Hạng B2
Super Moderators
14/7/19
292
437
63
Sát ngày Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, tại nhiều địa phương tình trạng uống rượu, bia lái xe vẫn diễn ra khá phổ biến.
Uống rượu, bia lái xe vẫn phổ biến trước giờ G


Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020 với rất nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ kéo giảm tình trạng sử dụng rượu bia tham gia giao thông. Tuy nhiên, ghi nhận của Báo Giao thông những ngày cuối tháng 12/2019, tình trạng uống rượu bia vi phạm giao thông vẫn khá nhức nhối ở hầu khắp các địa phương trên cả nước...
Người vi phạm ngơ ngác nói chưa biết quy định mới
Khoảng 20h ngày 23/12, các quán karaoke, nhà hàng, quán nhậu vỉa hè dọc tuyến đường Lê Thánh Tông, Trần Quốc Nghiễn, Bãi Cháy, Hoàng Quốc Việt... trên địa bàn TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) vẫn tấp nập đón khách. Lập chốt kiểm soát nồng độ cồn trên tuyến đường Lê Thánh Tông, cách quán karaoke TKV khoảng 1km, tổ công tác thuộc Đội CSGT TP Hạ Long nhanh chóng kiểm tra 2 trường hợp điều khiển xe máy có sử dụng rượu bia nhưng ở mức dưới 0,25 miligam/lít khí thở nên chỉ nhắc nhở.

Không bị xử phạt nồng độ cồn vì kết quả đo 0,13 miligam/lít khí thở, anh Nguyễn Văn Tâm (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) xuýt xoa: “May quá”. Khi được hỏi có biết Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, trong đó quy định đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện, anh Tâm tỏ ra ngơ ngác và nói “không biết”.

Do phát hiện lực lượng CSGT lập chốt kiểm tra nồng độ cồn, những chiếc xe ô tô, xe máy từ các quán karaoke, quán ăn nhậu nằm “bất động” hoặc đi vào các ngõ ngách để né tránh. Nhiều thanh niên điều khiển xe máy không đội MBH còn cố tình chạy tốc độ cao, vượt qua chốt kiểm tra với lời lẽ thách thức.
Chị Nguyễn Lan Anh, chủ một nhà hàng ăn uống trên đường Trần Quốc Nghiễn cho biết: “Để hỗ trợ khách ra về an toàn khi đã uống rượu bia, chúng tôi liên kết với một số hãng taxi. Tuy nhiên, phần lớn khách đều khẳng định mình tỉnh táo, đủ sức lái xe nên không thể can ngăn. Có khách khó tính còn chửi bới và gây sự với nhân viên của nhà hàng”.

Tại Nghệ An, dọc các con phố lớn như: Đại lộ Lê Nin, Lê Mao kéo dài, Phố đêm Đào Tấn... số lượng thực khách rời bàn nhậu rồi lên xe đi về khá phổ biến. Anh Nguyễn Văn Công (trú phường Vinh Tân, TP Vinh) vừa cùng bạn ngồi ăn ở quán Rạm Biển 2 và có uống rượu. Song, khi tàn cuộc, anh vẫn điều khiển ô tô về nhà. “Uống có mấy chén sao say được. Không đi xe về mai lấy gì đi làm sớm”, anh Công nói.

Tương tự tại Đà Nẵng, sau cuộc nhậu tới bến với bạn bè, gương mặt Bình đỏ gay, hơi men chếnh choáng, cậu thanh niên điều khiển xe máy về phòng trọ cách quán nhậu gần 10km. Uống quá chén, sáng hôm sau Bình ôm đầu than đau. Anh ta cũng không nhớ nổi mình đã về phòng trọ bằng cách nào.

Khi được hỏi có biết về quy định mới của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” sẽ bị xử phạt, Bình lắc đầu. “Có nghe nói cấm, không được ép người khác uống rượu bia thôi chứ chưa rõ lắm. Trước đây có khung xử phạt cũng đâu ai tự đo xem mình đã đến mức bị phạt chưa đâu”, Bình nói.

Dọc các tuyến đường ở Đà Nẵng như Nguyễn Tất Thành, Thăng Long, Võ Nguyên Giáp... quán nhậu mọc san sát. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những cuộc vui chính thức vào giai đoạn rộn rã nhất. Tiếng hô, tiếng ly cụng náo nhiệt. Nhưng tàn cuộc, phần lớn ai có xe tự đi về nhà. Phải hiếm lắm mới bắt gặp cảnh nhóm người say “quắc cần câu” đứng bên đường chờ taxi, Grab tới đón.
Đủ kiểu lý lẽ của bợm nhậu


Uống rượu, bia lái xe vẫn phổ biến trước giờ G


Người đàn ông bước ra khỏi quán bia trên phố Hào Nam (Đống Đa, HN) lập tức leo lên xe máy, không đội MBH tham gia giao thông.
Tại TP HCM, dọc tuyến đường Lê Văn Việt (quận 9), Hoàng Diệu 2, Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) và tuyến đường gần các khu công nghiệp giáp ranh tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trời sáng đèn là lúc những quán nhậu từ vỉa hè đến nhà hàng xe máy, ô tô tấp nập vào ra
Khi được hỏi về Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, nhiều người nói thẳng: Không biết. Đặt câu hỏi với một số thanh niên đang ngồi nhậu trong một quán vỉa hè trên đường Lê Văn Việt (quận 9) về quy định: Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia, mọi người ai nấy đều ủng hộ việc cấm ép buộc uống rượu. Nhưng nhiều người vẫn khăng khăng cho rằng, quy định cấm lôi kéo người khác uống rượu bia là khó khả thi khi xử phạt.

Anh N.S.Đ (29 tuổi, ngụ Thủ Đức) cho biết, hầu như chiều nào anh cũng rủ bạn bè đồng nghiệp làm vài “ve” cho đỡ buồn trước khi về nhà. “Đã không nhậu thì thôi, ngồi vô bàn nhậu là phải uống hết mình. Vậy việc gọi bạn bè đồng nghiệp đến bàn nhậu có được xem là xúi giục không, hoặc mời người cùng bàn cụng ly có bị xem là lôi kéo người khác uống rượu bia không, xử phạt thế nào.?”, anh Đ. băn khoăn.

Tại Bạc Liêu, ghi nhận của PV Báo Giao thông vào khoảng 17h ngày 22/12, có gần chục quán nhậu, quán ốc nằm trên đường Ninh Bình (phường 2, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu), xe máy, xe ô tô đậu chật ních, khách đến quán cứ việc bỏ xe trên lề đường, lập tức có nhân viên đến dắt hộ, có nơi chiếm gần hết vỉa hè, lòng đường để làm bãi đậu xe.

Từ 18 - 21h, hầu như ở các quán đều rất đông khách, nhất là quán nhậu N.S., quán nhậu Đ.T…., tiếng người nói cười, chúc tụng không ngớt. Đến hơn 22h, nhiều “ma men” bắt đầu ra về, mặt người nào cũng ửng đỏ, nhưng vẫn leo lên xe, có người tay lái loạng choạng. Mấy người trong quán còn nói với theo với bạn: “Về an toàn nhé. Lái xe cẩn thận. Khi nào về tới thì alo nhé”.

Anh Lê Chí Th. (ngụ huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) chia sẻ, hôm nay mình cùng nhóm bạn hẹn nhau nhậu mừng đứa bạn vừa tìm được việc làm. “Chúng tôi cũng chỉ uống vài chai thôi, chứ không dám uống nhiều vì nhà cũng hơi xa, nên mình tranh thủ, vì bạn rủ quá nên cũng phải đi cho bạn vui”, anh Th. chia sẻ và cho biết thêm, thông qua báo, đài anh cũng có biết được Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực từ 1/1/2020 nhưng cụ thể thế nào thì cũng chưa rõ.

Tối 23/12, hầu hết các quán nhậu trên tuyến đường Nguyễn Thị Định chật kín khách. Sau khi tàn cuộc chén chú chén anh, sau những cái bắt tay “hẹn gặp lại”, 3 vị “thượng đế” ngồi nhậu trước đó tại một bàn ở quán H.H trên đường Nguyễn Thị Định ra đường, leo lên 3 xe máy BKS: 77E1-135.47, 77X4-6216, 77Y2-7645… đậu phía trước phóng đi bạt mạng giữa các tuyến phố.

Nhiều quán nhậu trên đường Xuân Diệu, Ngô Gia Tự… đều sử dụng phần lòng đường hay giải phân cách giữa làm nơi đậu, đỗ phương tiện vào quán. Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng lực lượng chức năng TP Quy Nhơn vẫn chưa có biện pháp xử lý.

“Theo Phòng CSGT Công an TP HCM, trong 1 tuần, từ 13 - 19/12, đơn vị đã phát hiện, xử lý 8.595 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có khoảng 180 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho biết, máy đo nồng độ cồn thế hệ mới hoạt động ổn định, chính xác nhưng số lượng rất ít. Ban ATGT TP đã đề xuất Nhà nước trang bị thêm cho CSGT. “Nếu có nhiều máy mới để kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, chắc chắn tình trạng lái xe uống rượu bia sẽ giảm đáng kể”, ông Tường cho hay."

Cre: CSGT
 
Hạng F
1/6/15
5.555
28.569
113
Xàm thiệt, luật giao thông đã cấm từ lâu rồi, giờ G méo gì.
 
Hạng B2
3/1/17
352
484
63
Xàm thiệt, luật giao thông đã cấm từ lâu rồi, giờ G méo gì.
hình như họ bổ sung thêm. bây giờ cứ có nồng độ cồn là phạt. không quy định bao nhiêu. với lại thêm xe đạp, xe gắn máy các thứ nữa...