cái tên mới sau đó: Citroen CX.

Trong suốt thời kỳ tung hoành, chiếc DS đã cố giữ cho mình một bản sắc đi trước thời đại. Nào là hệt thống phanh dĩa trợ lực, rồi hệt thống giảm xóc thủy lực độc đáo như đã nói ở trên, đi kèm với cả hệ thống cân bằng tự động. Thêm nữa là tay lái trợ lực và hộp số bán tự động, vào thời đó thì những thứ này rất "dữ". Riêng phần mui xe cũng được làm bằng sợi thủy tinh để làm giảm trọng lượng thân xe. Còn nhiều nữa, nhưng trên hết vẫn là một thiết kế thân xe đầy tính khí động lực, với vẻ trơn láng tạo một cảm nhận về một vật thể đến từ tương lai.

50GirlWaiting.JPG

(PMC tổng hợp từ internet)
 
Last edited by a moderator:
Hạng B2
10/4/05
216
1
0
53
Hà Nội
RE: Citroën và niềm kiêu hãnh Traction Avant

clapping_hand.gif

Đọc bài của bác PMC, tôi lại nhớ tới hồi nhỏ hay lôi quyển tạp chí tiếng Pháp của ông già tôi ra xem hình (vì không biết tiếng Pháp :D), có nhiều ô tô rất đẹp của mấy hãng Citroen, Renault, Peugeot ... thế rồi mê tìm hiểu xe hơi từ đó.

Hồi mới thống nhất, có mấy cái xe La Dalat từ miền Nam ra trông bé tí, góc cạnh vuông vắn, lại mang lo go Citroen, thấy lạ hỏi ông già thì được biết là xe dùng động cơ 2 xy lanh chữ V của Citroen, VN đóng vỏ ! Có lẽ ngành công nghiệp ô tô VN bắt đầu là từ La Dalat phải không các bác ?
 
A1
14/12/03
2.555
4.253
113
RE: Citroën và niềm kiêu hãnh Traction Avant

080402cool_prv.gif
hay quá. MOng bác làm tiếp nhé.
Hoà Thượng ui, lấy kim đính bài này lên đầu đêyyyyyyyyyyyy.
 
Hạng B2
1/6/05
199
4
18
RE: Citroën và niềm kiêu hãnh Traction Avant

@ bác PMC
Ở SG hiện nay có chiếc 2cv nào còn ngon k0 ? nếu có thì khoảng bao nhiêu vậy
CAMEL
 
Hạng D
10/8/05
1.219
4
38
124
CLB Xe cổ SG
RE: Citroën và niềm kiêu hãnh Traction Avant

Theo tôi biết giá xe 2CV tại SG hiện nay khá bèo. Hôm trước có một chú giao bán giá khoảng 10 tr, xe vẫn đang chạy. Mấy chú người nước ngoài (tất nhiên xe được sửa tốt hơn) bán khoảng 2000USD. Một bác trên Tây Ninh rao bán giá 8tr (còn thương lượng).
Xe này chạy rất tiết kiệm xăng vì máy nhỏ nhưng kiểu dáng thì có lẽ không được bằng chiếc "công nông" đầu ngang ở làng quê VN!!
 
PMC
Lơ Xe
12/1/04
2.381
168
63
Xa Cảng Miền Tây
RE: Citroën và niềm kiêu hãnh Traction Avant

@ Lạc Đà: em chỉ được cái "ăn tục nói phét" thôi chứ em không biết gì về thị trường xe cộ ở SG đâu bác, may mà có bác Yêu Bọ cứu bồ. :D

@ Yêu Bọ: có 10 triệu mà được chiếc sedan 4 cửa thì nhất rồi bác nhỉ, nghe nói giá thế em cũng muốn chơi một em về chạy thay cho con wave an pha, he he...


à, em xin lỗi lỡ tay xóa vài bài trong đây mà không phục hồi lại được, thành thật xin lỗi các bác đã đăng bài.
 
Hạng D
10/8/05
1.219
4
38
124
CLB Xe cổ SG
RE: Citroën và niềm kiêu hãnh Traction Avant

Tôi thấy trong các dòng xe cổ của Citroen thì chỉ có dòng DS là đẹp còn lại thì quá xấu. Traction chỉ được cái đầu còn đuôi và các bộ phận khác thì có lẽ phải che bằng "trang nhất báo Nhân dân".