Hạng C
1/10/11
613
1
0
PMH
Trong cảm nhận của tôi, trong lòng Tây Hồ ẩn giấu một nỗi buồn man mác. Ví như chữ Tây (西) trong Tây Hồ, là một chữ ít nét cô đơn. Những chữ khác khi ghép vào với nó đều tự nhiên sinh ra một ý tứ buồn bã muộn phiền, khoảng trống trong lòng chữ Tây chứa đầy gió, sự thê lương vì thế bị giấu đi, chỉ còn hiện ra những nét hoang vắng mơ hồ.


Chung quy lại cũng bởi vì phong cảnh ở nơi đây như thế, cùng với những truyền thuyết nhân sinh mang đầy tính chất phong tình oán hận đã từng diễn ra ở chốn này, mà đã tạo nên một Tây Hồ với những câu chuyện chỉ quẩn quanh mấy nỗi "Cầu nối cầu, cầu dài không thật dài, núi Đơn Côi mà chẳng đơn côi, thương tình không thương tâm", phảng phất như mặt hồ khói nước mông lung kia, khiến cho lòng người mãi hoài nhớ tâm tình năm xưa.


Đó là những tàn dư trong giấc mộng của tôi về Tây Hồ, mộng ấy, qua rất nhiều năm vẫn gián đoạn không thành.


Lần đầu tiên đi ngắm Tây Hồ là trong một chuyến hành trình dài đầy khổ sở, cuối cùng khi đến được Hàng Châu, trên mặt đã nhuốm đầy phong sương, tinh thần mệt mỏi rã rời, chẳng còn thiết tha du ngoạn nơi nào khác ngoài việc một mình đứng ở Tô Đê, ngắm mặt trời lặn thong dong về phía trời Tây.


Thái Thú Hàng Châu Tô Thức khi xưa vẫn chưa có danh là Đông Pha cư sĩ, đã cho khơi Tây Hồ lấy nước tưới ruộng giúp dân, đất đào lên được dùng đắp thành một cái đê mà về sau sáng sớm mỗi ngày ông đều đến đó tản bộ. Cách đó không xa, là nhịp cầu nơi Bạch nương tử từng đứng che ô đã tình cờ gặp gỡ chàng Hứa Tiên năm nào. Xa hơn nữa, như có thể thấy được Tô Tiểu Tiểu ôm trọn hết thảy bi thương ngồi xe du bích quyết tuyệt rời khỏi thế giới này.


Úc Đạt Phu nói: tôi cho rằng trên thế gian này không có nơi đâu đẹp bằng, yên tĩnh bằng, dễ đi vào lòng người bằng, cảnh thu tàn trên Tây Hồ.

Lúc Úc Đạt Phu nói ra những lời này, cũng là vào tiết này trong năm, nhưng đã cách đây 80 năm về trước. Dãy dãy núi xanh bao quanh Tây Hồ, lá chết ngả vàng như mơ, từ xa nhìn lại cây lá như đang vươn chồi trong một mùa tái sinh mới. Lúc này, ánh tà dương chẳng còn dọa dẫm được ai, nhưng bóng nắng cuối ngày lại khiến mọi thứ trở nên đáng mến hơn rất nhiều. Những tia nắng cuối cùng còn sót lại lướt chầm chậm qua gương mặt phố núi rồi biến mất. Bên bờ hồ, cây lá dập dờn, gió gợn sóng biếc, núi xanh nơi xa xa như hòa làm một với vùng sơn khê heo hút, dòng nước gần bờ đã nhuộm thành màu đỏ quạch như gương mặt kẻ say, sóng bạc lấp loáng sáng.


Giọng nói từ ngàn xưa đang vọng về, thời gian của ngàn đời vẫn đang trôi mãi.
 
Last edited by a moderator:
Hạng C
1/10/11
613
1
0
PMH
Re:Lang thang đại giang Nam Bắc theo mộng Giang nam

374627_2053959088695_1836093448_1334514_791684781_n.jpg

Phóng mắt ra khắp mặt hồ, như nhìn thấy hai hòn đảo Nguyễn Công Đông và Tiểu Doanh Châu sóng vai nhau đứng giữa trời chiều, cảnh mông lung như thực như hư. Có thể nhìn thấy xa xa, nhịp cầu uốn cong duyên dáng nằm bên trên sóng nước mênh mông, liễu thướt tha buông mình trong gió, soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng như gương. Gần đó, đám sen mùa hạ đã úa tàn rã rượi, chỉ còn sót lại vài cánh mỏng màu hồng nhạt, nổi lên giữa quang cảnh điêu tàn xung quanh, mang theo một vẻ đẹp gần như lãnh đạm.

Dương Vạn Lý từng ở bên hồ hát tiễn khách rằng "Tiếp thiên liên diệp vô cùng bích" (Liền trời sắc lá xanh xanh ngắt)[2]. Chỉ một mình ông ngồi đó ngân nga, tư thế điềm nhiên như chứa cả dáng núi bóng mây, đóa hoa sen vươn cao giữa Tây Hồ năm ấy dường như cũng tỏa ra ánh huyền hoặc sống động hệt như thần thái của ông. Nước gợn hết đợt này đến đợt khác, quang cảnh Tây Hồ nhờ có chúng mà sinh động hơn vài phàn.

"Đến bờ xin người nhớ ngoảnh lại, tiên cảnh Bồng Lai giữa trùng khơi."

Nhớ đến một câu thơ của Bạch Cư Dị, tôi cũng học theo đó mà ngoái đầu nhìn về phía Cô sơn, núi vẫn xanh như trước, gối đầu lên sóng nước Tây Hồ mà chìm vào giấc ngủ say, trăm năm cũng chưa từng biến chuyển. Bạch Cư Dị, khi đứng bên bờ Tây Hồ khi ấy, trong lòng có thầm thở than cho sự đối lập giữa vĩnh hằng của nước non và khoảnh khắc ngắn ngủi của đời người, giống như tôi?

Đầu cùng của Tô Đê, chính là cảnh nắng chiều Lôi Phong nức tiếng gần xa: tòa tháp cao cao, sừng sững in bóng giữa nền trời, chừng như chạm được đến cả những tầng mây tía trên cao. Núi non trùng trùng điệp điệp, dáng núi gần xa khó phân, đậm nhạt khó biết. Mặt hồ phẳng lặng phía dưới như cũng chìm trong một sắc vàng rực rỡ, ánh sáng chao trên đầu con sóng, dập dềnh mãi không ngừng.

Tôi ngắm đến thảng thốt, cảnh đẹp say lòng nhưng lại không thể chạm vào, khiến người không khỏi cảm khái. Gió hồ lướt qua, liễu mảnh reo lên xào xạc. Tòa bảo tháp Lôi Phong đó, rất lâu rất lâu về trước từng là nơi giam hãm một con xà yêu có tu vi ngàn năm.

Thiếp tu hành suốt năm trăm năm, chỉ vì một cuộc tao ngộ bên cầu, cùng người.

Thành Hàng Châu phía đối diện xa như núi gần tựa nước, hư huyễn chẳng khác nào ảo ảnh thế gian. Thực ra, phải đi đến nơi đâu mới là cuộc sống của hiện thực, lẽ nào, lẽ nào, đây là Tây Hồ trong giấc mộng của tôi sao?
 
Hạng C
1/10/11
613
1
0
PMH
Re:Lang thang đại giang Nam Bắc theo mộng Giang nam

394465_2053958728686_1836093448_1334513_4427915_n.jpg

Lần thứ hai đến Tây Hồ, là một buổi tối có trăng sau mưa, theo lời hẹn của chúng bạn đến Lãng Văn Oanh uống trà.

Hai bên bờ Bạch Đê liễu rủ như khói, dọc theo bên hồ, nơi nơi đều là sóng nước mênh mang, mỗi bước chân đi cũng giống như đang đầm mình trong nước. Nhìn khắp xung quanh, một vùng nước non bao la bát ngát, vài hòn đảo xanh tươi um tùm, một chiếc thuyền hoa lênh đênh giữa dòng, dáng núi bất động trong đêm tối, Lục Hòa Tháp và Lôi Phong Tháp đối mặt nhìn nhau.

Những cụm núi bao quanh bốn phía, mặt giữa là một ngọn núi lớn án ngữ. Núi cũng không cao lắm, nhưng tầng tầng lớp lớp, có gần có xa, sắc xanh của Tây Hồ lúc này đã biến thành một vùng thẳm xanh dịu dặt, đâu đâu cũng thấy, sóng nước lượn lờ khoảng mông mông.

Gió đêm thổi lạnh khiến tôi bỗng chốc rơi vào suy tư, suy tư của tôi cũng giống như dòng nước, chìm nổi, giao nhau, tự do, quấn quýt. Tây Hồ là cố hương lý tưởng trong lòng chúng văn nhân xưa nay. Trăm nghìn năm trôi qua, họ vẫn có thể cảm tác ra bao áng văn thơ ca ngợi nơi này, ngẩn ngơ đứng ở bên hồ, ánh mắt say mê như có sóng. Chỉ cần đến được Tây Hồ, dù sau đó rồi cũng sẽ đi, đối với chính mình vẫn là một niềm an ủi. Thân phận, tiền tài, công danh, những thứ đó đã không còn quan trọng nữa. Chỉ có lý tưởng và mộng tưởng đang lẳng lặng dệt nên trong lòng kia, mới khiến họ thanh thản, sướng vui.

Một chiếc thuyền nhỏ chầm chậm lướt qua, cắt ánh trăng bạc trên mặt hồ thành muôn ngàn mảnh vỡ. Tất cả mộng tưởng trong văn hóa Trung Hoa của chúng tôi, có lúc bấp bênh, có khi chán nản, đều được chiếc thuyền ấy chở trên lưng.

Tây Hồ từ đó về sau, tơ liễu phiêu phiêu, gió mát mị người, sóng nối sóng, bóng lồng bóng, tiếng tiêu như phượng hoàng than khóc, quan to quý nhân mắt nhập nhèm chìm trong say sưa, văn nhân dùng thơ văn tán thưởng, ca kỹ xiêm áo điệu đàng ngày đêm ca múa. Ở nơi đây, giết chóc và ca vũ không thể cùng tồn tại, mọi thứ đều như một giấc mộng yên vui, cực lạc nhân gian. Thời thế nhiễu nhương, kẻ khôn ngoan hết thảy đều náu mình, cảnh chém giết đao quang kiếm ảnh nơi phương Bắc xa xôi ngày càng mờ nhạt đi trong trí nhớ con người. Từ khi đó, Tây Hồ trong dòng chảy thời gian đã luôn hiện lên như một hình ảnh thanh tú phong nhã, một nơi chốn an nhàn tươi vui, có ý tứ minh thiện, nhưng cũng trống rỗng và thanh nhàn.

Hồ nước ơi, hồ nước ơi, một ngàn năm tiêu dao, tới khi nào mi mới có thể dừng lại?

Sự xuất hiện của Tây Hồ có thể so với những dòng tuyệt cú của Tây Tử. Nhận ra điều đó, Tây Hồ bắt đầu ước hẹn, quyến rũ, bày ra tất cả sắc vóc, phô ra sắc xanh miên man, còn cả cả những tình yêu say đắm não lòng.

Tây Hồ là nơi để lại cho đời nay nhiều chuyện kể hơn bất cứ nơi nào khác. Những nữ tử dung nhan thanh tao tú lệ, những nam nhân ánh mắt như sương sa khiến người xuyến xao. Theo thời gian, sau thời của Tô Tiểu Tiểu và Chu Thục Trinh, vẫn còn có nhưng người con gái khác, như Bạch nương tử, Đỗ Thập Nương, Chúc Anh Đài, nhiều hơn thế nữa là những cô gái chẳng lưu lại tên tuổi cho đời. Các nàng tự mình thương mình, lẻ loi vời vợi. Tạo hóa ban cho các nàng những số kiếp hồng nhan bạc mệnh, Tây Hồ lại nhờ đó mà góp dày tình cảm nhân sinh, từ một quang cảnh non xanh nước biếc vô tư vô lự cũng dần dần cũng trĩu nặng tâm tư như một con người. Các nàng như hoa xuân từ từ héo rũ, người mất, tiếng cũng chẳng còn.
 
Hạng C
1/10/11
613
1
0
PMH
Re:Lang thang đại giang Nam Bắc theo mộng Giang nam

Lúc thưởng trà ở Văn Oanh các, không biết mưa lại rơi xuống từ khi nào.

Ngoài cửa sổ ngoài tiếng mưa vẫn chỉ có tiếng mưa, tí tách tí tách, rơi mãi không ngừng, khiến mắt cay, khiến lòng đau, khiến tâm xót xa, tình lưu luyến. Vào lúc này, đã không còn trông thấy được điều gì nữa, nhưng đồng thời lại có cảm giác như thấu suốt tất cả. Tựa như trước mắt là khung trời trống rỗng ngoài cửa sổ phía Tây, nơi những tình cảm dịu dàng đã dệt thành tơ mỏng chăng ngang khắp trời, một chiếc kéo vô hình cứ cắt mãi, những đoạn tơ tình đứt lìa rồi lại sinh ra.

Một khoảnh khắc ấy, hồn phi phách tán, ái hận khôn nguôi.

Đột nhiên nhớ tới một vị văn nhân nào đó đã từng nói qua, một tòa thành luôn cần có một người canh gác, giống như một chiếc đồng hồ cổ ở quảng trường những thành phố lớn ngày nay hay một tiếng trống báo canh thời xưa vẫn có, mỗi khắc mỗi giây đều lên tiếng nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng thời gian của mình, phải biết sống sao cho đáng. Điều Tây Hồ nhắc cho chúng ta nhớ đến không phải chỉ có mỗi Hàng Châu, mà còn có cả một chiều sâu văn hóa của Trung Quốc. Khi suy nghĩ ấy vừa nhen lên trong lòng tôi, thì Tây Hồ cũng đã bắt đầu trở nên lớn lao hơn, xa cách hơn, mờ ảo hơn.

Nhưng mà, đây chính là Tây Hồ tôi đã từng mơ thấy sao?



Từ đó về sau, Tây Hồ vẫn xuất hiện trong những giấc mộng chập chờn của tôi, nhưng đã khác đi nhiều so với trước. An tĩnh, an tĩnh đến mức gần như kiên quyết. Hồ nước ấy, nơi chốn ấy, đã sớm đi qua phồn hoa, chìm nổi bao đời, vì vậy mà tâm tĩnh lòng yên. Lôi Phong tháp, Bảo Lục tháp, Hào Các, Tĩnh Tử tự, đứng yên lặng và buồn thảm trong đêm tối; phật chủ, yêu nữ, bóng ma, u buồn và cô độc, những điều đơn giản nhất cũng dần dần trở nên phức tạp khi bóng đêm buông xuống; nhịp thở của cuộc sống thế tục, tiếng tràng hạt lần tay, tiếng cầu phúc, tiếng oán than, trai gái hờn giận, vang lên rõ ràng như quẩn quanh đâu đây; trái tim của thành thị vẫn luôn luôn đập, trong đêm tối sẽ bay lên sướng vui hoặc đớn đau chìm xuống; giữa lúc thời gian trôi qua, mới cũ giao hòa, thay đổi và chuyển hóa là không thể nào tránh khỏi. Từng có một thời, sự phồn vinh che lấp phế tích nơi đây.

Giữa mưa bụi mờ mịt, tiếng sáo trúc văng vẳng đâu đây, là ai lên dây cho cây trúc huyền, ai vẫn say mê múa ca trong bóng tối, là oanh ca? Hay yến lượn? Ảo giác tìm về?
 
Hạng C
1/10/11
613
1
0
PMH
Re:Lang thang đại giang Nam Bắc theo mộng Giang nam

Mưa gõ nhịp trên mái ngói thanh thanh, nước biếc ôm ấp dãy tường xưa rêu phủ, nơi ngõ vắng song sâu, khẽ vuốt ve hàng bờ rào loang lổ, hình dung ra buổi ban sơ có người từng tựa lưng đứng ở nơi này, ánh mắt sáng trong, nụ cười tươi tắn. Nhắm mắt lại, dường như đã mấy đời trôi qua. Mưa cứ rơi, rơi mãi, khiến tháng năm bạc trắng, hoa mẫu đơn chìm trong điêu linh, nhện giăng tơ kết tổ, bụi thời gian phủ mờ hết thảy những dĩ vãng vàng son.

Trên thanh đồng giá nến, lưu lại vài giọt sáp tang thương, gương mờ nhòe nhoẹt, tìm đâu thấy nụ cười môi đỏ của hồng nhan. Ngoái đầu nhìn lại mùa du, liễu râm bóng, những phiến đá bám đầy rêu xanh, hồ nước rập rờn không rõ cười hay khóc, cơn mưa phùn biết khi nào thôi rơi, kiếp trước của bạn, kiếp này của tôi, tất cả đều đã được ghi chép lại...

Xa xa, tường trắng bạch một màu, ngói đen thẫm như mực, nhịp cầu mái cong cong, hành lang quanh co chạm trổ, chim én xây tổ dưới rường nhà, êm ấm an vui.

Trong giấc mơ của tôi, hoa sen tàn trôi trên mặt nước, rã ra muôn ngàn mảnh, lẳng lặng chết đi, dần vón lại thành một phế tích. Tôi ở trong mơ vẫn biết, mùa xuân năm sau sẽ đến, một mùa sen mới sẽ lại nở rộ khắp nơi, Tây Hồ sẽ lại trở mình thức giấc, từ một phế tích xa xưa trở thành giấc mộng khiến bao người ước mong.

Nhưng mộng ấy, đã không trở lại, Tây Hồ này.


380146_2056184624332_1836093448_1335677_2105730422_n.jpg
 
Hạng C
1/10/11
613
1
0
PMH
Re:Lang thang đại giang Nam Bắc theo mộng Giang nam

Xuôi dòng Giang nam theo Mộng Giang nam của Tiểu Lâm, tôi bồng bềnh theo bước lãng du của những miền mộng tưởng Đường thi Tống thi đã nghiền ngẫm từ thuở xa xôi. Có những miền đất đã đi qua từ chữ viết giờ đây hiện lên mờ ảo trong khói sóng lãng đãng Tây hồ...
Hứa Tiên cùng Bạch xà trong truyền thuyết từng bước qua đây chăng


378593_2056183664308_1836093448_1335674_1959312803_n.jpg
 
Hạng C
1/10/11
613
1
0
PMH
Re:Lang thang đại giang Nam Bắc theo mộng Giang nam

Cỏ nào vẫn biếc? Nước nào vẫn xanh?
Cố hương chìm khuất cuối chân mây,
Cố hương nơi Giang Nam…
Mưa nào nghiêng nghiêng? Cầu nào cong cong?
Mộng đẹp xuôi theo cánh buồm trắng,
... Mộng đẹp về Giang Nam…

Chẳng biết mây khói đêm nay tự thưở nào,
Chẳng hay thụy liên chiều xuống lại ra sao…
Chỉ nguyện hóa thân làm vần cổ thi Đường Tống,
Nghìn thu kề cận người…

Bài từ lãng đãng hơi thu này vừa được gửi tặng khi bạn thấy tôi lại mơ mộng phiêu linh...