Thương vụ mua gần 10% cổ phần Daimler AG của ông Li Shufu đến từ hãng Geely đang làm xôn xao khắp các mặt báo tài chính lẫn chuyên ngành ô tô. Nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh sự kiện này. Số cổ phần của Daimler hiện giờ đang nằm trong tay ai? Liệu ông Li Shufu hay Geely có thể can thiệp sâu rộng vào việc sản xuất xe của Daimler hay không? Mercedes-Benz bây giờ là xe Đức hay Trung Quốc?[pagebreak][/pagebreak]
Sau đây là một số ý chính để hiểu đúng về bản chất sự kiện mua cổ phần này.
1. Hôm 23/2 vừa qua,
tờ Bloomberg đã đưa tin về việc tỷ phú người Trung Quốc - ông Li Shufu hiện đang sở hữu 9,69 % cổ phần của tập đoàn Daimler với số cổ phiếu trị giá 7,3 tỷ Euro (tương đương 9 tỷ USD). Ông cũng chính thức trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của tập đoàn này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ông Li Shufu hay Geely có quyền lực lớn nhất tại Daimler.
Thực tế trong cơ cấu cổ đông của Daimler AG ở thời điểm cuối năm 2017, 70,7% cổ phần của Daimler thuộc về các nhà đầu tư là tổ chức, quỹ đầu tư, 19,4% thuộc sở hữu của những nhà đầu tư cá nhân. Với việc sở hữu 9,69% cổ phần, ông Li Shufu là cổ đông
cá nhân lớn nhất, nhưng vẫn chưa phải là cổ đông lớn nhất của Daimler.
Sau thương vụ ngày 23/2 vừa qua, cơ cấu cổ đông này thay đổi thành 61,4% cổ phần của Daimler thuộc về các nhà đầu tư là tổ chức, quỹ đầu tư; 19% thuộc sở hữu của những nhà đầu tư cá nhân. Tiếp đến là ông Li Shufu với 9,7% cổ phần, Kuwait Investment Authority chiếm 6,8% và Renault/Nissan chiếm 3,1% cổ phần.
2. Nếu tính về tỷ lệ giữ cổ phần theo châu lục tại Daimler, khu vực Đức, châu Âu và Mỹ vẫn chiếm đa số. Theo cấu trúc sở hữu cổ phần vào cuối năm 2017, nếu chia theo khu vực thì Đức chiếm 34,5% cổ phần, các nước châu Âu khác chiếm 30,9% cổ phần và Mỹ chiếm 22,8% cổ phần. Châu Á, tại thời điểm cuối năm 2017 chỉ chiếm 2,9% cổ phần. Nên với số cổ phần mới mà Geely mua được, thì tỷ lệ cổ phần của khu vực này sẽ tăng lên một chút, nhưng có thể nói là không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc cổ đông hay hoạt động của hãng.
3. Ông Li Shufu cũng như Geely mua cổ phần tại công ty mẹ Daimler AG chứ không phải mua cổ phần của Mercedes-Benz. Daimler là một tập đoàn lớn với nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Trong đó bao gồm: Mercedes-Benz, xe tải Daimler, xe van Mercedes-Benz, xe bus Daimler, dịch vụ tài chính Daimler Financial Services.
4. Việc ông Li Shufu và Geely mua cổ phần tại Mercedes-Benz là một hình thức đầu tư tài chính. Đây không phải là một thương vụ mua bán và sáp nhập. Bản thân Daimler cũng nói rõ trong thông cáo báo chí của mình rằng: họ chào đón ông Li Shufu với tư cách là một cổ đông đầu tư dài hạn. Ông là người đã thuyết phục được Daimler bằng sức mạnh, chiến lược và tầm nhìn tương lai. Tập đoàn Daimler cũng đánh giá cao sự đầu tư của ông Li Shufu cũng như kiến thức và sự ảnh hưởng của ông ở thị trường Trung Quốc.
Việc đầu tư này không chỉ giúp Geely học tập công nghệ sản xuất, quản lý của Daimler mà còn giúp chính Daimler đặt nền tảng vững chắc hơn ở Trung Quốc - thị trường xe lớn nhất thế giới hiện nay. Ngay sau thông cáo báo chí ngày 23/2, Daimler cũng đã xúc tiến
kế hoạch mở rộng sản xuất Mercedes tại thị trường Trung Quốc với BAIC.
5. Vậy tại sao sự kiện này lại gây xôn xao?
Chuyện ông Li Shufu nắm quyền Daimler hay Mercedes-Benz là không có. Hoặc ít nhất là chưa thể. Nhưng dường như ông Li Shufu đang có ý định thâu tóm dần cổ phiếu của thương hiệu Đức.
Việc một cá nhân mà nắm tới gần 10% cổ phần của một tập đoàn lớn như Daimler là một sự kiện đáng kinh ngạc. Hiện tại ông vẫn là một cổ đông cá nhân tại Daimler nhưng với tham vọng sẵn có, không ai biết trong tương lai, ông có thể mở rộng số lượng cổ phần này hay không.
---
Các bác nghĩ gì về thương vụ này?
Đây chỉ là những ý kiến cá nhân của em sau khi nghiên cứu về
báo cáo tài chính Daimler 2017 và
thông cáo báo chí của hãng. Nếu có quan điểm hay ý kiến gì khác, mời các bác cùng chia sẻ thảo luận.
